Tọa đàm về dân vận ở 14 nước châu Âu: Thiết thực và bổ ích

Ngày 18/8 tại Trung tâm thương mại Sapa (Praha), Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Đảng ủy Ngoài nước, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán và Hội Người Việt Nam tại CH Séc đã tổ chức cuộc tọa đàm Trao đổi kinh nghiệm về công tác vận động, xây dựng và hoạt động hội quần chúng người Việt Nam tại khu vực châu Âu.

 

Tham dự cuộc tọa đàm có lãnh đạo Ban Công tác Cộng đồng của đại sứ quán Việt Nam và đại diện các tổ chức quần chúng của cộng đồng Việt Nam tại 14 quốc gia châu Âu.

 

Phát biểu khai mạc cuộc tọa đàm, đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, nhấn mạnh: Hiện nay có hơn 4,5 triệu người Việt Nam định cư, sinh sống tại 109 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Riêng châu Âu hiện có gần 800 nghìn người Việt Nam, phân bố ở 43 quốc gia. Đây là khu vực các nước phát triển, cộng đồng có trình độ dân trí và đời sống kinh tế, văn hóa cao, ổn định, có vị thế chính trị nhất định ở các nước sở tại, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc đã được công nhận là dân tộc thiểu số của nước này.

 

Đoàn Chủ tịch cuộc tọa đàm do bà Hà Thị Khiết (ngồi giữa) làm Chủ tịch. Ảnh: Ngọc Mai/TTXVN


Trong những năm vừa qua cộng đồng người Việt Nam ở khu vực châu Âu đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Một số doanh nghiệp của người Việt Nam ở khu vực châu Âu thành đạt đã đầu tư về trong nước trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục… chiếm trên 50% tỷ trọng đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư về trong nước.

 

Theo dự thảo Báo cáo về tình hình quần chúng và việc xây dựng tổ chức, hoạt động của các hội, đoàn thể quần  chúng của người Việt Nam ở nước ngoài, do đồng chí Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, trình bày, có đoạn: Hệ thống tổ chức hội, đoàn thể quần chúng của người Việt Nam tại khu vực châu Âu được hình thành sớm và ngày càng phát triển đa dạng, phong phú, trở thành nơi sinh hoạt và gắn kết của bà con, hỗ trợ, giúp đỡ nhau mưu sinh và ổn định cuộc sống. Nhiều hoạt động cải thiện đời sống tinh thần, góp phần gìn giữ và truyền bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế, đồng thời giáo dục con em thế hệ thứ 2, 3 sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, hiểu và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, hướng về quê hương đất nước, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song bên cạnh những thuận lợi nêu trên vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Châu Âu là khu vực quá đề cao tự do, dân chủ, nhân quyền. Một số tổ chức phản động và lực lượng thù địch lợi dụng, hoạt động chống phá phong trào cộng sản và chống phá cách mạng Việt Nam.

 

Báo cáo cũng nêu rõ: Đảng ta xác định rằng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng dân tộc Việt Nam. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường  hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước… Quán triệt các quan điểm của Đảng và Nghị quyết số 36–NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, nhiều biện pháp cụ thể để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Việt Nam ở nước ngoài phát huy năng lực, hội nhập sâu hơn về kinh tế, văn hóa, xã hội ở các nước sở tại, về thăm thân, giao lưu, đầu tư, hợp tác với quê hương.

 

Đại diện Ban Công tác Cộng đồng ĐSQ và cộng đồng Việt Nam tại 14 nước châu Âu tham dự tọa đàm.


Tuy nhiên, thực tế cho thấy nội dung, phương thức vận động quần chúng chậm được đổi mới. Việc cung cấp thông tin định hướng cho cán bộ, đảng viên, quần chúng trước những vấn đề nhạy cảm ở trong nước chưa kịp thời. Công tác quản lý, giáo dục, vận động, tập hợp lưu học sinh, lao động xuất khẩu còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, cuộc tọa đàm Trao đổi kinh nghiệm về công tác vận động, xây dựng và hoạt động hội quần chúng người Việt Nam tại khu vực châu Âu là việc làm cần thiết, thiết thực trong thời điểm hiện nay.

 

Các trưởng đoàn và đại diện 14 đoàn tham dự cuộc tọa đàm đã phát biểu ý kiến, giới thiệu tóm tắt tình hình cộng đồng người Việt ở nước sở tại, nêu lên kết quả hoạt động vận động quần chúng và đề xuất kiến nghị với Đảng và Nhà nước về công tác xây dựng tổ chức, hoạt động của các hội, đoàn thể quần chúng ở ngoài nước.

 

Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại CH Séc Hoàng Đình Thắng kiến nghị: Đảng, Nhà nước và Quốc hội tiếp tục có những chính sách phù hợp nhằm xóa bỏ sự phân biệt về quyền lợi giữa người Việt Nam ở trong nước và ở ngoài nước; khi có điều kiện thì cho phép họ quyền bầu cử, ứng cử, tham gia Quốc hội Việt Nam hoặc các tổ chức xã hội khác.

 

Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại LB Nga Đỗ Xuân Hoàng nêu rõ chủ trương hành động của các tổ chức quần chúng ở nước sở tại là “việc có lợi cho cộng đồng, cho đất nước thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc có hại cho cộng đồng, cho đất nước thì dù nhỏ mấy cũng không làm”.

 

Tham tán, Trưởng ban Công tác Cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp Lê Công Bằng kiến nghị với Giáo hội Phật giáo Việt Nam xóa bỏ định kiến và phân biệt đối xử giữa các nhà tu hành trong nước và ở ngoài nước, có cơ chế uyển chuyển khi phong chức sắc ở một số địa bàn đặc thù.

 

Một đại diện trẻ thuộc cộng đồng người Việt ở Pháp phát biểu tham luận.


Tham tán Công sứ, Trưởng ban Công tác Cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia Đặng Lệ Thanh đặt mục tiêu tích cực hỗ trợ cho việc kiện toàn tổ chức Hội Người Việt Nam tại Slovakia trong thời gian tới.


Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan Lê Thiết Hùng nêu bật tính đặc thù của cộng đồng người Việt ở Ba Lan và khẳng định vai trò to lớn của đội ngũ trí thức trong các tổ chức quần chúng của người Việt ở nước sở tại.

 

Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Anh Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh tới tính đặc thù của phong trào thanh niên sinh viên Việt Nam tại nước sở tại, kiến nghị Bộ Tài chính mở rộng quyền hạn của Đại sứ trong việc chi tiêu phục vụ công tác cộng đồng.

 

Đại sứ, Trưởng Ban Công tác Cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy Lê Thị Tuyết Mai đánh giá cao vai trò của người phụ nữ, người vợ, người mẹ trong những gia đình người Việt định cư ở Na Uy. Chính họ là người nuôi dưỡng thế hệ người Việt tiếp theo, có vai trò quyết định trong việc gìn giữ văn hóa, ngôn ngữ, bản sắc dân tộc.

 

Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Bí thư Thứ nhất, Phó ban Công tác Cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức, đưa ra kinh nghiệm thành công trong việc xây dựng hội đoàn quần chúng. Đó là cán bộ chuyên trách công tác cộng đồng thường xuyên đi tìm hiểu tình hình ở các địa phương, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con; phát hiện và bồi dưỡng những người lãnh đạo các hội đoàn vừa có tâm vừa có tầm…

 

Sau một ngày trao đổi ý kiến sôi nổi, đồng chí Hà Thị Khiết đã phát biểu bế mạc cuộc tọa đàm, nêu rõ: “Tôi rất vui mừng về việc tất cả các đại biểu của các nước đã thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác người Việt Nam sống ở nước ngoài. Chúng ta một lần nữa khẳng định rằng xây dựng hội quần chúng ở nước ngoài là một vấn đề hết sức cần thiết. Chúng tôi trong ban tổ chức không nhận được bất kỳ ý kiến không đồng tình nào của quý vị. Điều này có nghĩa là chúng ta đã thống nhất cơ bản về bản báo cáo. Thay mặt cho Ban Tổ chức, tôi xin nhiệt liệt biểu dương và ghi nhận tình cảm và tâm huyết của các vị đại biểu đến từ 14 nước ở khu vực châu Âu. Chúng tôi nhận thấy rằng các đồng chí đã gợi mở và đặt ra cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban chấp hành Trung ương Đảng cần đổi mới phương thức chỉ đạo để Ban Dân vận thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng và dân. Đó chính là mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, dù ở trong nước cũng như ở nước ngoài”.

 

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTTXN, đồng chí Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, khẳng định: “Cuộc tọa đàm có thể nói là đã đạt được kết quả bước đầu khá tốt. Trước hết, chúng ta đã tập hợp được tình hình hoạt động của công đồng và tình hình người Việt Nam ở 14 nước châu Âu. Cụ thể là tâm tư, nguyện vọng của bà con trong các giai tầng xã hội. Điều thứ hai cũng rất quan trọng, là thông qua ý kiến của các hội và đại diện của 14 nước ở cộng đồng châu Âu, chúng ta đã tổng hợp được nhiều kinh nghiệm để góp phần xây dựng hoạt động của những hội này trong thời gian sắp tới. Kết quả trước hết đó là muốn có hoạt động tốt và hiệu quả cần phải nắm được tâm tư, lợi ích của các tầng lớp nhân dân trong bà con cộng đồng. Cụ thể là xây dựng khối đoàn kết cộng đồng. Đồng thời cần phải khơi dậy truyền thống yêu nước của đồng bào. Và cuối cùng quan tâm đến hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tâm linh nhằm tăng thêm tình cảm của đồng bào đối với quên hương đất nước nhiều hơn nữa”.


* Cũng trong cuộc tọa đàm Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đảng ủy Ngoài nước đã trao Bằng khen, kỷ niệm chương cho các cán bộ các đại sứ quán chuyên trách công tác cộng đồng, công tác Đảng ngoài nước và những người tích cực tham gia các hội đoàn quần chúng ở 14 nước châu Âu.


Trước đó, trong các ngày 16 và 17/8 đoàn công tác của Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy Ngoài nước, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng do đồng chí Hà Thị Khiết làm trưởng đoàn, đã ở thăm và làm việc với đại diện các tổ chức quần chúng của người Việt Nam ở thành phố Brno và Nam Morava (CH Séc).

 


Trần Quang Vinh (P/v TTXVN tại Séc)

Đổi mới công tác dân vận ở Đảng bộ Khối các cơ quan TW
Đổi mới công tác dân vận ở Đảng bộ Khối các cơ quan TW

Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới, các cấp ủy Đảng thường xuyên quán triệt cho cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò công tác dân vận; xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan... trước hết là trách nhiệm người đứng đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN