Tham dự Hội thảo có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; các đồng chí lão thành cách mạng cùng hơn 400 đại biểu đại diện các cơ quan trong và ngoài Quân đội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại tướng Lương Cường nhấn mạnh, lịch sử Tổng cục Chính trị gắn liền với sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ những ngày đầu thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị đã được xác lập, từ đó hình thành tổ chức công tác chính trị và chế độ công tác Đảng, công tác chính trị do cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chuyên trách đảm nhiệm.
Việc xác định Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam cũng là Ngày truyền thống của Tổng cục Chính trị càng có ý nghĩa to lớn, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: Việc Tổng cục Chính trị lấy ngày 22/12/1944 làm ngày truyền thống đã phản ánh đúng một sự thật lịch sử: Có Quân đội là có ngay sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và công tác chính trị, một nhân tố thuộc về bản chất của Quân đội cách mạng.
Gắn liền với sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay, Tổng cục Chính trị tích cực, chủ động đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến lên hiện đại; lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp sức mạnh chiến đấu của Quân đội.
Đề dẫn tại Hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, bằng phương pháp luận khoa học, tư duy đổi mới, sáng tạo và từ hoạt động thực tiễn của đơn vị mình, các đại biểu tiếp tục phân tích, làm sâu sắc hơn một số vấn đề: Làm rõ hơn quá trình ra đời, phát triển của Tổng cục Chính trị gắn với hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị qua các giai đoạn cách mạng; khẳng định cơ chế, nguyên tắc lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội; vị trí, vai trò, đóng góp của Tổng cục Chính trị đối với quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam và những đòi hỏi của thực tiễn đối với hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong giai đoạn hiện nay.
Xác định Quân đội nhân dân Việt Nam là trụ cột trong sự nghiệp bảo vệ Đảng, nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và thành quả cách mạng, do đó các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách tác động, tuyên truyền đòi tách Quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, “phi chính trị hóa Quân đội”, đề cao sức mạnh vũ khí, hạ thấp công tác chính trị - tư tưởng… nhằm làm suy yếu Quân đội ta.
Theo Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, bên cạnh việc trực tiếp chỉ đạo tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong toàn quân, Tổng cục Chính trị còn có nhiều đóng góp quan trọng, kịp thời tham mưu cho cấp trên trong phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa Quân đội”.
Hội đồng Lý luận Trung ương và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam là hai cơ quan có sự phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu tổng kết thực tiễn, lý luận về lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Để nâng cao hiệu quả phối hợp trong thời gian tới, theo Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hiền - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cần nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan; phát huy thế mạnh của mỗi bên để cùng nghiên cứu một số đề tài, đề án; hỗ trợ nhau trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch; xây dựng các chương trình, kế hoạch hợp tác, phối hợp khoa học, tổ chức lực lượng hợp lý, đổi mới phương thức hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả trong tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về quân sự, quốc phòng.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng tham luận, đưa ra các ý kiến phân tích sâu hơn về thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề xuất kiến nghị chủ trương, biện pháp xây dựng Đảng bộ cơ quan Tổng cục Chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong tình hình mới.