Tổ chức trọng thể Lễ trao Giải Báo chí quốc gia 2010 cho 128 tác phẩm

Đúng ngày kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tối 21/6, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội), Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã tổ chức trọng thể Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ V cho 128 tác phẩm đoạt giải ở 8 thể loại giải.

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao hai giải A cho tác giả Nguyễn Đăng Lâm - TTXVN (ngoài cùng bên trái) và nhóm tác giả báo Lao Động. Ảnh: Minh Đức - TTXVN


Đến dự có đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia; Nguyễn Thị Doan, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành đoàn thể; đại diện các cơ quan báo chí ở Trung ương và Hà Nội cùng đông đảo những người làm báo và bạn đọc của báo chí cách mạng Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ tôn vinh những tác giả, tác phẩm xuất sắc Giải Báo chí quốc gia năm 2010, đồng chí Trương Tấn Sang nhiệt liệt chúc mừng những tác giả, tác phẩm đoạt giải, chúc sức khỏe và thành đạt đến những người làm báo Việt Nam nhân ngày kỷ niệm 86 năm Báo chí cách mạng Việt Nam.

Đồng chí nhấn mạnh, Báo chí cách mạng Việt Nam do Bác Hồ sáng lập, được Đảng, nhân dân nuôi dưỡng đã không ngừng phát triển; xứng đáng là vũ khí tuyên truyền sắc bén của Đảng trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước Việt Nam đi lên CNXH. Chưa bao giờ đội ngũ báo chí phát triển và lớn mạnh hùng hậu như lúc này. Báo chí cách mạng Việt Nam luôn kịp thời trong việc phát hiện, biểu dương những tấm gương điển hình tiên tiến trong chiến đấu, lao động sản xuất, trong học tập...; phê phán những sai trái, những việc làm không có lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu xuyên tạc của kẻ địch; tuyên truyền đối ngoại để bạn bè thế giới hiểu về đất nước và con người Việt Nam... Nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới yêu cầu đội ngũ những người làm báo Việt Nam càng phải tích cực học tập nghiệp vụ, trau dồi đạo đức cách mạng, gần gũi với nhân dân để có ngày càng nhiều những tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Bác Hồ kính yêu.

Các tác giả nhận giải C - Giải Báo chí quốc gia thể loại báo in, báo ảnh. Ảnh: Minh Đức - TTXVN


Phát biểu khai mạc, đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ: Giải Báo chí quốc gia năm 2010 nằm trong hoạt động thường niên của Hội Nhà báo Việt Nam nhằm tôn vinh những tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc của những người làm báo trên khắp mọi miền đất nước. Những tác phẩm đoạt giải, đặc biệt là các tác phẩm đoạt giải A thực sự là những tác phẩm chất lượng cao cả về nội dung và phương pháp thể hiện. Những tác giả, tác phẩm đoạt Giải Báo chí quốc gia năm 2010 là những tấm gương tiêu biểu cho đội ngũ những người làm báo Việt Nam đang ngày đêm đem hết sức lực, trí tuệ phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước; góp phần xây dựng nước Việt Nam “dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Vòng chung khảo Giải Báo chí quốc gia 2010 có 161 tác phẩm tham dự ở 8 loại giải. Đây là những tác phẩm xuất sắc, có tính phát hiện, phản ánh đúng tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng của đất nước; có định hướng dư luận xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; có chất lượng tốt về nội dung và hình thức thể hiện.

Hội đồng chung khảo chấm vòng chung khảo đã quyết định trao giải A cho 2 tác phẩm; giải B cho 24 tác phẩm; giải C cho 43 tác phẩm và 59 tác phẩm đoạt giải Khuyến khích. Giải Báo chí quốc gia năm 2010 có số lượng tác phẩm dự giải cao nhất từ trước đến nay với 1.321 tác phẩm tham dự 8 loại giải (tăng 30% so với năm 2009). So với bốn mùa giải trước, đây cũng là năm có số lượng đơn vị báo chí tham dự giải nhiều nhất (125 đơn vị); số lượng tác phẩm ảnh báo chí cao nhất, có 27 cá nhân gửi tác phẩm dự thi không qua tuyển chọn của cơ sở (theo cơ chế mới) và số tác phẩm của cộng tác viên dự thi nhiều nhất (244 tác phẩm).

Theo đánh giá của Hội đồng Giải Báo chí quốc gia: Mặt bằng chất lượng các tác phẩm dự giải năm 2010 đồng đều hơn các năm trước. Tác phẩm có chất lượng cao vẫn tập trung ở khối báo chí trung ương và các thành phố lớn. Đồng thời, xuất hiện nhiều đơn vị địa phương dự giải với nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, có tính phát hiện, có hiệu quả xã hội như các Đài Phát thanh Hà Tĩnh, Ninh Bình, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Vĩnh Long; Đài Truyền hình Nghệ An, Bến Tre, Lâm Đồng, Hà Nội; các tác phẩm báo in của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Ở một số loại giải, chất lượng tác phẩm vượt các năm trước. Giải Tin, bài phản ánh, bút ký (báo in) có nội dung phong phú, nhiều bài nhiều kỳ. Giải Xã luận, bình luận, chuyên luận (báo in) có nội dung sát thực tiễn, bớt lý luận hàn lâm, nhiều bài đạt chất lượng cao. Giải Phóng sự, phóng sự điều tra (báo in, truyền hình) đều tăng cả về số lượng và chất lượng… Một số loại giải chất lượng ở mức trung bình khá, chưa vượt các kỳ giải trước. Tác phẩm báo điện tử tham dự nhiều nhưng chưa rõ về thể loại và chất lượng chuyên môn chưa cao…

Một trong hai tác phẩm đoạt giải A là của tác giả Nguyễn Đăng Lâm - Phóng viên TTXVN tại Quảng Ngãi với chủ đề "Lý Sơn - Bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa". Đây là tác phẩm viết về đề tài biển đảo và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Loạt bài viết từ những tư liệu phong phú, được cung cấp bởi những nhà nghiên cứu lịch sử, từ những người dân ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi - những con người bình thường nhưng giàu lòng yêu nước, coi trọng chủ quyền biển đảo quê hương; rất có ý thức về việc giữ gìn báu vật của cha ông từ bao đời để lại. Từ hàng trăm năm qua, các tộc họ trên đảo luôn gìn giữ, bảo vệ và lưu truyền từ đời này sang đời khác những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, được coi là Bảo tàng sống về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tiếp sau giải A về thể loại Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép của nhà báo Nguyễn Đăng Lâm, Liên chi hội Nhà báo TTXVN còn có ba giải C cho các tác giả và nhóm tác giả đoạt Giải Xã luận, bình luận, chuyên luận; Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí. Trong đó, nhóm tác giả Nguyễn Quang Vinh, Trần Ngọc Tú của báo Tin Tức đoạt một giải C với loạt bài “Nhìn lại con tàu Vinashin”. TTXVN cũng đoạt 1 giải B, 1 giải C và 3 giải khuyến khích ở thể loại Giải Ảnh báo chí.

Công Hải

Tâm sự của nhà báo TTXVN đoạt giải A - Giải Báo chí quốc gia
Tâm sự của nhà báo TTXVN đoạt giải A - Giải Báo chí quốc gia

Nhà báo Nguyễn Đăng Lâm tâm sự, có thể nói rằng cuộc đời làm báo gần 40 năm của anh chưa bao giờ hạnh phúc như những ngày qua, khi nghe tin mình đoạt Giải A - Giải Báo chí quốc gia. Bởi đó không chỉ là vinh dự của bản thân anh, của gia đình anh, mà còn là của TTXVN...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN