Vẫn còn 4.630 ca nặng đang điều trị
Tính từ 16 giờ ngày 19/11 đến 16 giờ ngày 20/11, Việt Nam ghi nhận 9.531 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong đó có 13 ca nhập cảnh và 9.518 ca ghi nhận trong nước (có 4.776 ca trong cộng đồng), giảm 99 ca so với ngày trước đó.
TP Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận có số ca mắc mới cao nhất là 1.046 ca; tiếp đến Bình Dương (669), Đồng Nai (621), Đồng Tháp (515), Tây Ninh (495), Bình Thuận (407), Sóc Trăng (391), Bà Rịa - Vũng Tàu (370), Bạc Liêu (345), Cà Mau (342), An Giang (329), Vĩnh Long (297), Trà Vinh (281), Bình Phước (256), Kiên Giang (246), Tiền Giang (243), Hà Nội (234), Đắk Lắk (205), Cần Thơ (201)…
Tuy nhiên, so với ngày trước đó, TP Hồ Chí Minh giảm 293 ca, Tiền Giang giảm 139 ca, Tây Ninh giảm 104 ca. Ngược lại, Trà Vinh tăng 87 ca, Bình Phước tăng 73 ca, Cà Mau tăng 72 ca. Trung bình, số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 9.370 ca/ngày.
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.079.529 ca, trong đó có 897.520 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Hiện có 4.630 ca nặng đang điều trị.
Trong ngày, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 16.773 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 900.337 ca. Từ 17 giờ 30 ngày 19/11 đến 17 giờ 30 ngày 20/11, cả nước ghi nhận 107 ca tử vong tại, riêng tại TP Hồ Chí Minh là 42 ca, còn lại là An Giang (14), Đồng Nai (7), Kiên Giang (5), Bình Thuận (4), Long An (4), Tiền Giang (4), Cần Thơ (4), Thanh Hoá (3), Tây Ninh (3), Đồng Tháp (3), Bạc Liêu (3), Vĩnh Long (3), Cà Mau (2), Ninh Thuận (2), Sóc Trăng (2), Hà Nội (1), Trà Vinh (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 95 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.685 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca nhiễm.
TP Hồ Chí Minh sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19
Trước tình hình số ca nhiễm mới tại TP Hồ Chí Minh tăng trở lại, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả bệnh viện chủ động rà soát, bổ sung cơ số thuốc, vật tư tiêu hao, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị để sẵn sàng tiếp nhận và điều trị người bệnh COVID-19.
Sở Y tế cũng đã có công văn khẩn gửi đến các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố về việc sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới.
Theo đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo lãnh đạo các bệnh cần quán triệt đến từng nhân viên trong bệnh viện có nhận thức đúng về “Bệnh viện xanh” trong giai đoạn bình thường mới.
“Bệnh viện xanh” không phải là “Bệnh viện không có COVID-19”, mà là bệnh viện được tổ chức và vận hành theo các quy trình an toàn, tuân thủ nghiêm các quy định về sàng lọc, phân luồng, cách ly và có khu vực luôn sẵn sàng để thu dung điều trị người bệnh COVID-19, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả bệnh viện tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận người bệnh. Ngoài ra, Sở Y tế đã kích hoạt lại hoạt động của Tổ điều phối chuyển viện. Các bệnh viện trên địa bàn thành phố cử bác sĩ, điều dưỡng luân phiên đến các bệnh viện dã chiến 3 tầng theo kế hoạch phân công của Sở Y tế để vừa tham gia công tác chăm sóc người F0, vừa tham gia chương trình đào tạo liên tục về chuyên khoa Hồi sức.
Cần Thơ: Cách ly, theo dõi F1, F0 tại nhà
Trong khi đó, nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ ban hành kế hoạch về việc cách ly F1 và quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà trên địa bàn thành phố.
Theo đó, những trường hợp F1 được cách ly tại nhà là những người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19, người từ 60 tuổi trở lên, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người dưới 18 tuổi (khi đồng thời có người chăm sóc, cách ly cùng). Việc thực hiện cách ly F1 tại nhà kéo dài trong vòng 14 ngày và tiếp tục theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, việc cách ly các F1 tại nhà góp phần giảm tải về nhân lực, trang thiết bị, chi phí cho các khu cách ly tập trung, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly tập trung, tạo điều kiện cho người được cách ly làm việc tại nhà và tâm lý thoải mái.
Đối với bệnh nhân F0 được cách ly, theo dõi tại nhà góp phần giảm tải về nhân lực, trang thiết bị chi phí cho các khu điều trị tầng 1 để có thể tăng cường nhân lực hỗ trợ cho tầng 2, tầng 3, giảm chi phí điều trị và quản lý tại các cơ sở điều trị, tập trung nguồn lực điều trị người mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ, trung bình và nặng có hiệu quả, đồng thời vẫn đảm bảo được mục tiêu điều trị thành công khi mắc COVID-19.
Theo báo cáo của Sở Y tế thành phố Cần Thơ, từ ngày 8/7 đến 19/11, thành phố ghi nhận 15.780 trường hợp mắc COVID-19, trong đó, có 138 trường hợp tử vong, 8.943 trường hợp được điều trị khỏi. Đáng chú ý, từ đầu tháng 11 đến nay, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ liên tục tăng, đặc biệt, trong ngày 19/11, địa phương ghi nhận số ca mắc kỷ lục (kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay) với 939 trường hợp, trong đó địa phương có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất là quận Ninh Kiều.
Công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Cần Thơ gần quá tải khi số giường bệnh điều trị ở 3 tầng là 3.100 giường nhưng đã lắp đầy 3.039 giường, trong đó, có 112 bệnh nhân nặng, nguy kịch phải thở ôxy, thở máy... Trong khi đó, việc tiêm vaccine ở Cần Thơ mới chỉ đạt 73,2% trên tổng dân số, trong đó, tỷ lệ người tiêm đủ 2 mũi đạt 44,8%. Đến thời điểm này, Cần Thơ vẫn chưa triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Trà Vinh triển khai thí điểm điều trị F0 tại nhà
Cũng do khả năng điều trị tập trung của tỉnh đã quá tải, UBND tỉnh Trà Vinh vừa có công văn hỏa tốc chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế và các huyện, thị xã, thành phố nhanh chóng triển khai thí điểm việc điều trị F0 tại nhà.
Bước đầu, Trà Vinh triển khai thí điểm điều trị tại nhà đối với các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 có tải lượng virus thấp (giá trị CT > 20) và dưới 50 tuổi; trước hết áp dụng việc điều trị tại nhà đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hoặc một số người dân có điều kiện (Sở Y tế có hướng dẫn cụ thể)…
Đối với các trường hợp F1, phân loại nguy cơ từng trường hợp để xem xét việc cách ly tại nhà hoặc tập trung phù hợp nhưng phải đảm bảo đúng các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các sở, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nâng cao năng lực, chất lượng trạm y tế cấp xã; thành lập ngay khoa, phòng chuyên điều trị COVID-19 có triệu chứng nhẹ trong các bệnh viện đa khoa khu vực, trung tâm y tế cấp huyện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đồng thời nâng cấp Bệnh viện Lao và Bệnh phổi thành bệnh viện điều trị chuyên sâu đối với các trường hợp nhiễm COVID-19 diễn biến nặng.
Tính đến tối 19/11, tỉnh Trà Vinh ghi nhận 5.072 ca dương tính với SARS-CoV-2, tỉnh đã điều trị khỏi bệnh 2.562 ca và có 36 ca tử vong. Hiện toàn tỉnh còn 2.474 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị. Tuy nhiên, 7 bệnh viện dã chiến và 3 khu thu dung, điều trị bệnh nhân COVID -19 ở Trà Vinh chỉ có tổng quy mô 1.320 giường bệnh.
Các giải pháp phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế, xã hội phải thống nhất từ trên xuống dưới
Ngày 20/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo quốc gia với Ban Chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố để đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua và bàn các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Theo Ban Chỉ đạo, đợt dịch COVID-19 thứ 4 đến ngày 19/11/2021, cả nước đã ghi nhận trên 1 triệu ca mắc, 880.000 người đã khỏi bệnh (82%) và 23.500 ca tử vong. Sau hơn 1 tháng đầu tiên thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, cả nước ghi nhận 105.543 ca cộng đồng, trong đó khu vực phía Nam ghi nhận 90.442 ca, chiếm 85,6% cả nước. So với tháng trước đó, số ca cộng đồng cả nước tăng 2,9%, số ca tử vong giảm 46,3%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 25,3%, số ca nặng, nguy kịch giảm 40,8%.
Ban Chỉ đạo nhận định, đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch. Trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là trong điều kiện thời tiết chuyển biến thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus.
Nguyên nhân có cả khách quan, song nguyên nhân chủ quan là chính như: vẫn còn một bộ phần người dân có tư tưởng chủ quan, lơ là; nhận thức về tiêm vaccine của một số người chưa thấu đáo; hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở nhiều lúc, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu; tốc độ tiêm chủng vaccine chưa đạt mục tiêu, yêu cầu; công tác phối hợp giữa các địa phương để quản lý di chuyển của người dân chưa chặt chẽ nên có lúc gây khó khăn trong di chuyển, song có lúc lỏng lẻo, thiếu an toàn; công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát có nơi có lúc làm chưa tốt, thậm chí thiếu quyết liệt; việc thu dung, phân loại ca nhiễm để điều trị từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở chưa tốt...
Để thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả hơn trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP và Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Trong đó thực hiện nghiêm nguyên tắc đảm bảo thống nhất từ Trung ương đến cơ sở; ứng với cấp độ dịch nào thì có biện pháp hành chính, y tế, an sinh xã hội... phù hợp với cấp độ đó; thực hiện nghiêm công thức phòng chống dịch “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”. Đặc biệt, chủ động đáp ứng thuốc điều trị COVID-19, trong đó cắt giảm thủ tục hành chính để phân bổ ngay thuốc điều trị cho các địa phương…
Tăng cường giám sát trọng điểm để phát hiện sớm ca mắc COVID-19 trong cộng đồng
Bộ Y tế vừa có công văn hoả tốc gửi UBND các y tế các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế nêu rõ, trong thời gian qua đã có một số lượng người dân di chuyển về các địa phương từ vùng dịch sau nới lỏng giãn cách xã hội, nguy cơ dịch bệnh xuất hiện và bùng phát ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào vẫn luôn hiện hữu.
Để tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 vừa an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch COVID-19; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, bảo đảm thống nhất, thông suốt trên toàn quốc, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương, không cục bộ, "cát cứ", ban hành quy định vượt quá mức cần thiết.
Các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và lấy cấp cơ sở là nền tảng trong phòng, chống dịch... Chuẩn bị sẵn sàng thiết lập các Trạm Y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn, ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở.
Cũng theo Bộ Y tế, trên cơ sở đánh giá mức độ nguy cơ theo Nghị quyết số 128/QĐ-CP, các địa phương thần tốc truy vết, xét nghiệm là then chốt để sớm kiểm soát hiệu quả dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt theo diễn biến dịch, chuyển dần các vùng cấp độ 2, 3, 4 về cấp độ 1 theo hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT…
Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư, nắm chắc tình hình công dân khi ra, vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp (như lái xe, phụ xe đường dài, liên tỉnh; người làm việc ngoài tỉnh về địa phương lưu trú, người lưu trú ngoài tỉnh về địa phương làm việc,...) để có biện pháp quản lý phù hợp, khai báo y tế thường xuyên
Các địa phương rút ngắn khoảng cách giữa hai mũi tiêm vaccine AstraZeneca
Liên quan đến tiêm vaccine, Bộ Y tế vừa có Công văn số 9835/BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước về khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vaccine phòng COVID-19.
Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua, Bộ tiếp tục nhận được công văn của một số tỉnh, thành phố về rút ngắn khoảng cách tiêm mũi 2 đối với người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca.
Để kịp thời triển khai tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố căn cứ theo nội dung Công văn số 7820/BYT-DP ngày 20/9/2021 của Bộ Y tế khẩn trương báo cáo Ủy ban nhân nhân tỉnh, thành xem xét, phê duyệt về thời gian tiêm vaccine mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca. Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện. Nếu đơn vị, địa phương nào không thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ tiêm chủng phải chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế, UBND tỉnh, thành phố.
Cũng theo Bộ Y tế thời gian tối thiểu giữa hai mũi vaccine phải đảm bảo tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và phù hợp với tình hình dịch bệnh, đáp ứng được công tác phòng chống dịch.Theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vaccine Astrazeneca, sau khi tiêm mũi 1, từ ngày thứ 22 hiệu lực bảo vệ của vaccine đạt 69,2%; sau khi tiêm mũi 2 dưới 6 tuần đạt 55,1%, sau từ 6-8 tuần đạt 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%. Theo hướng dẫn của nhà sản xuất mũi 2 nên được tiêm trong khoảng từ 4-12 tuần sau mũi 1. Theo Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo khoảng cách giữa 2 mũi vaccine này từ 8 đến 12 tuần;
Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêm mũi 2 vaccine AstraZeneca hoặc vaccine do hãng Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca là sau 8-12 tuần kể từ ngày được tiêm mũi 1 (tại Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 và Công văn số 6030/BYT-DP ngày 27/7/2021 của Bộ Y tế)..