Tổng hợp COVID-19 ngày 22/7: Phải kiểm soát được người từ các nơi về địa phương

Ngày 22/7, dư luận quan tâm đến thông tin nổi bật về phòng chống dịch như: Nghị quyết của Chính phủ về mua sắm thuốc, vật tư phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; Xây dựng hậu phương Nam sông Hậu vững chắc, sẵn sàng chi viện cho TP Hồ Chí Minh; Xử lý nghiêm cơ sở khám chữa bệnh vi phạm quy định phòng, chống dịch; Lao động tự do khó khăn tại Hà Nội được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần…

Nghị quyết của Chính phủ về mua sắm thuốc, vật tư phục vụ phòng, chống dịch COVID-19

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 22/7/2021 về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Người vào bệnh viện sẽ được kiểm tra thân nhiệt và khai báo lịch trình di chuyển. Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN

Nghị quyết nêu rõ, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, trực tiếp đe dọa sức khỏe, tính mạng nhân dân. Để đáp ứng yêu cầu cấp bách, Chính phủ quyết nghị thực hiện một số nội dung về mua sắm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 như sau:

Về cơ chế, hình thức thực hiện mua sắm, việc triển khai ngay gói thầu để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cộng đồng dân cư và mua thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện để phòng, chống dịch COVID-19 là trường hợp cấp bách được chỉ định thầu theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu.

Chính phủ đồng ý để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với một số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch mua trực tiếp của nhà sản xuất, cung ứng ở nước ngoài, mua qua các đơn vị mua sắm của Liên hợp quốc và một số mặt hàng đặc thù sản xuất trong nước trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế, Ủy ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Xây dựng hậu phương Nam sông Hậu vững chắc, sẵn sàng chi viện cho TP Hồ Chí Minh

Chiều 22/7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã họp trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh Nam sông Hậu, gồm: Cà Mau, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Kết luận cuộc họp, ghi nhận các tỉnh Nam sông Hậu đã thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, tình hình cơ bản đã kiểm soát được, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý các địa phương này cần tiếp tục thực nghiêm, chắc chắn, hiệu quả Chỉ thị 16 để lần sau nếu thực hiện tiếp sẽ không bị “nhờn”. Các tỉnh Nam sông Hậu phải thực hiện đồng bộ Chỉ thị 16, vận hành tối đa công suất năng lực của máy, đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, việc xét nghiệm không lạm dụng xét nghiệm nhanh mà tập hợp mẫu gộp; nơi nào người dân sốt, ho phải lập tức tổ chức xét nghiệm.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các tỉnh Nam sông Hậu phải kiểm soát được người từ các nơi về địa phương đúng phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”. Nơi nào, cơ sở nào không nắm được người từ địa phương khác về hoặc về mà không chủ động khai báo thì vừa phải xử lý nghiêm người không khai báo, vừa rà soát trách nhiệm chính quyền cơ sở. Bên cạnh đó phải khoanh thật chặt, quản lý thật nghiêm trong các khu phong tỏa, cách ly.

Ngày 22/7, có 1.450 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh

Tong ngày 22/7, Việt Nam ghi nhận 6.194 ca mắc mới, trong đó 30 ca nhập cảnh và 6.164 ca ghi nhận trong nước. Riêng thành phố Hồ Chí Minh cao nhất, 4.218 ca.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh tại chốt Quốc lộ 5  đoạn trên địa bàn huyện Gia Lâm (TP Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ 27/4 đến nay là 70.672 ca, trong đó có 10.647 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 9/61 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.

Xử lý nghiêm cơ sở khám chữa bệnh vi phạm quy định phòng, chống dịch

Ngày 22/7, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn hỏa tốc gửi UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các quận, huyện, thị xã; các bệnh viện Trung ương, bộ, ngành; bệnh viện các trường đại học trên địa bàn thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, UBND thành phố Hà Nội đề nghị các bệnh viện Trung ương, bộ, ngành; bệnh viện các trường đại học đóng trên địa bàn phối hợp, tổ chức phân luồng, thông báo người dân chủ động đăng ký trước khi đến khám, xét nghiệm để bố trí các khu vực đón tiếp, lấy mẫu xét nghiệm, khám bệnh và trả kết quả phù hợp quy định phòng, chống dịch theo Công điện số 15/CĐ - UBND ngày 18/7/2011 của Chủ tịch UBND thành phố và các công điện, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của UBND thành phố; tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch theo đúng các tiêu chí Bệnh viện An toàn; tổ chức khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm vaccine phòng COVID-19 theo phương án, quy mô phù hợp, đảm bảo 5K.

UBND thành phố giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo tăng cường kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở kinh doanh dược phẩm, xử lý nghiệm, yêu cầu đóng cửa các cơ sở vi phạm nhiều lần.

180 đơn vị cung ứng nông sản cho các tỉnh, thành phía Nam

Ngày 22/7, Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi Tổ công tác của Bộ Công Thương; các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh danh sách hợp tác xã, doanh nghiệp cung ứng nông sản trong điều kiện dịch COVID-19.

Để cung cấp thông tin về nguồn cung nông sản, kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu giữa các tỉnh, thành phố và TP Hồ Chí Minh, Tổ công tác đã lập danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng các mặt hàng nông sản.

Theo đó, Tổ công tác đã tổng hợp được 180 đơn vị cung ứng các mặt hàng nông sản. Cụ thể, rau củ có 41 đơn vị cung ứng; trái cây có 65 đơn vị; thủy hải sản, hàng chế biến, chăn nuôi, trứng, thịt, sữa có 59 đơn vị; gạo 11 đơn vị; các mặt hàng khác có 4 đơn vị.

Lao động tự do tại Hà Nội được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, nhóm lao động tự do gặp khó khăn được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần. Đây là nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) là đối tượng khó xác định nhất. Theo nội dung Quyết định số 3642/QĐ-UBND, lao động tự do được hỗ trợ là người lao động theo quy định tại khoản 1 điều, 3 của Luật Việc làm (người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc), làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố.

Phú Yên, Khánh Hòa siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch

Chiều 22/7, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế đã ký quyết định giãn cách xã hội 15 ngày theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên toàn tỉnh để triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các cơ quan, đơn vị, người dân thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 23/7 trên phạm vi toàn tỉnh theo nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình, thôn buôn cách ly với thôn buôn, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”. Đối với thành phố Tuy Hòa, huyện Phú Hòa và một số địa phương thuộc các huyện: Tuy An, Sơn Hòa, Sông Hinh và thị xã Đông Hòa đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, kịp thời điều chỉnh để áp dụng các nguyên tắc theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh Khánh Hòa quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với thành phố Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh; thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg đối với các huyện, thành phổ còn lại (Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Cam Ranh) trong vòng 14 ngày, kể từ 0 giờ ngày 23/7.

XC/Báo Tin tức
Lao động tự do tại Hà Nội được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần
Lao động tự do tại Hà Nội được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN