Tổng Bí thư kêu gọi đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp Phiên thứ 9 ngày 28/12 tại Trụ sở Trung ương Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì phiên họp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: Trí Dũng- TTXVN

Phiên họp này, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thảo luận về kết quả thực hiện kết luận của đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ 8; Kết quả xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc, Tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay; kết quả rà soát tổng thể các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội tại địa phương; tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2016; sơ kết 3 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo...

Năm 2015, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và có những chuyển biến tích cực, đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng được quan tâm thực hiện, có đổi mới, công khai các vụ án Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; kết quả xử lý; nhấn mạnh những kết quả nổi bật trong hoạt động của Ban Chỉ đạo từ khi thành lập đến nay.

Nhiều văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng được khẩn trương xây dựng, ban hành như: Chỉ thị 50 CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật tổ chức các cơ quan điều tra hình sự...

Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, nhất là phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng có chuyển biến tích cực, chặt chẽ hơn. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Từ ngày 1/12/2014 đến 30/11/2015, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 216 vụ với 460 bị can, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 266 vụ với 591 bị can, Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 235 vụ với 531 bị cáo. 8 vụ án trọng điểm được Ban Chỉ đạo yêu cầu đưa ra xét xử trước Đại hội XII của Đảng được thực hiện đúng tiến độ, xã hội đồng tình. Đến nay đã xét xử 7 vụ, 1 vụ đã có lịch xét xử.

Trong 3 năm qua, từ phiên họp thứ 3 đến nay, Ban Chỉ đạo đã đưa 243 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc, thành ủy chỉ đạo, xử lý. Đến nay đã có 63 vụ việc, vụ án giải quyết xong, số còn lại tiếp tục được theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc xử lý theo quy định của pháp luật.

Qua rà soát tổng thể các cuộc thanh tra kinh tế- xã hội tại địa phương đã giúp đánh giá đúng thực trạng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền với công tác thanh tra kinh tế- xã hội và việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra đối với vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế; thực trạng tình hình và kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc sai phạm có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế; những khó khăn vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.

Các cơ quan chức năng cũng kiến nghị chuyển các vụ việc sai phạm có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; để xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý các vụ việc sai phạm có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế qua hoạt động thanh tra kinh tế- xã hội trong thời gian tới.

Các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận về chương trình công tác trọng tâm năm 2016, tập trung vào 9 nhóm giải pháp. Trong đó nhấn mạnh, năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, do đó công tác phòng chống tham nhũng cần tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt văn kiện Đại hội XII của Đảng, nhất là những nội dung liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, gắn với tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03 về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng; khẩn trương ban hành và thực hiện “Quy định về cơ chế chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin về phòng chống tham nhũng cho báo chí; kịp thời khen thưởng, động viên và có biện pháp bảo vệ những cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện và đấu tranh với hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định về quản lý kinh tế - xã hội để phòng chống tham nhũng; tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong phòng chống tham nhũng…

Phát biểu kết luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Công tác phòng, chống tham nhũng có nhiều khâu, nhiều việc phải làm, nhưng phải đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng quy định của pháp luật; phải gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng. Một trong những mục tiêu cơ bản của Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng chính là ngăn ngừa, phòng chống cho được tệ nạn hư hỏng, suy thoái, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Tổng Bí thư nhất trí với ý kiến đánh giá chung của các thành viên về tình hình tham nhũng đã có những chuyển biến theo hướng tích cực, rõ nét, tăng cường tính răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn. Hoạt động của Ban Chỉ đạo rất quyết liệt, bài bản, nghiêm túc, nền nếp. Mỗi phiên họp đều tập trung kiểm điểm công việc lần trước kết luận đã làm được gì, chưa làm được gì, mỗi lần phát hiện thêm cái mới, đề xuất khắc phục những khâu yếu, lúc đầu là công tác giám định, án treo nhiều, những vấn đề cần lưu ý trong lĩnh vực ngân hàng, thuế, hải quan, rồi thanh tra, kiểm toán.

Việc ban hành các cơ chế, chính sách, một loạt văn bản luật, rồi cải cách thủ tục hành chính… có tác dụng ngăn chặn từ gốc, để không thể, không dám và không cần tham nhũng. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy, đặc biệt là việc xử lý các vụ án tham nhũng được tăng cường.

Công tác kiểm tra, đôn đốc được thực hiện thường xuyên, với việc lập các đoàn kiểm tra các tỉnh, một số bộ, ngành trọng tâm, tập trung vào các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tiền tệ, quản lý kinh tế, những chỗ có chức, có quyền; qua đó chỉ đạo xử lý, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc.

Rồi công tác thông tin, tuyên truyền có tiến bộ, kết quả rõ rệt, tuyên truyền về luật pháp, về công tác phòng, chống tham nhũng chứ không chỉ các vụ án. Lâu nay cứ nói phòng, chống tham nhũng thì người ta hay quan tâm tới “chống”, mà ít để ý “phòng”.

Trong “chống” thì thường để ý có xử lý, xử án gì không, trong xử án thì lại chú ý tới những vụ án lớn, đưa ra xét xử nghìn vụ, trăm vụ, nhưng lại nghi ngờ chạy theo thành tích. Công tác tuyên truyền rất quan trọng, nhưng hình như vẫn còn dè dặt, cần đẩy mạnh thông tin về những việc đã làm, kết quả đạt được.

Đương nhiên, khi vụ án chuẩn bị đưa ra xét xử hoặc đang xét xử, lại bàn về mức án thì không được, tạo sức ép cho tòa thì không phải. Rõ ràng xử nhiều, phát hiện nhiều, kiểm tra nhiều và cũng làm quyết liệt, nhưng vẫn chưa được thông tin đầy đủ.

Tổng Bí thư ghi nhận: Sự phối hợp giữa các cơ quan ngày càng tốt hơn, nhuần nhuyễn hơn, giữa các khâu, các việc, từ phòng đến chống. Trong chống có khâu phát hiện, tố giác, điều tra, truy tố, xét xử… về cơ bản là tốt, có gì vướng mắc cơ chế là gặp gỡ, trao đổi, thúc đẩy tiến bộ hơn… Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận có những việc chưa tốt, chưa kịp thời, chờ đợi nhau, thậm chí né tránh… phải bàn bạc thẳng thắn vì đây là trách nhiệm chung, cần làm đúng chức năng, nhiệm vụ.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Càng làm, càng có thêm kinh nghiệm, từ thực tiễn cần đúc rút kinh nghiệm để sắp tới làm tốt hơn cả phòng và chống. Một số việc, một số khâu vẫn còn chậm; việc xử lý một số vụ trọng điểm chưa thật quyết liệt; phải dứt khoát làm theo luật, theo quy định.

Giám định xét xử, giám định tư pháp, án treo bây giờ đỡ rồi. Khâu thu hồi tài sản, xử lý các vụ tham nhũng lớn thì đã rõ, nhưng tham nhũng vặt vẫn khó chịu, ngứa ngáy. Khâu phát hiện, thanh tra, chuyển sang điều tra, rồi sự phối hợp cũng chưa thật sự nhuần nhuyễn. Lực lượng thuế, hải quan, thanh tra, kiểm toán cần được tăng cường. Sắp tới cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tố giác, phát hiện tham nhũng, rồi tăng cường thanh tra, điều tra…

Vừa rồi, Bộ Chính trị ban hành một số Chỉ thị về kê khai tài sản, về phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng… được dư luận hoan nghênh. Nhưng Chỉ thị là một chuyện, vào cuộc sống đến đâu thì vẫn còn băn khoăn, việc kê khai tài sản vẫn còn hình thức, cần phải nhìn thẳng vào sự thật, thấy hạn chế để khắc phục.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Năm tới, sau Đại hội XII của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng phải được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa, có bước tiến mạnh hơn nữa, hiệu quả rõ ràng hơn. Theo điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương, một trong những điều mà dân bức xúc bây giờ vẫn là tham nhũng…

Đây cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp, đấu tranh trong mỗi con người, mỗi tổ chức. Khó là ở chỗ lợi ích nhóm, liên quan chằng chịt giữa kinh tế và chính trị, giữa doanh nhân với những người có chức, có quyền, ngoắt ngoéo với nhau. Không giải quyết được thì đó là 1 trong 4 nguy cơ, phải thấy hết trách nhiệm để quyết tâm cao hơn, sắp tới làm quyết liệt hơn, kiên trì, kiên quyết với phương pháp đúng, làm bài bản, có cơ chế, nguyên tắc, phối hợp với nhau để hạn chế tiêu cực.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần tiếp tục quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng. Mỗi người phải gương mẫu, trong sạch đã rồi mới chống tham nhũng được, mới phòng được; hết sức liêm khiết, trong sáng, thuộc bài; làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình tức là đúng vai; thuộc bài là thuộc luật pháp, thuộc cơ chế, chính sách, những quy định trong Đảng, đừng làm chồng chéo nhau, phối hợp cho tốt thì nhất định công việc sẽ tốt.

Nguyễn Sự - Hương Thủy (TTXVN)
Ông Võ Văn Dũng tham gia Ban Chỉ đạo về vấn đề tham nhũng
Ông Võ Văn Dũng tham gia Ban Chỉ đạo về vấn đề tham nhũng

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng vừa ký Quyết định thay đổi thành viên Ban chỉ đạo này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN