Tôn vinh đóng góp của Nhà báo Thái Duy cho Báo chí Cách mạng Việt Nam

Chiều 9/8, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức chiếu phim, trưng bày chuyên đề và tọa đàm "Thái Duy - Sống và Viết".

Đây là một trong những hoạt động nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2023), Quốc khánh 2/9, hướng tới 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). 

Nhà báo Thái Duy tên thật là Trần Duy Tấn, sinh năm 1926, tại tỉnh Bắc Giang. Năm 1949, ông bắt đầu làm Báo Cứu Quốc. Đầu năm 1964, ông cùng Tổng Biên tập Báo Cứu Quốc, Trần Phong (bút danh Kỳ Phương) và Thư ký tòa soạn Tống Đức Thắng (Trần Tâm Trí), vào miền Nam để xây dựng Báo Giải Phóng (thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam). Ngày 4/2/1977, Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng được sáp nhập vào Báo Đại Đoàn Kết và ra số đầu tiên ngày 5/2/1977. Ông là cây bút chủ lực của Báo Đại Đoàn Kết, đến năm 1995 thì nghỉ hưu. 

Tại tọa đàm, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, các nhà báo lão thành, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, các chuyên gia, đồng nghiệp, gia đình Nhà báo Thái Duy đã thảo luận về những đóng góp của nhà báo đối với nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đánh giá cao việc Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức sự kiện này; đồng thời mong muốn thời gian tới, bảo tàng tổ chức thêm nhiều sự kiện ý nghĩa, vinh danh các nhà báo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Báo chí Cách mạng, tiến tới có thể làm sách ảnh, làm phim về 100 nhà báo Việt Nam tiêu biểu qua các thời kỳ.

Sinh năm 1926, xấp xỉ tuổi ra đời của lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam, suốt sự nghiệp báo chí của mình, Nhà báo Thái Duy luôn chiến đấu không mệt mỏi vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân, vì sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam.

Làm Báo Cứu Quốc từ năm 1949, đầu năm 1964, Nhà báo Thái Duy cùng lãnh đạo Báo vào miền Nam xây dựng Báo Giải Phóng. Trong giai đoạn này, ông hoàn thành một số tác phẩm đỉnh cao, như: "Sống như Anh", "Người tử tù Khám lớn", "Những đồng đội của Nguyễn Văn Trỗi". Sau giải phóng, Nhà báo Thái Duy công tác tại Báo Đại Đoàn Kết, bước vào mặt trận nông nghiệp, thông qua ngòi bút của mình đã tiếp tục mạnh mẽ chiến đấu trong sự nghiệp khoán mới. "Khoán chui hay là chết" là câu nói, là quyết tâm Thái Duy nghe thấy, nhìn thấy từ người nông dân Việt Nam. Chính thực tiễn sinh động đã góp phần đổi mới tư duy, khuyến khích cách làm hiệu quả giúp người dân vượt qua khó khăn, thử thách để vươn lên.

Đặc biệt, Nhà báo Thái Duy là người duy nhất chưa từng đảm nhận một chức vụ nào. Suốt cuộc đời hoạt động, cống hiến, Nhà báo Thái Duy chỉ có một danh xưng duy nhất là phóng viên, với mục tiêu - cầm bút là viết vì dân, nói đúng sự thật, tôn trọng sự thật. 

Sống như là viết, viết là sống - Cả cuộc đời làm báo của Thái Duy là cuộc đời của một con người phấn đấu không mệt mỏi, không chùn bước để "chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tươi tốt" như lời Bác Hồ căn dặn trong Di chúc. 

Tại sự kiện, Bảo tàng Báo chí Việt Nam giới thiệu phim tài liệu đầu tiên về Nhà báo Thái Duy - "Thái Duy - Sống và Viết". Với thời lượng 30 phút, phim tập trung phác họa những nét chính trong cuộc đời, sự nghiệp báo chí của Nhà báo Thái Duy, đồng thời tri ân những đóng góp của ông, với ngòi bút sắc bén chiến đấu không mệt mỏi vì độc lập, tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân và vì sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam.

Dịp này, Bảo tàng trưng bày 45 hiện vật, tư liệu gắn với sự nghiệp báo chí của Nhà báo Thái Duy, gồm 3 backdrop, 17 vách kể về con đường Nhà báo Thái Duy đến với báo chí cách mạng Việt Nam và cống hiến cho báo Cứu Quốc, Giải Phóng, Đại Đoàn Kết qua các thời kỳ; hai lần vào miền Nam chiến đấu để lại dấu ấn sâu sắc qua các tác phẩm: "Sống như Anh", "Những đồng đội của Nguyễn Văn Trỗi"...; các cuốn sách, bài viết thể hiện tinh thần đổi mới, chống tham nhũng, tiêu cực...; một số hình ảnh, bài viết nổi bật của nhà báo, gắn quá trình hoạt động báo chí... 

Khu trưng bày còn có 7 tủ giới thiệu các tài liệu, hiện vật, gồm: bản thảo đánh máy, một số bài viết trên Báo Cứu Quốc, Giải Phóng, Đại Đoàn Kết; sách "Sống như Anh", "Khoán 'chui' hay là chết"; thư các tử tù gửi Nhà báo Thái Duy; đồ dùng trong quá trình công tác của Nhà báo Thái Duy...

Phúc Hằng (TTXVN)
Góp ý xây dựng Sổ tay dành cho nhà báo viết về các nhóm dễ bị tổn thương
Góp ý xây dựng Sổ tay dành cho nhà báo viết về các nhóm dễ bị tổn thương

Các chuyên gia, nhà hoạt động xã hội, nhà báo, luật sư, đại diện các nhóm dễ bị tổn thương đã có nhiều góp ý cụ thể, thiết thực tại Hội thảo tham vấn “Dự thảo sổ tay cho báo chí nhằm chống lại sự phân biệt đối xử với các nhóm dễ bị tổn thương” do Hội Nhà báo Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Na uy tại Việt Nam tổ chức sáng 26/7, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN