Đối với các cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, hình ảnh về vị Tổng Bí thư giản dị, mộc mạc, thân thiện, hiền hậu luôn được lưu giữ trong tim.
Gần gũi và giản dị
Năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào làm việc với tỉnh Kon Tum và ghé thăm thôn Kon Rờ Bàng 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum. Ông A Pát, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Kon Rờ Bàng 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum nhớ lại, thời điểm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, ông vừa được giao nhiệm vụ Trưởng ban Công tác mặt trận thôn. Ngày ấy, biết tin Tổng Bí thư đến thăm, bà con trong thôn ai cũng háo hức, mong chờ, vì đây là lần đầu tiên thôn được vinh dự đón người đứng đầu của Đảng.
“Tôi làm công tác đón tiếp nên chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Sau khi được già làng trao chiếc áo thổ cẩm truyền thống của dân tộc Bahnar, Tổng Bí thư đã đến chào và bắt tay từng người trong thôn. Tôi vẫn nhớ như in mái tóc bạc, nụ cười hiền hậu và bàn tay ấm áp của Tổng Bí thư. Bà con trong thôn ai cũng yêu mến bác”, ông A Pát chia sẻ.
Già Y Đhun Hmok, người có uy tín buôn Dur 1, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk không giấu nổi niềm xúc động khi nhắc về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Năm 2018, Tổng Bí thư dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Đắk Lắk, chính tay già Y Đhun Hmok trao cho Tổng Bí thư chiếc áo thổ cẩm - áo truyền thống của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
“Khi tôi trao áo, Tổng Bí thư đã cảm ơn, rồi hỏi thăm tình hình sức khỏe của bà con trong buôn làng, hỏi thăm tình hình kinh tế - xã hội của buôn. Tổng Bí thư hỏi rất kỹ, từ việc học hành của các cháu nhỏ, đến việc hệ thống cơ sở hạ tầng có đảm bảo cho bà con khám, chữa bệnh hay không”
Còn ông Siu Blí, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cho biết, ông may mắn và vinh dự được trực tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm xã vào tháng 4/2017. Khi ấy, ông Siu Blí đang là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ayun. Là một xã nghèo của tỉnh, nên khi được thông báo Tổng Bí thư đến thăm, cán bộ và nhân dân toàn xã đều rất xúc động.
“Tổng Bí thư rất gần gũi và sâu sắc. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh Tổng Bí thư khi đến thăm, tặng quà thương binh Đinh Phi, gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, ông đã ngồi bệt xuống thềm cửa để trò chuyện với người dân. Điều đó thể hiện một sự gần gũi, không nề hà, luôn luôn lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của nhân dân để tìm hướng giải quyết vấn đề”, ông Siu BLí nói.
Ông Đào Văn Tám, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng là một trong những người có mặt trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến xã Đông Thanh tháng 12/2012. “Tổng Bí thư gần gũi lắm, khi cả đoàn làm việc với địa phương xong, ra trước sân Ủy ban nhân dân xã để trồng cây lưu niệm, bà con xung quanh thấy vậy liền đến để được gặp Tổng Bí thư, nhưng bị các đồng chí an ninh chặn lại. Tuy nhiên, Tổng Bí thư không ngần ngại, vẫn để cho người dân vào trong sân rồi tay bắt mặt mừng từng người một. Tôi còn lưu giữ hình ảnh bác tươi cười, ôm một cháu bé trên tay”, ông Đào Văn Tám nhớ lại.
Quan tâm sâu sát đến đời sống người dân
Trong hồi ức của bà Y Vêng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, thời điểm năm 2011, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thăm tỉnh lần đầu, bà đã không còn là Bí thư Tỉnh ủy, nhưng vẫn giữ chức vụ Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Năm ấy, Tổng Bí thư chọn làng Đăk Mốt, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà để đến thăm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất quan tâm đến đời sống của bà con dân tộc thiểu số, luôn mong muốn lãnh đạo tỉnh, các cấp chính quyền quan tâm đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và nhân dân tỉnh Kon Tum nói chung.
Già A Khiếu (sinh năm 1962) cho biết, năm 2011, ông là trưởng thôn Đăk Mốt. Ông vẫn nhớ rõ từng câu, từng chữ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dặn bà con dân làng là phải khai hoang vườn tạp, trồng các loại cây ăn quả để phát triển kinh tế gia đình.
“Sau khi thăm trực tiếp nơi sinh sống của bà con dân làng, Tổng Bí thư đã căn dặn bà con không để vườn tạp, vì đất của mỗi hộ gia đình rất nhiều, mà để cỏ mọc hoang như thế là rất phí. Nghe lời Tổng Bí thư, tôi đã vận động bà con trong thôn khai hoang các khu vườn quanh nhà. Đến nay, thôn có 148 hộ thì không còn ai để đất trống, nhà thì trồng cà phê, nhà trồng sầu riêng, mít,… nên kinh tế cũng dần phát triển, cả thôn chỉ còn 11 hộ nghèo thôi”, già A Khiếu nói.
Tại buổi làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 4/2017, Ủy ban nhân dân xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai báo cáo, do trên địa bàn không có công trình thủy lợi, nhiều người dân chủ yếu sản xuất lúa một vụ và phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất, sản lượng đạt thấp, thường xuyên chịu cảnh đói mùa giáp hạt. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm đa số với hơn 80% dân số.
Sau khi nghe những tâm tư, tình cảm của người dân Ayun, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Gia Lai ưu tiên bố trí nguồn vốn để sớm triển khai dự án thủy lợi Plei Keo để cung cấp nguồn nước cho người dân sản xuất nông nghiệp. Năm 2019, công trình này hoàn thành, dẫn nước về cho bà con sử dụng, sản xuất lúa nước 2 vụ, 3 vụ. Nhờ đó, đời sống khấm khá lên, không còn lo đói, nhiều hộ mỗi vụ thu gần 100 bao lúa.
“Công trình thủy lợi Plei Keo là món quà ý nghĩa mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành tặng người dân xã Ayun. Thủy lợi Plei Keo đã gỡ “điểm nghẽn” trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế từ bao đời nay của người dân chúng tôi. Đây là công trình có lợi ích lâu dài và hứa hẹn sẽ là “cú hích” giúp người dân Ayun phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững”, ông Siu BLí, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ayun chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Quang, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk nhớ lại, năm 2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm xã và trực tiếp buôn Tơng Jú để tiếp xúc trực tiếp với người dân, nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng cũng như đời sống kinh tế của nhân dân trong buôn.
“Tổng Bí thư đã quan tâm sâu sát đến nhiều vấn đề; trong đó, dặn dò chính quyền địa phương phải đảm bảo tốt mục tiêu phát triển kinh tế, làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để làm sao nâng được mức sống cho đồng bào trên địa bàn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Làm theo lời căn dặn của Tổng Bí thư, năm 2014, xã Ea Kao là một trong những xã đầu tiên được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới”, ông Nguyễn Hữu Quang nói.
Tại tỉnh Lâm Đồng, sau khi lắng nghe nguyện vọng của bà con nhân dân xã Đông Thanh cần hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập tức nghiên cứu xây dựng hồ chứa nước cho bà con trong vùng. Đầu năm 2022, công trình hồ chứa nước Đông Thanh chính thức được khởi công với kinh phí gần 500 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Đây sẽ là bước đệm để xã Đông Thanh nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung phát triển kinh tế, gắn với thế mạnh của địa phương là cà phê và dâu tằm.
Bài 2: Hiện thực hóa những lời căn dặn