Ngày 4/8, cả nước ghi nhận 7.623 ca nhiễm mới, TP Hồ Chí Minh 3.300 ca
Trong ngày 4/8, tổng số đã ghi nhận 7.623 ca nhiễm mới (giảm 754 ca so với hôm qua), trong đó 5 ca nhập cảnh và 7.618 ca ghi nhận trong nước.
Tính đến chiều ngày 4/8, Việt Nam có 177.813 ca nhiễm trong đó có 2.329 ca nhập cảnh và 175.484 ca mắc trong nước.
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 173.914 ca, trong đó có 51.558 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 4 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Yên Bái, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Bình.
Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.
Trong ngày 4/8 có thêm 3.501 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Đến nay, tổng số ca được điều trị khỏi là 54.332 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 470 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 21 ca.
Chiều 4/8 Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận thêm 256 ca tử vong (2072-2327) tại 13 tỉnh, thành phố như sau:
Tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 3/8: 217 ca.
Tại Tỉnh Long An từ ngày 1- 4/8: 9 ca.
Tại Tỉnh Đồng Tháp từ ngày 2- 4/8: 8 ca.
Tại Tỉnh Đồng Nai từ 2- 4/8: 8 ca.
Tại Tỉnh Bến Tre từ 1- 2/8: 4 ca.
Tại Tỉnh Vĩnh Long từ 2- 4/8: 3 ca.
Tại Thành phố Hà Nội ngày 3/8: 1 ca.
Tại Tỉnh An Giang ngày 3/8: 1 ca.
Tại Tỉnh Bình Thuận ngày 2/8: 1 ca.
Tại Thành phố Cần Thơ ngày 3/8: 1 ca.
Tại Tỉnh Sóc Trăng ngày 3/8: 1 ca.
Tại Thành phố Đà Nẵng ngày 3/8: 1 ca.
Tại Tỉnh Khánh Hoà ngày 3/8: 1 ca.
Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 7.291.808 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 6.547.477 liều, tiêm mũi 2 là 744.331 liều.
Để công khai kịp thời, chính xác thông tin, diễn biến dịch COVID-19 cho người dân, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 6289/BYT-KCB ngày 4/8/2021 đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động công bố thông tin dịch bệnh COVID-19 trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cụ thể:
Giao cho các cơ quan chức năng chủ động công bố số ca mắc mới, ca đang điều trị, ca khỏi bệnh, ca tử vong trong ngày và cộng dồn từ đầu dịch qua Cổng thông tin chính thức của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương.Thời điểm công bố hàng ngày vào 6 giờ và 18 giờ.
Chỉ đạo Sở Y tế vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm thống kê, báo cáo gửi về Bộ Y tế theo các văn bản của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống COVID-19 và của Bộ Y tế để kịp thời tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra đột xuất công tác phòng dịch COVID-19 tại Hà Nội
Sáng 4/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thị sát và kiểm tra đột xuất công tác phòng chống COVID-19 tại 4 điểm và làm việc với Sở Chỉ huy công tác phòng chống dịch của Thủ đô Hà Nội.
Tại Sở chỉ huy công tác phòng chống dịch COVID-19 của Thủ đô Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá Hà Nội luôn có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, tuy nhiên, Thành phố đã có quyết định rất kịp thời, đúng thời điểm khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Hà Nội đến giờ phút này, luôn luôn là địa bàn có nguy cơ cao nhất, giữ được như thế này là nỗ lực rất lớn của toàn bộ hệ thống, nhân dân Thủ đô”. Kết quả đó là nhờ những quyết sách đúng, sáng tạo của thành phố; thường xuyên trao đổi với Trung ương, các bộ ngành chuyên môn, là minh chứng cho cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Trung ương và địa phương.
“Khi các đồng chí lãnh đạo hỏi, tôi đều khẳng định các quyết định của Hà Nội đều được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Trung ương hết sức ủng hộ. Tình hình trước mắt còn nhiều phức tạp, chủng virus lây lan nhanh và "chúng ta đứng trước “kẻ thù” rất nguy hiểm". Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về các giải pháp hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng, tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Do thực hiện không nghiêm nên mới phải điều chỉnh. Công tác chống dịch “thần tốc” nhưng phải “chắc” để không phải thay đổi để giữ sức cho lực lượng tuyến đầu, đồng thời tạo điều kiện cho người dân sớm hoạt động bình thường.
Phó Thủ tướng nhận định, cần tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra mà tốt nhất là từ phản ánh của người dân. Đặc biệt lưu ý về việc phát động mô hình “vùng xanh” an toàn chống dịch bệnh, tinh thần chống dịch như chống giặc. Việc bảo vệ Hà Nội- trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước là trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng. Chính vì thế, Hà Nội cần phân định rõ ràng hơn trách nhiệm, kiểm soát triệt để hơn, có cơ chế tiếp thu ý kiến của người dân; luôn luôn có phương án dự phòng, chủ động trong mọi tình huống. Thần tốc, nhanh, nhưng phải chắc… truy vết chỗ nào chắc chỗ đó, không bỏ lọt.
Theo Phó Thủ tướng, ngay từ khi vùng đỏ đang có ít, thì phải giữ bằng được, bảo vệ bằng được “vùng xanh”.
"Tôi tin nếu làm tốt việc phát động "vùng xanh" ở từng khu, từng cụm sẽ là chìa khóa thành công”, Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam cho biết.
Hà Nội sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động
Theo Sở Công Thương Hà Nội, tính đến nay trên địa bàn thành phố có 8.216 điểm bán hàng bình ổn giá đã được Sở niêm yết công khai trên địa bàn thành phố để phục vụ nhân dân; đồng thời sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch lây lan, 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa dừng hoạt động. Để đảm bảo được nguồn cung và tiếp tục phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục tăng lượng dự trữ hàng hóa tối đa. Nhiều hệ thống đã tăng lên trên 50% so với ngày bình thường.
Các doanh nghiệp cũng đổi mới các hình thức kinh doanh như tăng cường bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/24/7... Cùng với đó, một số cơ sở chế biến trên địa bàn tiếp tục tăng công xuất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối.
Hiện nay, các doanh nghiệp, các địa phương đã tăng cường mở thêm các điểm bán. Ví dụ như, hệ thống VinShop đã mở đưa vào hoạt động 800 điểm bán hàng thiết yếu trên 30 quận, huyện, thị xã.
Sở Công Thương Hà Nội đang phối hợp với Bưu điện Hà Nội để tiếp tục mở thêm 472 điểm bán hàng thiết yếu. Các quận, huyện, thị xã đã xây dựng phương án tổ chức triển khai điểm bán hàng trong tình huống dịch COVID-19. Trong đó, mỗi phường, xã ít nhất tổ chức thêm 1 điểm bán, những nơi chưa có chợ tổ chức tối thiểu từ 2 điểm bán trở lên…
Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội rà soát các điểm đất trống, sân vận động, bến xe (đang dừng hoạt động),các chợ đang hoạt động chưa hết công suất…đối với các địa phương ở các cửa ngõ ra vào Thủ đô để giúp thành phố làm nơi trung chuyển hàng hóa, dãn cách cho các chợ đầu mối đang dừng hoạt động.
Tính đến nay trên địa bàn thành phố có 8.216 điểm bán hàng bình ổn giá đã được Sở Công Thương niêm yết công khai trên địa bàn thành phố để phục vụ nhân dân; đồng thời sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí.
TP Hồ Chí Minh kiến nghị phân bổ 5,5 triệu liều vaccine để đạt kế hoạch tiêm chủng
Số lượng vaccine dự kiến TP Hồ Chí Minh cần trong tháng 8/2021 cho cả mũi 1 và mũi 2 là 5,5 triệu liều. Từ ngày 5/8 đến hết ngày 31/8, Thành phố cần trung bình mỗi ngày khoảng 210.000 liều vaccine.
Trên đây là nội dung kiến nghị vừa được UBND TP Hồ Chí Minh gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc đề nghị phân bổ vaccine cho TP Hồ Chí Minh.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, để đạt mục tiêu tiêm vaccine cho người dân thành phố, tổng nhu cầu trong tháng 8/2021 là 5,5 triệu liều. Số vaccine này cần được cấp sớm, bắt đầu từ ngày 5/8 và theo tiến độ để tiêm liên tục từ nay đến hết 31/8. UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế quan tâm, xem xét phân bổ đủ vaccine, đồng thời có thông báo sớm về số lượng vaccine phân bổ cho thành phố trước từ 5 đến 7 ngày để kịp thời chủ động kế hoạch tổ chức tiêm chủng.
TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn. Hiện dân số từ 18 tuổi trở lên tại thành phố là khoảng 7 triệu người. Do vậy, thành phố cần ít nhất 7 triệu liều vaccine để tiêm cho đối tượng này.
Trong tháng 8/2021, số lượng người cần tiêm mũi 1 tại TP Hồ Chí Minh là 4,5 triệu liều (cho các loại vaccine). Số lượng người cần tiêm mũi 2 là 1 triệu liều, trong đó tiêm mũi 2 AstraZeneca cho 800.000 người đã tiêm mũi 1 từ 8 - 12 tuần; tiêm mũi 2 Moderna cho 200.000 người đã tiêm mũi 1 đủ 4 tuần. Về năng lực tổ chức tiêm, Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết lập 1.200 đội tiêm với công suất 250 người/đội tiêm/ngày; toàn thành phố có thể đạt tổng công suất tiêm 300.000 liều/ngày.
Tính đến ngày 2/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đã tiếp nhận hơn 2,5 triệu liều vaccine, trong đó có hơn 1,87 triệu liều AstraZeneca, 19.000 liều Sinopharm, gần 55.000 liều Pfizer và hơn 570.000 liều Moderna. Với số vaccine còn lại và tiến độ tiêm vaccine hiện nay, dự kiến đến ngày 5/8, TP Hồ Chí Minh sẽ tiêm hết số vaccine đã được cấp.
TP Hồ Chí Minh triển khai hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn và lực lượng tuyến đầu
UBND TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố đã triển khai các hoạt động cụ thể để kịp thời hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, cần hỗ trợ khẩn cấp do bị ảnh hưởng dịch COVID-19 và động viên lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch.
Ngày 4/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh công bố việc tổ chức trao tặng hơn 250.000 phần quà, mỗi phần trị giá 500.000 đồng gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, dầu ăn, nước mắm, sữa, đường… cho các hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ cần hỗ trợ khẩn cấp do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Kinh phí thực hiện chương trình được trích từ nguồn do Thành phố chuyển về địa phương; vận động các doanh nghiệp đặt hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại, các nhà cung ứng lương thực thực phẩm hoặc từ Quỹ “Vì người nghèo”, nguồn vận động hỗ trợ hợp pháp khác của địa phương... Trường hợp nguồn lực tại địa phương (kể cả nguồn Thành phố hỗ trợ) không đảm bảo để chăm lo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận, huyện, thành phố Thủ Đức sẽ đề xuất Thành phố hỗ trợ.
Để kịp thời chăm lo người dân đang gặp khó khăn, phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo không một hộ dân nào bị thiếu đói trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc - Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Thủ Đức và quận, huyện báo cáo cấp ủy, phối hợp chính quyền rà soát thống kê số lượng, lập danh sách các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, hộ cần hỗ trợ khẩn cấp, gửi về Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố trước ngày 6/8.
Trước đó, vào ngày 3/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố đã tổ chức chuyển 5.400 phần quà đến các hộ dân thông qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh vừa có chỉ đạo thực hiện khẩn cấp chính sách đặc thù hỗ trợ động viên một lần cho lực lượng tuyến đấu tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, lực lượng y tế tuyến đầu thực hiện công tác trực tiếp sẽ nhận hỗ trợ 10 triệu đồng/người; lực lượng tuyến đầu thực hiện công việc gián tiếp nhận 4,5 triệu đồng/người; Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng được hỗ trợ 2 triệu đồng/người. Các lực lượng tình nguyện viên được Sở Y tế huy động tham gia phòng, chống dịch gồm lực lượng cán bộ, giảng viên y khoa, y tế tư nhân, nhân viên y tế đã nghỉ hưu, tình nguyện viên tôn giáo, tình nguyện viên lái xe vận chuyển F0, F1 theo yêu cầu cách ly tập trung sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng/người và 1,5 triệu đồng/người đối với lực lượng sinh viên y khoa.
TP Hồ Chí Minh hỗ trợ động viên với lực lượng nhân viên y tế, cán bộ, giảng viên sinh viên y khoa được Bộ Y tế và các tỉnh chi viện cho Thành phố, trong đó lực lượng nhân viên y tế, cán bộ giảng viên 3 triệu đồng/người; sinh viên y khoa 1,5 triệu đồng/người.
Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì cho Đại úy công an hy sinh khi làm nhiệm vụ
Ngày 4/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ra quyết định về việc truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì cho Đại úy Phan Tấn Tài, cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Công an Quận 6, Công an TP Hồ Chí Minh) đã lập chiến công xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Công an TP Hồ Chí Minh, khoảng 18 giờ 50 ngày 2/8, Tổ tuần tra liên phường gồm 4 cán bộ chiến sĩ (trong đó có Thượng úy Phan Tấn Tài, trinh sát Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận 6) làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phòng, chống dịch thì phát hiện Hứa Hán V. (sinh năm 1994, ngụ quận 6, TP Hồ Chí Minh) ra đường không cần thiết, vi phạm quy định phòng, chống dịch. Tổ tuần tra tiến hành kiểm tra giấy tờ, phát hiện nghi vấn đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy nên đã yêu cầu đối tượng về trụ sở Công an phường 11, Quận 6 để giải quyết.
Trên đường đi, đối tượng không chấp hành, phóng xe bỏ chạy nên tổ tuần tra đuổi theo. Trong quá trình truy đuổi, V. có dấu hiệu ép xe khiến xe của Thượng úy Phan Tấn Tài lao lên vỉa hè, va đập vào tường nhà dân trên đường Lò Gốm, phường 8, Quận 6. Thượng uý Phan Tấn Tài được đưa đi cấp cứu nhưng đến 21h30 cùng ngày không qua khỏi.
Riêng đối tượng V., sau khi xảy ra sự việc đã bỏ trốn. Đến 21h40 cùng ngày, đối tượng đến Công an phường 11 để trình diện. Qua test nhanh, V. dương tính với chất ma túy. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Quận 6 tạm giữ hình sự Hứa Hán V. về hành vi chống người thi hành công vụ để tiến hành điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.