Việt Nam có thêm 2.047 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh
Trong ngày 24/7, cả nước ghi nhận thêm 7.968 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 31 ca nhập cảnh và 9.225 ca ghi nhận trong nước; riêng TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục nhiều nhất với 5.396 ca. Cũng trong ngày 24/7, cả nước có thêm 2.047 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 130 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 17 ca.
Như vậy, tính các đợt dịch đến nay, tổng số mắc COVID-19 tại Việt Nam là 90.934 ca, trong đó có 2.172 ca nhập cảnh và 88.762 ca mắc trong nước. Riêng số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 87.192 ca, trong đó có 14.809 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi đến nay 17.583 ca.
Có 8 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới là: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Đến nay, tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 4.478.757 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.125.156 liều, tiêm mũi 2 là 353.601 liều.
Kêu gọi lực lượng y tế công, tư, bác sỹ nghỉ hưu tham gia chống dịch
Trước tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, thiếu nhân lực y tế, bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng ra lời kêu gọi lực lượng y tế công lập và tư nhân, y, bác sỹ đã nghỉ hưu tham gia chống dịch COVID-19.
Theo Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, cùng với sự chung tay của lực lượng cán bộ y tế trên cả nước, ngành y tế thành phố đã rất nỗ lực kiểm soát, khống chế dịch COVID-19. Tuy nhiên, sự phát tán nhanh của SARS-CoV-2 với biến chủng Delta khiến công tác phòng, chống dịch gặp khó khăn, trong đó hệ thống điều trị bị quá tải.
Do đó, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng khẩn thiết kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công, tư, Hội Y học thành phố, các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu, các lương y, giảng viên, sinh viên tại các trường đào tạo, dạy nghề thuộc khối ngành chăm sóc sức khỏe tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch của Thành phố Hồ Chí Minh.
Để tham gia vào những hoạt động này, các tập thể, cá nhân có thể liên hệ với Phòng Tổ chức cán bộ (Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh) theo số điện thoại 028.39309967 hoặc 0907.574.269. "Với trách nhiệm nghề nghiệp, tinh thần tương thân tương ái và tấm lòng thương yêu đồng bào, chúng ta hãy cùng chung tay hỗ trợ công tác chống dịch, tư vấn và trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kêu gọi.
Theo thống kê của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố đang điều trị cho 37.407 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 619 bệnh nhân nặng đang thở máy và 12 bệnh nhân can thiệp ECMO (thiết bị “oxy hóa qua màng ngoài cơ thể”). Tính đến nay, tại thành phố đã có 496 bệnh nhân tử vong có liên quan đến COVID-19.
Sử dụng xe HTX Vận tải 19/5 để vận chuyển người bệnh có triệu chứng nhẹ
Song song đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chấp nhận sử dụng xe của Hợp tác xã Vận tải 19/5 để vận chuyển người bệnh trước nhu cầu vận chuyển người mắc COVID-19 đến các bệnh viện điều trị và người bệnh từ các bệnh viện điều trị về các điểm cách ly tập trung tại địa phương, .
Theo đó, Trung tâm cấp cứu 115 sẽ chủ động liên hệ Hợp tác xã Vận tải 19/5 để thực hiện hợp đồng thuê xe vận chuyển người bệnh; đồng thời phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 và tấp huấn về sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, quy trình vệ sinh khử khuẩn phương tiện, thiết bị theo phương tiện vận chuyển, các quy định và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 cho lực lượng tham gia vận chuyển của Hợp tác xã Vận tải 19/5.
TP Hồ Chí Minh phân chia tần suất đi chợ
Ngoài ra, căn cứ vào tình hình dịch bệnh và cung ứng hàng hoá thực tế trên địa bàn, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã thực hiện phân chia tần suất đi chợ cách hai ngày/lần hoặc ba ngày/lần cho người dân trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 kéo dài đến ngày 1/8.
Theo đó, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đề nghị UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện phổ biến, triển khai đến các đơn vị quản lý chợ thực hiện theo đúng hướng dẫn của của Bộ Y tế; thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ, đột xuất việc thực hiện các yêu cầu quy định phòng, chống dịch đối với các chợ trên địa bàn quản lý.
Đối với các chợ truyền thống, nghiên cứu áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân trong khu vực với việc áp dụng "Thẻ đi chợ" để kiểm soát số lượng, phân bổ số người đến theo khung giờ, đảm bảo khống chế lượng khách ra, vào chợ phù hợp với số lượng hàng hóa cung ứng và hạn chế tối đa tình trạng tập trung đông người.
Đối với các địa phương, căn cứ điều kiện thực tế tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn để phân chia tần suất đi chợ cách hai ngày/lần hoặc ba ngày/lần. Theo đó, mỗi hộ gia đình sẽ được phát 10-15 thẻ vào chợ/30 ngày. Riêng trong các khu phong tỏa, các địa phương thông tin đến người dân về việc mua thực phẩm tại các siêu thị, chợ trong khu phong tỏa với tần suất hai lần/tuần, sử dụng phiếu đi chợ do chính quyền địa phương cấp.
Siết chặt các lĩnh vực hoạt động trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường
Chiều tối 24/7, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã phát đi văn bản khẩn về tăng cường triệt để các biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 để ngăn chặn dịch bệnh.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh cho phép các doanh nghiệp sau đây được hoạt động: đơn vị cung cấp dịch vụ thiết yếu như y tế (trừ hoạt động thẩm mỹ), dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn công nghiệp; bếp ăn từ thiện; cung cấp hàng hóa thiết yếu gồm điện, nước, xăng dầu, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, duy tu lĩnh vực giao thông đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc Nhà nước, dịch vụ tang lễ; phục vụ hậu cần trong phòng, chống dịch; cơ sở lưu trú đang hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ lưu trú, phục vụ cách ly cho chuyên gia và dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định.
Các phương tiện được hoạt động trong giao thông đường bộ gồm: Xe công vụ, các loại phương tiện vận tải có giấy nhận diện (QR Code) được phép lưu thông vào hoặc xuyên qua thành phố; xe ôtô, mô tô, xe 2 bánh của tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan Nhà nước (công chức, viên chức, người lao động), lực lượng vũ trang, phục vụ phòng, chống dịch và các mục đích công vụ; xe đưa rước người dân TP Hồ Chí Minh về quê theo kế hoạch; xe đưa đón công nhân, chuyên gia với doanh nghiệp thực hiện "1 cung đường - 2 địa điểm"; taxi chở hàng thiết yếu cho siêu thị và chở người dân đi, đến cơ sở y tế (được Sở Giao thông Vận tải cấp phép); xe môtô công nghệ phục vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong thời gian giãn cách; xe vận chuyển (được cấp phép hoặc có giấy vận chuyển của Bộ Tư lệnh, Sở Y tế, bệnh viện, cơ sở y tế).
Các hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm (hình thức như chợ truyền thống) chỉ hoạt động theo mô hình mới (theo hướng dẫn của Sở Công Thương), có quy mô giảm khoảng 30%, chỉ kinh doanh hàng thiết yếu. Các hộ kinh doanh hoạt động luân phiên theo ngày chẵn - lẻ để giảm tối đa lượng người tương tác.
Các công trình xây dựng, giao thông thật sự cấp bách chỉ cho phép triển khai thi công nếu đáp ứng "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường - 2 địa điểm" và chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra sự cố dịch bệnh.
Các loại hình kinh doanh dịch vụ, cơ quan, đơn vị, tổ chức không đề cập ở trên thì tạm ngưng hoạt động đến khi có thông báo mới.
Đối với khu vực phong tỏa, TP Hồ Chí Minh yêu cầu thực hiện triệt để "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình", tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với các hộ gia đình xung quanh. Người dân chỉ ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế. Chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà hoặc "đi chợ thay".
Trước đó, TP Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 9/7, dự kiến kéo dài 14 ngày. Tuy nhiên, do tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, đến ngày 23/7, TP Hồ Chí Minh tiếp tục kéo dài cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến 1/8, đồng thời siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách.
Hà Nội xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho từng tình huống dịch COVID-19
Sáng 24/7, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, từ ngày 27/4 đến 6 giờ sáng ngày 24/7, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 675 ca mắc COVID-19. Đáng quan tâm trong số đó có 257 ca ghi nhận trong cộng đồng, nhiều ca F0 không có dấu hiệu. Do đó, nguy cơ lây lan trong cộng đồng là rất cao nếu không áp dụng những biện pháp mạnh hơn.
Ông Nguyễn Văn Phong cho biết thêm, trên thực tế, Hà Nội đã thực hiện Chỉ thị 15 của Chính phủ nhưng có nhiều biện pháp trên mức Chỉ thị 15. Các cơ quan của thành phố đã chủ động xây dựng phương án, kịch bản ở các cấp độ khác nhau, từ y tế, công thương, giáo dục, giao thông vận tải…; đồng thời thành phố đã chỉ đạo tổ chức diễn tập các phương án đó để khi diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp hơn thì hoàn toàn chủ động được.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng cho biết, về diễn biến tình hình dịch đợt này, trung bình 1 ngày Hà Nội phát hiện thêm 50-60 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Dự kiến thời gian tới sẽ tăng vì có nhiều trường hợp phát hiện qua cộng đồng, thông qua sàng lọc, các trường hợp mắc nhưng không có triệu chứng.
Theo đó, Sở Y tế đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn. Hiện nay, phương án, kịch bản 1.000 giường đã được thực hiện. Sắp tới, Sở Y tế sẽ xây dựng kịch bản cho 5.000, 10.000, 20.000 giường và 50.000 giường... chia 4 tầng điều trị. Trong đó, tầng 1 bao gồm 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại các bệnh viện dã chiến, trên cơ sở thành lập từ các khu cách ly tập trung.
Hiện, thành phố sẵn sàng có thể kích hoạt ngay Bệnh viện dã chiến tại Trường Quân sự Thủ đô và các bệnh viện dã chiến tại khu nhà ở sinh viên tại khu cách ly Pháp Vân – Tứ Hiệp với quy mô 3 tòa nhà, mỗi tòa nhà có thể kích hoạt một bệnh viện 700 giường.
Tầng thứ 2 sẽ điều trị các bệnh nhân có triệu chứng trung bình và có bệnh lý nền, Sở sẽ kích hoạt các bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện để thu dung, điều trị. Dự kiến, mỗi bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện có thể đáp ứng 250 giường bệnh.
Tầng 3 và 4 gồm 5% bệnh nhân nặng, trong đó có 1% bệnh nhân rất nặng phải thở máy hoặc lọc máu, nguy cơ tử vong cao thì kích hoạt ngay Bệnh đa khoa Đức Giang thành bệnh viện hồi sức tuyến cuối, trước mắt sẽ bố trí 250 giường.
Với phương châm “4 tại chỗ”, ngoài các bệnh viện của thành phố còn rất nhiều hệ thống y tế khác, Sở sẽ triển khai quy chế phối hợp để tận dụng tối đa nguồn lực y tế trên địa bàn, đó là các cơ sở y tế ngoài công lập, tuyến Trung ương, các bộ, ngành, Quân đội, Công an.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng, hiện tại, năng lực của riêng ngành Y tế Thủ đô có 412 giường hồi sức, 222 bác sĩ và trên 400 điều dưỡng có khả năng sử dụng máy thở.
Ông Nguyễn Đình Hưng cho biết, năng lực xét nghiệm của thành phố hiện tại là 48 nghìn mẫu/ngày với 20 máy PCR và sắp tới bổ sung thêm 5 máy nữa. Thành phố có 111 xe cứu thương có thể huy động để phân luồng bệnh nhân tốt nhất. Kinh nghiệm thực tiễn tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, việc phân luồng rất quan trọng, phân luồng tốt, từng vòng điều trị riêng để có khả năng kiểm soát, điều trị tốt hơn.
Về công tác tiêm phòng COVID-19, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng cho biết, tính đến ngày 23/7, Hà Nội đã tiêm được 211.460 mũi, trong đó, có 201.965 người tiêm 1 mũi và 9.443 người tiêm đủ 2 mũi, đặc biệt cho các lực lượng tuyến đầu.
Theo Kế hoạch chiến dịch tiêm chủng đã được thành phố phê duyệt và Sở Y tế triển khai, mục tiêu cao nhất là tiêm từ 100.000-200.000 mũi/ngày. Thành phố đã khởi động 1.000-1.200 dây chuyền tiêm tại các trung tâm y tế và trạm y tế xã, phường để tiêm chủng cho các trường hợp không có yếu tố nguy cơ, không có tiền sử dị ứng, phản vệ, những trường hợp trong tuổi trưởng thành.
Hiện tại, Sở Y tế có 3 loại vaccine phòng COVID-19. Với nguồn vaccine về trong đợt tới, Sở sẽ triển khai tiêm chủng đạt được mục tiêu đề ra, hướng tới đến tháng 3/2022 sẽ tiêm được cho 70% người dân Hà Nội, tương ứng từ 5-6 triệu người.
Đảm bảo không thiếu hàng hoá
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện Hà Nội đang triển khai phương án 5 với mức hàng dự trữ tăng 3 lần so với các tháng bình thường với tổng giá trị 194.000 tỷ đồng của 17 mặt hàng thiết yếu.
Lượng dự trữ đang tăng từ 30-50% được bố trí trong kho hàng của thành phố và một số tỉnh lân cận. Do đó, Hà Nội vẫn bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân. Hà Nội cũng đã chỉ đạo các sở, ngành để kích hoạt đồng bộ, thống nhất, đảm bảo lưu thông, tổ chức cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố trong các tình huống dịch bệnh COVID-19 xảy ra.
Ngoài ra, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Vũ Văn Viện cho biết, đang thực hiện tổ chức lại giao thông vận tải trên địa bàn, có 3 đối tượng ưu tiên đi lại trong thời gian giãn cách gồm: Một là xe chở hàng hoá đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hoá trên “luồng xanh” quốc gia, có lộ trình đi qua thành phố Hà Nội.
Thứ hai là xe chở hàng hoá thiết yếu cho thành phố Hà Nội của các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ và phục vụ các công trình xây dựng được phép hoạt động theo Chỉ thị 17 của UBND thành phố.
Thứ ba là xe chở người và các phương tiện phục vụ, hoạt động công vụ cho các cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các công trình công trình xây dựng được phép hoạt động theo Chỉ thị 17 và các loại phương tiện vận chuyển khác theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Đối với hoạt động giao hàng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện cũng cho biết, để ưu tiên phòng dịch là trên hết, trước hết đảm bảo an toàn cho nhân dân, tạm thời cấm đội ngũ nhân viên giao hàng (shipper) công nghệ bởi chưa kiểm soát được lực lượng này.