Tọa đàm về độc lập tư pháp và một số vấn đề về cải cách tư pháp

Ngày 14/5, Ban Nội chính Trung ương tổ chức tọa đàm về “Độc lập tư pháp và một số vấn đề về cải cách tư pháp” để phục vụ xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Chú thích ảnh
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu kết luận buổi tọa đàm. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì tọa đàm.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung trao đổi, thảo luận 6 nhóm vấn đề gồm thống nhất nhận thức về nội hàm các thuật ngữ pháp lý; về đề nghị thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia; cải cách tư pháp trong Tòa án; vấn đề cải cách tư pháp trong Viện Kiểm sát; về tiếp tục thực hiện chủ trương thu gọn đầu mối cơ quan điều tra; tiếp tục thực hiện chủ trương thống nhất đầu mối cơ quan quản lý Nhà nước về thi hành án.

Phát biểu tại tọa đàm, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, cải cách tư pháp là một vấn đề được Đảng, Nhà nước ta quan tâm từ rất sớm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay vẫn tồn tại nhiều vấn đề cả về nhận thức và thực tiễn cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ. Tại tọa đàm, các ý kiến thảo luận của đại biểu đã thống nhất cao về quyền tư pháp, cơ quan tư pháp; trong đó, quyền tư pháp là quyền sử dụng quyền lực Nhà nước để phán xử, giải quyết các tranh chấp và phán quyết một số vấn đề liên quan đến quyền công dân, con người... Về cơ quan tư pháp, phải khẳng định Tòa án là cơ quan tư pháp, các cơ quan khác tham gia hoạt động tư pháp và tham gia vào quá trình Tòa án thực hiện quyền tư pháp.

Về khái niệm độc lập tư pháp bao gồm nội hàm rộng nhất là độc lập giữa quyền tư pháp với quyền hành pháp, với quyền lập pháp; độc lập giữa thẩm phán, hội thẩm trong xét xử; tính độc lập tùy mức độ khác nhau giữa các cơ quan tham gia vào hoạt động tư pháp. 

Xung quanh việc thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia, các ý kiến đại biểu đều thống nhất cao, việc này có thể triển khai trước năm 2030, là một mô hình đảm bảo tính độc lập, không thuộc cơ quan nào. Đối với việc tổ chức Tòa án để bảo đảm tính độc lập, các đại biểu cho rằng, tổ chức Tòa án theo các cấp sơ thẩm, phúc thẩm không phụ thuộc vào đơn vị hành chính.

Bên cạnh đó, rất nhiều ý kiến đề nghị cần đổi mới chế định Hội thẩm nhân dân để có tính thực chất, phát huy được khả năng, kinh nghiệm, thẩm quyền cũng như đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; về vấn đề cải cách tư pháp trong Viện kiểm sát lưu ý việc đảm bảo quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp...

TTXVN/Báo Tin tức
Hội thảo quốc gia về Cải cách tư pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền
Hội thảo quốc gia về Cải cách tư pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền

Sáng 17/1, tại Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề: “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN