Chính phủ ban hành Nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch
Nhằm tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế-xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch.
Nghị quyết nêu rõ: Dịch bệnh COVID-19 với sự xuất hiện của biến chủng Delta đang diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh, lây lan nhanh và gây tử vong cao tại nhiều nước trên thế giới, nhất là tại khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, đợt bùng phát dịch lần thứ tư có tốc độ lây rất nhanh, đã lan rộng ra nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tiếp tục diễn biến khó lường.
Để tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội, Chính phủ thống nhất ban hành Nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV với những nội dung chủ yếu, gồm: Các giải pháp cấp bách cần triển khai; TP Hồ Chí Minh phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9/2021; thực hiện đồng bộ xét nghiệm, chăm sóc, điều trị để giảm tối đa tử vong; kiểm soát chặt chẽ các biện pháp giãn cách xã hội; tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa; không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói; xử lý nghiêm thông tin xấu độc trên mạng; ưu tiên ngân sách và các nguồn lực hợp pháp bảo đảm kinh phí cho phòng, chống dịch; xem xét, quyết định thành lập trung tâm chỉ huy để chỉ đạo tập trung thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch; đẩy mạnh hoạt động “ngoại giao vaccine”; cơ chế đặc thù trong mua sắm thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch; các Bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra để sớm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/7/2021 đến hết ngày 31/1/2022.
Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.462 tỷ đồng
Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17 giờ ngày 10/8, quỹ đã tiếp nhận 8.462 tỷ đồng đã bao gồm ngoại tệ quy đổi.
Số tiền đã chuyển vào quỹ kể trên do 510.638 tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Quỹ vaccine phòng COVID-19 hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.
Bên cạnh việc tiếp nhận ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19, Bộ Tài chính đã nhanh chóng ban hành Thông tư số 41/2021/TT-BTC hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ, bảo đảm công khai minh bạch, hiệu quả. Để quản lý chặt chẽ, hiệu quả số tiền ủng hộ, số dư tiền chuyển vào quỹ ở các ngân hàng thương mại đến cuối ngày được chuyển hết về Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước và chuyển tiếp ngay về Ngân hàng Nhà nước.
Quỹ cũng chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của quỹ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán Nhà nước; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng. Trong khoảng thời gian tiền trong quỹ tạm thời nhàn rỗi, Kho bạc Nhà nước tiến hành đấu thầu để gửi tiền có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại; lựa chọn ngân hàng có lãi suất cạnh tranh để đóng góp thêm cho sự tăng trưởng của quỹ.
Việt Nam ghi nhận tổng số 8.390 ca nhiễm mới
Trong ngày 10/8, Việt Nam ghi nhận tổng số 8.390 ca nhiễm mới, trong đó có 5 ca nhập cảnh và 8.385 ca ghi nhận trong nước (giảm 938 ca so với hôm qua).
Tính đến chiều ngày 10/8, Việt Nam có 228.135 ca nhiễm, trong đó có 2.367 ca nhập cảnh và 225.768 ca nhiễm trong nước. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 224.198 ca, trong đó có 77.574 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 2/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn. Có 12 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.
Trong ngày 10/8, có thêm 4.428 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Đến nay, tổng số ca được điều trị khỏi là 80.348 ca; số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 491 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 20 ca.
Chiều 10/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 388 ca tử vong (3758-4145) tại TP Hồ Chí Minh (308 ca), Bình Dương (44 ca), Long An (10 ca), Đồng Tháp (5 ca), Cần Thơ (4 ca), Đồng Nai (4 ca), Thành phố Hà Nội (3 ca), Tiền Giang (3 ca), Bến Tre (2 ca), Sóc Trăng (2 ca), Đà Nẵng (1 ca), Khánh Hòa (1 ca), Kiên Giang (1 ca).
Đến nay, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 9.987.587 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 8.984.300 liều, tiêm mũi 2 là 1.003.287 liều.
Hà Nội bác bỏ tin đồn 5.000 F1 liên quan đến ca dương tính COVID-19 tại quận Đống Đa
Trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc xuất hiện 5.000 ca F1 liên quan đến ca dương tính COVID-19 trên địa bàn, UBND quận Đống Đa (Hà Nội) khẳng định, đây là thông tin sai sự thật.
Cụ thể, ngày 9/8, trên một số diễn đàn, mạng xã hội lan truyền thông tin tại Trung tâm Y tế quận Đống Đa, Hà Nội phát hiện các ca mắc COVID-19. Những ca này, trước đó đã tham gia tiêm chủng cho người dân, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng với khoảng 5.000 ca F1.
Đại diện UBND quận Đống Đa khẳng định: Thông tin này hoàn toàn sai sự thật; đề nghị người dân cảnh giác, nắm bắt thông tin chính xác từ các cơ quan chức năng và phối hợp phản ánh.
TP Hồ Chí Minh sẽ đạt mức độ tiêm vaccine phòng COVID-19 100% với người trên 18 tuổi
Tại buổi họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 ngày 10/8, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố còn trên 913.200 liều vaccine phòng COVID-19. Với tốc độ tiêm vaccine như hiện nay, dự kiến đến ngày 12/8 sẽ tiêm hết số vaccine này.
Thành phố đã nhận được 17 đợt phân bổ vaccine của Bộ Y tế với tổng số vaccine trên 4,1 triệu liều. Thành phố đã tổ chức các đợt tiêm chủng 1, 2, 3, 4 từ ngày 8/3/2021 đến ngày 30/6/2021 với tổng số vaccine được phân bổ cho 4 đợt này là 923.050 liều, Thành phố đã tiêm được 991.872 mũi tiêm.
Thành phố tiếp tục tổ chức tiêm chủng đợt 5 từ ngày 20/7 đến nay với tổng số vaccine được phân bổ là 3.187.990 liều (từ đợt phân bổ số 6 đến số 17 và sáng ngày 9/8/2021). Tính đến 12 giờ ngày 9/8, Thành phố đã tiêm tổng cộng 2.439.118 mũi tiêm/3.187.990 liều vaccine được cấp.
Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, tổng số vaccine còn lại của Thành phố hiện nay là 913.204 liều đã cấp phát cho các đơn vị tiêm chủng (gồm 321.304 liều tồn đến 12 giờ ngày 9/8/2021 và 591.900 liều mới được tiếp nhận sáng ngày 9/8/2021).
"Thành phố sẽ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm 250.000-300.000 mũi/ngày. Với số vaccine còn lại, dự kiến đến hết ngày 12/8 Thành phố sẽ sử dụng hết số vaccine được cấp", Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết thêm.
Với tốc độ tiêm vaccine như hiện nay và nếu được cung cấp đủ lượng vaccine như đề xuất thì dự kiến sẽ có khoảng 7 triệu người dân thành phố từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine. Như vậy, sẽ đạt gần 100% người dân trên 18 tuổi được tiêm vaccine so với kế hoạch đặt ra 70%.