Ghi nhận sự đóng góp quan trọng
Nhà báo Nguyễn Thành Lê, tên khai sinh là Lê Thanh Thủy, sinh ngày 17/6/1920 tại xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên (nay thuộc thành phố Phủ Lý), tỉnh Hà Nam. Nhà báo từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, như: nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; nguyên Ủy viên Hội đồng Nhà nước; nguyên Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; Người Phát ngôn của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam 1968-1973 và tham gia nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng khác của Đảng, Nhà nước.
Trong lĩnh vực hoạt động báo chí, ông từng giữ nhiều vị trí quan trọng: nguyên Tổng Biên tập báo Giải phóng; Chủ nhiệm báo Độc lập; Chủ bút báo Cứu quốc; nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (khóa I, II) trong những giai đoạn đầu thành lập lập Hội. Ông là người có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam nói chung trên nhiều cương vị khác nhau và Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Thuận Hữu khẳng định: đối với các thế hệ nhà báo Việt Nam, Nhà báo Nguyễn Thành Lê thật sự là một tấm gương điển hình cần tuyên truyền, tri ân, học tập trên nhiều phương diện. Thông qua tọa đàm, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân mong muốn tạo điều kiện để các nhân chứng, các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau có cơ hội gặp gỡ, trao đổi ý kiến, ghi nhận những đóng góp quan trọng của Nhà báo Nguyễn Thành Lê với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam, trên các phương diện; người chiến sĩ kiên cường trên mặt trận tư tưởng và chính trị; cây bút chính luận sắc bén; nhà phát ngôn, nhà hoạt động quốc tế kiên cường; nhà báo, nhà ngoại giao xuất sắc; nhà nghiên cứu lý luận- nhà ngoại giao; lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam từ những ngày đầu…
Cây bút chính luận sắc sảo, tâm huyết với báo chí
Các tham luận, ý kiến của các nhân chứng lịch sử, cộng sự của Nhà báo Nguyễn Thành Lê lúc sinh thời, các nhà nghiên cứu, giảng dạy lịch sử và lịch sử báo chí Việt Nam, đồng nghiệp, đại diện gia đình… tại tọa đàm đã làm nổi bật hình ảnh, những cống hiến to lớn của Nhà báo Nguyễn Thành Lê với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam; những bài học kinh nghiệm về hoạt động quản lý báo chí và nghiệp vụ báo chí, nhất là những bài học về báo chí chính luận và đối ngoại. Cũng thông qua tọa đàm, các đại biểu được nghe, hiểu thêm về một Nhà báo Nguyễn Thành Lê trong quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp, người thân trong gia đình.
Nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương nhớ lại: Nhà báo Nguyễn Thành Lê là một trong nhóm người được Bác Hồ giao nhiệm vụ đứng ra sáng lập Hội Nhà báo Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc năm 1950 và được bầu làm Tổng thư ký đầu tiên của Hội. Sinh thời, Nhà báo Nguyễn Thành Lê rất ít nói về mình, vì tính khiêm nhường, không muốn phô trương những gì mình làm được cho cách mạng, cho đất nước, cho quê hương. Thế nhưng khi anh đi vào cõi vĩnh hằng, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp lại dành những lời lẽ hết sức tốt đẹp để nói về anh.
Tham luận của Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định: Nhà báo Nguyễn Thành Lê là cây bút chính luận sắc sảo, rất tâm huyết với báo chí, đồng thời là nhà hoạt động đối ngoại có uy tín. Nguyễn Thành Lê khi thuần túy làm báo chí, khi thuần túy làm ngoại giao, khi kết hợp ngoại giao và báo chí. Là người có vốn kiến thức quốc tế phong phú và sâu sắc, dù làm nhiệm vụ nào Nguyễn Thành Lê cũng hoàn thành xuất sắc… Nhà báo Nguyễn Thành Lê được ví như "cây vĩ cầm số 2" bên cạnh Nhà báo lớn Xuân Thủy - linh hồn của báo Cứu Quốc và Hoàng Tùng. Nguyễn Thành Lê thiên về thể loại chính luận và là một cây bút đĩnh đạc, sắc bén trong thể loại này; các bài viết của ông dù ngắn hay dài đều chặt chẽ ý tứ, trong sáng văn phong. Sự cống hiến của Nguyễn Thành Lê vào sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam không ồn ào, song cũng không hề nhỏ.
Nhà báo Nguyễn Khắc Thuyết, nguyên Ủy viên Ban biên tập, Thư ký tòa soạn báo Nhân Dân trong tham luận nêu rõ: Chỉ có "đọc và đọc", "nghe và nghe", "đi và đi", Nhà báo Nguyễn Thành Lê được thăm hơn 30 nước trên thế giới và tham dự nhiều hội nghị quốc tế lớn... Rồi ngày đêm nung nấu, nhớ lại, suy nghĩ để viết liền mạch những bài báo quan trọng (đăng trên báo Nhân Dân), như: "Chính sách Mỹ -1973" số báo 7/6/1973; "Quan hệ Mỹ - Nhật Bản" số báo 7/7/1973; "Chính quyền Ních -xơn và hòa hoãn quốc tế", số báo 24/11/1973... Nhiều đồng chí, đồng nghiệp nhớ về Nhà báo Nguyễn Thành Lê bày tỏ khâm phục và ngưỡng mộ sự lao động trí tuệ của ông: đọc và đọc, viết và viết nhưng không ngừng, không nghỉ. Nhà báo Hà Đăng gọi "con người mảnh mai ấy, tưởng như gió có thể thổi bay, thế mà bên trong nó, lại là một tinh thần gang thép". Nhà báo Phan Quang nhớ lại: "Từ thủa thiếu thời cho đến khi tuổi cao, sức yếu, dù hết sức bận rộn với công tác quản lý, Nhà báo Nguyễn Thành Lê với nhiều tên ký khác nhau (Nguyễn Tiến Cường, Thành Lê, Hương Xuân, Lê Thanh Thủy, Thanh Mai, Tám Mai...) không mấy khi rời cây bút, ngay cả trong thời gian ông được giao phó trọng trách khác"...
Tọa đàm "Nhà báo Nguyễn Thành Lê với báo chí cách mạng Việt Nam" là hoạt động giáo dục truyền thống, lịch sử và mang tính nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam nhằm tri ân các nhà báo nguyên lãnh đạo cấp cao của Hội, được tổ chức thường niên từ năm 2012 đến nay. Đồng thời, đây cũng là dịp tưởng nhớ, tri ân Nhà báo Nguyễn Thành Lê nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (17/6/1920-17/6/2020).