Các dự án luật bao gồm: Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân cho biết, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến và thông qua các dự án: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở; Luật Căn cước và xem xét, cho ý kiến dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Thời gian qua cũng đã chính thức triển khai việc đấu giá biển số xe ô tô, lấy người dân làm trung tâm phục vụ, nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường nguồn thu ngân sách cho Nhà nước.
Để đảm bảo công tác tuyên truyền về các dự án luật đạt hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, giúp mọi tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về sự cần thiết, vị trí, vai trò quan trọng của các dự án luật đối với xã hội và công tác đảm bảo an ninh trật tự, lãnh đạo Bộ Công an đã giao Cục Truyền thông Công an nhân dân, đơn vị đầu mối hợp tác với các cơ quan báo chí Trung ương xây dựng kế hoạch thông tin tuyên truyền về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng những nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, đảm bảo chính xác, kịp thời, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Buổi tọa đàm tập trung trao đổi, làm rõ sự cần thiết ban hành, quan điểm, định hướng và những nội dung cơ bản của các chính sách, nhất là những điểm mới, sửa đổi trong các dự án luật và những thủ tục liên quan tới việc đấu giá biển số xe ô tô.
Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Việt Nga (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ trình nhiều dự án luật. Theo đại biểu, các dự án luật do Bộ Công an trình đều là những dự án luật quan trọng, tác động đến công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội; đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong chuyển đổi số như dự án Luật Căn cước. Đây là dự án luật tạo tiền đề quan trọng giúp thực hiện chuyển đổi số một cách mạnh mẽ. Các dự án luật do Bộ Công an tham mưu cho Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, cẩn trọng, chi tiết, đạt chất lượng cao. Việc xây dựng luật cũng đảm bảo tiến độ đúng quy định.
Tích hợp thông tin trên thẻ căn cước, phục vụ chuyển đổi số
Tại buổi tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên đã trình bày những nội dung cơ bản của các dự án. Liên quan đến chính sách cấp Căn cước cho người gốc Việt Nam của dự án Luật Căn cước, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết, đề xuất này thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Việc cấp giấy căn cước cho người gốc Việt Nam xuất phát từ quyền của người dân, mong muốn của chính họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước. Khi được cấp căn cước, người gốc Việt Nam sẽ có một cuộc sống an ninh, an toàn, được tham gia vào các chính sách của nhà nước, thực hiện các giao dịch của xã hội. Căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam có chất liệu và kích thước giống như thẻ Căn cước cấp cho công dân Việt Nam, tuy nhiên có sự khác nhau về màu sắc và thông tin trên thẻ.
Dự án Luật Căn cước đã bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi. Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, dự thảo luật bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước; qua đó, giúp giảm giấy tờ, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính…
Về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết, bản chất là điều chỉnh, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, đang hoạt động ở địa bàn cơ sở để kiện toàn thống nhất thành một lực lượng chung bao gồm Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018, bảo vệ dân phố và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Việc kiện toàn lực lượng này không làm tăng chi ngân sách nhà nước và “phình” bộ máy. Dự án luật cũng đã quy định rõ vị trí, chức năng của lực lượng này hỗ trợ lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn cơ sở.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cũng nhấn mạnh sự cần thiết tách Luật Đường bộ thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ trong đó dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tập trung điều chỉnh yếu tố động liên quan đến an toàn giao thông đường bộ; đồng thời cũng nêu rõ cơ sở chính trị, thực tiễn và pháp lý của đề xuất xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp do Bộ Công an và Bộ Quốc phòng xây dựng.
Đã có 7 người nộp tiền sau khi trúng đấu giá biển số xe
Trao đổi tại tọa đàm, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an thông tin về quy định giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 phải được đổi sang giấy phép lái xe mới theo lộ trình do Chính phủ quy định theo dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, giấy phép lái xe trước tháng 7/2012 là dạng giấy bìa, còn sau thời điểm trên là dạng PET (một loại nhựa). Giấy phép lái xe đổi sang dạng PET được cập nhật trong hệ thống của Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải). Hệ thống này sẽ là dữ liệu để tích hợp vào định danh điện tử, VNeID… Trong quá trình nghiên cứu về quy định giấy phép lái xe, Cục đã tiếp thu theo quy định Công ước Vienna, phù hợp với hoạt động quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam đang sử dụng giấy phép lái xe chưa đồng bộ với Công ước Vienna. Dự thảo luật quy định thay đổi phân hạng giấy phép lái xe để phù hợp với Công ước Vienna. Việc thay đổi này đảm bảo phù hợp khi Việt Nam là thành viên của các hiệp ước, công ước, chấp nhận những giấy phép lái xe quốc tế. Chính phủ sẽ quy định chi tiết nội dung này.
Tại buổi tọa đàm, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cũng chia sẻ thông tin liên quan đến đấu giá biển số xe. Đến nay, cơ quan chức năng đã tổ chức được 4 ngày đấu giá biển số xe, tổng biển số đấu giá là 95 biển. Tổng số tiền dự thu là hơn 133,1 tỷ đồng. Theo quy định, sau 15 ngày, người trúng đấu giá mới phải nộp tiền. Hiện, đã có 7 người nộp tiền sau khi trúng đấu giá biển số xe với số tiền trên 10,9 tỷ đồng. Một trường hợp ở Hải Phòng đã nộp tiền và gắn biển số trúng đấu giá. Với những trường hợp bỏ cọc sau khi trúng đấu giá, theo quy định Luật dân sự, quy định về đấu giá tài sản và nghị quyết của Chính phủ, nếu người trúng đấu giá bỏ cọc thì biển số xe đó sẽ được quay lại đấu giá, người trúng đấu giá sẽ bị mất tiền cọc.