Tháng 5/1946, Bộ Quốc phòng đã ra Nghị định số 27/NĐ-QP về tổ chức Cục Chính trị Bộ Quốc phòng, gồm các cơ quan: Văn phòng, Phòng Huấn luyện, Phòng Tuyên truyền và Ban Thanh tra.Kể từ đây, với hai cơ quan Phòng Tuyên truyền và Phòng Huấn luyện, lần đầu tiên trong Quân đội ta có cơ quan chuyên trách về công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị phục vụ nhiệm vụ xây dựng quân đội theo yêu cầu đòi hỏi của cách mạng. Phòng Tuyên truyền và Phòng Huấn luyện của Cục Chính trị Bộ Quốc phòng trở thành tổ chức tiền thân của Cục Tuyên huấn và ngành Tuyên huấn Quân đội ngày nay. Trải qua quá trình trưởng thành, phát triển, sáp nhập và phân tách, mùa Thu năm 1950, Cục Tuyên huấn chính thức ra đời với chức năng, nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo, quản lý của Tổng Chính ủy, Tổng cục Chính trị.
Thể theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, đặc biệt là cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành Tuyên huấn Quân đội, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Phòng Tuyên truyền và Phòng Huấn luyện - đơn vị tiền thân của Cục Tuyên huấn, Cục Tư tưởng - Văn hóa đã có Tờ trình đề nghị Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng xét công nhận Ngày truyền thống của Cục Tư tưởng - Văn hóa. Ngày 4/5/1996, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 144/QĐ-BQP công nhận ngày 11/5/1946 là Ngày truyền thống của Cục Tư tưởng - Văn hóa (nay là Cục Tuyên huấn),Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Tiếp đó, ngày 19/5/2018, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 1831/QĐ-BQP công nhận ngày 11/5/1946 là Ngày truyền thống của ngành Tuyên huấn Quân đội.
Qua quá trình hoạt động xây dựng, chiến đấu và công tác, Cục Tuyên huấn và ngành Tuyên huấn đã từng bước phát triển, trưởng thành, lập được nhiều thành tích, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng trong Quân đội; bảo đảm cho Quân đội không ngừng lớn mạnh, lập nhiều chiến công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ, nhân dân giao phó.
Trưởng thành cùng những bước đi của Quân đội nhân dân Việt Nam
Trong kháng chiến chống Pháp, Cục Tuyên huấn và ngành Tuyên huấn Quân đội đã tập trung tuyên truyền, giáo dục phương châm kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ làm nội dung quan trọng bậc nhất trong việc xây dựng tư tưởng, hết sức coi trọng việc bồi dưỡng tinh thần dân tộc, giác ngộ giai cấp và giác ngộ dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ, không ngừng nâng cao tin tưởng ở kháng chiến nhất định thắng lợi; chú trọng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, sự gắn bó mật thiết với nhân dân lao động, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Quân đội… bảo đảm cho Quân đội ta luôn trung thành với Đảng, với nhân dân, chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trong tất cả các hoạt động đó, nổi bật nhất, rầm rộ nhất, tác động mạnh mẽ nhất đến toàn bộ Quân đội là các cuộc vận động luyện quân, các đợt chỉnh huấn chính trị và chỉnh quân, củng cố cơ sở chính trị tư tưởng vững chắc cho Quân đội; cổ vũ, động viên toàn quân quyết chiến đấu giành thắng lợi, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cuộc vận động “luyện quân lập công” (từ tháng 12/1947 - 1/1949); Cuộc vận động “rèn cán, chỉnh quân” (tháng 6/1949); Đợt chỉnh huấn chính trị và chỉnh quân (năm 1952-1953)… là những cuộc vận động tiêu biểu thời kỳ này.
Bên cạnh đó, Cục Tuyên huấn và ngành Tuyên huấn Quân đội đã cử các cán bộ theo sát từng đơn vị, từng trận địa, từng chiến trường, nắm chắc diễn biến tư tưởng của bộ đội, nhất là lúc cách mạng chuyển giai đoạn, những lúc khó khăn, phức tạp trong chiến đấu, chiến dịch, trong chấp hành nhiệm vụ để kịp thời tham mưu, đề xuất giúp Trung ương Quân ủy, Tổng Chính ủy, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và cấp ủy, chỉ huy các cấp đề ra các chủ trương, chỉ thị, hướng dẫn và tiến hành công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, công tác thi đua, khen thưởng, công tác văn hóa - văn nghệ đúng đắn, sát mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ của cuộc kháng chiến và nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong từng giai đoạn, phù hợp với các đối tượng trong lực lượng vũ trang.
Công tác tuyên huấn đã góp phần giúp Quân đội lập nên nhiều chiến công hiển hách, từ thắng lợi vang dội trong Chiến dịch Việt Bắc năm 1947 đến Chiến dịch Biên giới năm 1950, Chiến dịch Hòa Bình năm 1951, Chiến dịch Tây Bắc năm 1952 và Cuộc Tổng tiến công Chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là những thành công bước đầu rất đáng tự hào của Cục Tuyên huấn và ngành Tuyên huấn Quân đội, góp phần làm cho công tác chính trị nói chung, công tác tư tưởng nói riêng trở thành “linh hồn” của Quân đội cách mạng.
Trong kháng chiến chống Mỹ, thời kỳ 1965 - 1975 là thời kỳ phấn đấu và phát triển quan trọng của Cục Tuyên huấn và ngành Tuyên huấn Quân đội. Đây cũng là thời kỳ đất nước, Quân đội trải qua nhiều thử thách lớn, nhiều sự kiện lịch sử trọng đại tác động đến ý chí, quyết tâm và nghị lực của cả con người và tổ chức. Cục Tuyên huấn và ngành Tuyên huấn Quân đội trong thời kỳ này có bước phát triển khá toàn diện cả về công tác và xây dựng cơ quan cũng như xây dựng ngành.
Cán bộ, nhân viên ngành Tuyên huấn đã chủ động, nhạy bén, sáng tạo, sâu sát trong việc nắm bắt tư tưởng bộ đội, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, nhiệm vụ của Quân đội, của từng đơn vị trên các hướng chiến trường, các mặt trận để chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp huy động tối đa các lực lượng, vận dụng tổng hợp các hình thức, biện pháp tiến hành công tác tuyên huấn nhằm đạt hiệu quả cao nhất ở các đơn vị chiến đấu, từ đó đã xây dựng được cao trào chiến đấu chống Mỹ, cứu nước trong toàn quân ở cả miền Bắc và miền Nam.
Trong đó, phải kể đến các phong trào tập trung như thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” rộng khắp với tinh thần: dám đánh, biết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh, ngành Tuyên huấn tích cực tuyên truyền, góp phần nêu cao những tấm gương tiêu biểu của các anh hùng, liệt sĩ, dũng sĩ… để cổ vũ mạnh mẽ khí thế và quyết tâm của toàn quân.
Giai đoạn này, Cục Tuyên huấn và ngành Tuyên huấn Quân đội còn chuẩn bị nội dung và đề xuất với Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị chỉ đạo, tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước không chỉ bó hẹp trong Quân đội, mà còn mở rộng phong trào đối với toàn dân, nổi bật là phong trào thi đua “Ba nhất”. Các phong trào đã góp phần cổ vũ, động viên quân và dân hai miền Nam, Bắc thi đua lao động sản xuất, giết giặc lập công, đánh thắng từng chiến lược chiến tranh của Mỹ - nguỵ để tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong thời kỳ cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế (1975 - 1986), giai đoạn 10 năm đầu đổi mới đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia (1986 - 1996) và thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia từ năm 1996 đến nay, cán bộ, nhân viên trong Cục và ngành Tuyên huấn luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt chức năng tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn; triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả công tác tuyên huấn trong toàn quân, bảo đảm chặt chẽ, kịp thời, góp phần củng cố vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội; nội bộ đoàn kết, thống nhất cao. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện về mọi mặt của Đảng; vững vàng về chính trị, tư tưởng, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Kiên định, chủ động, sáng tạo, quyết thắng
Kể từ ngày thành lập đến nay, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và ngành Tuyên huấn Quân đội đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đảm nhận nhiều nhiệm vụ với tên gọi khác nhau. Dù ở bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cục Tuyên huấn và ngành Tuyên huấn Quân đội luôn nỗ lực phấn đấu, lập được nhiều thành tích xuất sắc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong những thành tích nổi bật của Cục Tuyên huấn và ngành Tuyên huấn Quân đội phải kể đến việc thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, cấp ủy, chỉ huy các cấp và trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo có hiệu quả các mặt công tác Tuyên huấn trong toàn quân, góp phần quan trọng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng; góp phần bồi dưỡng, phát huy phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” và tư tưởng, tình cảm của nhân dân đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; đóng góp tích cực trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.
Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn và trực tiếp tổ chức thực hiện công tác văn hóa - văn nghệ, Cục Tuyên huấn và ngành Tuyên huấn Quân đội cùng với các cơ quan, tổ chức văn hóa - văn nghệ đã có đóng góp đáng kể vào kho tàng tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng; góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên trách công tác Tuyên huấn có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng; có trình độ chuyên môn ngày càng cao, chủ động, nhạy bén, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm; có tư cách đạo đức tốt, phương pháp, tác phong phù hợp.
Với những đóng góp của mình, Cục Tuyên huấn và ngành Tuyên huấn Quân đội đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Cục Tuyên huấn được tặng thưởng: Danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; ba Huân chương Quân công; ba Huân chương Chiến công; hai Huân chương Lao động hạng Ba; hai Huân chương Độc lập hạng Nhất; một Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất...
75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cục Tuyên huấn và ngành Tuyên huấn Quân đội đã bằng trí tuệ, công sức và cả xương máu của mình, đoàn kết phấn đấu, xây đắp nên truyền thống: “Kiên định, chủ động, nhạy bén, sáng tạo, đoàn kết, quyết thắng”. Truyền thống đó là tài sản tinh thần vô giá, là động lực, niềm vinh dự, tự hào to lớn để động viên, cổ vũ các cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cục Tuyên huấn và ngành Tuyên huấn Quân đội hôm nay tiếp tục giữ vững, phát huy lên tầm cao mới.