Nhà báo Nguyễn Đăng Lâm tâm sự, có thể nói rằng cuộc đời làm báo gần 40 năm của anh chưa bao giờ hạnh phúc như những ngày qua, khi nghe tin mình đoạt Giải A - Giải Báo chí quốc gia. Bởi đó không chỉ là vinh dự của bản thân anh, của gia đình anh, mà còn là của TTXVN - nơi anh đang công tác với tư cách Trưởng phân xã TTXVN tại Quảng Ngãi và Hội Nhà báo Quảng Ngãi, nơi anh đang sinh hoạt.
Tin Tức đã có cuộc trao đổi với nhà báo Đăng Lâm khi anh vừa nhận giải A với loạt bài "Lý Sơn - Bảo tàng sống về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa". Thưa nhà báo Đăng Lâm, lý do gì đã thôi thúc anh viết loạt bài này?
Bản thân tôi cũng như hàng chục nhà báo tại các cơ quan báo chí Trung ương và của tỉnh Quảng Ngãi trong hơn 20 năm qua kể từ khi tái lập tỉnh không biết mình đã lênh đênh ra huyện đảo Lý Sơn này đến bao nhiêu lần. Mỗi lần đi lại cho mình thêm những tư liệu mới về mảnh đất với những con người giàu lòng yêu nước, rất coi trọng đến chủ quyền biển, đảo quê hương, rất có ý thức về giữ gìn báu vật của cha ông từ bao đời để lại. Những năm gần đây, tuy đã cao tuổi nhưng năm nào tôi cũng có 5 - 7 chuyến ra huyện đảo này để viết tin, bài, chụp ảnh.
Nhà báo Đăng Lâm và tác phẩm đoạt giải A - Giải Báo chí quốc gia đăng trên báo Tin Tức. Ảnh: L.P |
Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) trước đây thường gọi là Cù Lao Ré, có diện tích tự nhiên 10 km2, hiện nay dân số hơn 20.000 người, sinh sống tại 3 xã An Vĩnh, An Hải và An Bình. Nơi đây, hàng trăm năm nay các tộc họ trên đất đảo đã và đang gìn giữ, bảo vệ, lưu truyền từ đời này đến đời khác hệ thống văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng phong phú do cha ông để lại, được coi là bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà không nơi nào có được.
Đặc biệt, giữa tháng 3 hàng năm, vào dịp Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa dường như năm nào anh em làm báo cũng có mặt. Bản thân tôi cũng có nhiều năm theo dõi viết tin, bài về huyện đảo này. Theo đánh giá của tôi, biển, đảo của đất nước Việt Nam với trên 3.200 km chạy dọc 28 tỉnh, thành ven biển là một "kho" chủ đề để mỗi phóng viên có thể khai thác theo cách riêng của mình. Nhưng duy nhất ở Lý Sơn có Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa gắn với vấn đề chủ quyền dân tộc, gắn với lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là chủ đề quá hấp dẫn khiến tôi tập trung khai thác tư liệu, các số liệu cần thiết cho loạt bài báo trong nhiều năm, để rồi cuối cùng đã viết loạt 3 bài này.
Có một chủ đề hay, tuy nhiên chắc chắn việc triển khai thực hiện loạt bài này một cách bài bản cũng là lý do khiến loạt bài của anh thành công? Khi thu thập thông tin để viết loạt bài này, ngoài những tư liệu, số liệu mà bản thân tôi khai thác được qua những lần công tác, thì Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ (hiện là Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi) đã hỗ trợ tôi rất nhiều. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ đã có 15 năm dành thời gian, công sức nghiên cứu về hệ thống văn hóa vật thể, phi vật thể trên đảo Lý Sơn, là người cung cấp rất nhiều tư liệu quí về Lý Sơn cho tôi.
Về hệ thống văn hoá vật thể trên huyện đảo này trước tiên phải kể đến nhà thờ các tộc họ, trong đó có nhà thờ các tộc họ có nhiều người đi Hoàng Sa, Trường Sa hàng trăm năm trước như nhà thờ cai đội Phạm Quang Ảnh (1815 - Ất Hợi - thời vua Gia Long); nhà thờ họ Phạm Văn, đây là một trong những tộc họ trên đảo có rất nhiều người đi Hoàng Sa, Trường Sa, và có nhiều người rất nổi tiếng như thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên (1835 - Ất Mùi), Chánh đội trưởng thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật và ngôi mộ Phạm Hữu Nhật tại thôn Đông, xã An Vĩnh; nhà thờ tộc họ Võ tại thôn Tây xã An Vĩnh...
Thứ hai phải kể đến là hệ thống mộ gió (mộ không có hài cốt), với mộ gió các ông Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật, Nguyễn Văn Tám và hàng nghìn ngôi mộ gió khác hiện diện đến nay trên đảo Lý Sơn.
Thứ ba, đó là các di tích Âm Linh Tự, đình làng An Vĩnh và đình làng An Hải - nơi đây những người lính trước khi đi Hoàng Sa, Trường Sa tập trung về đình làng tế tự và đây lại là nơi thờ phụng và tế tự các chiến sĩ Hoàng Sa, Trường Sa đã hy sinh vì Tổ quốc.
Điều đặc biệt nhất là những tư liệu về văn bản chữ Hán cổ còn lưu giữ tại nhiều tộc họ trên đảo này đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến những người lính Hoàng Sa, Trường Sa thuở trước. Trong đó, có thể ví dụ như câu liễn tại đình làng An Vĩnh: "Ân đức dựng xây miền đảo Lý/Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa", hay những câu ca dao mà hầu như tất cả mọi người trên huyện đảo này đều thuộc làu làu: "Hoàng Sa mây nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng hai Khao lề thế lính Hoàng Sa; Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây". Những câu ca dao trên đã toát lên những điều mà những người lính đi Hoàng Sa năm xưa tâm niệm, là ra đi bảo vệ biên cương lãnh hải của Tổ quốc là nhiệm vụ rất trọng đại của Triều đình giao cho...
Tất cả những tư liệu ấy đã được tôi thu thập, hệ thống lại để viết loạt bài. Điều đặc biệt đây là loạt bài đầu tiên viết một cách có hệ thống về văn hóa vật thể, phi vật thể của Lý Sơn cũng như Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Còn những bài viết trước đó chỉ đề cập đơn lẻ về một vấn đề mà thôi.
Báo Tin Tức đã chọn đăng loạt bài viết này của tôi. Để loạt bài đạt chất lượng tốt, Ban biên tập báo Tin Tức đã phối hợp, trao đổi với tôi về nội dung, bố cục loạt bài, cách chọn ảnh minh họa... giúp cho loạt bài viết có chất lượng và hiệu quả thông tin tốt hơn. Bài viết của tôi khi được đăng trên báo Tin Tức đã đến được với rất nhiều độc giả, nên sức lan tỏa rất lớn. Vì vậy, tôi rất mong sẽ tiếp tục có sự hợp tác chặt chẽ giữa báo với anh em phân xã để có thể xây dựng những tác phẩm báo chí hấp dẫn, được công chúng biết đến rộng rãi hơn. Khi loạt bài này của tôi trên báo Tin Tức được chuyển về địa phương, các đồng chí lãnh đạo và nhân dân địa phương đã đánh giá loạt bài rất tốt, xâu chuỗi được các giá trị lịch sử, văn hóa của đảo Lý Sơn, là điều trước đây chưa ai làm.
Dường như đề tài biển đảo luôn là một "thế mạnh" của phóng viên TTXVN tại Quảng Ngãi nói riêng và phóng viên TTXVN nói chung?
Đúng vậy, biển, đảo và bảo vệ chủ quyền biển đảo luôn là đề tài hấp dẫn và lôi cuốn không biết bao nhiêu nhà báo trong nước. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã khẳng định miền Trung là vùng có điều kiện sinh thái đặc thù, có vị trí địa lý, chính trị, kinh tế chiến lược quan trọng. Đây là vùng có tiềm năng kinh tế và sinh thái môi trường to lớn như bờ biển dài, vùng lãnh hải rộng lớn, giàu tài nguyên sinh vật biển, nhiều tiềm năng về năng lượng, khoáng sản, vận tải biển và dịch vụ cảng biển, du lịch biển. Đặc biệt là dầu khí, thủy sản, khoáng sản, năng lượng và nhiều bãi biển đẹp hấp dẫn du khách trong và ngoài nước... Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (24/1/2007) đã thảo luận và cho ý kiến về Đề án Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đồng thời đã ra Nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phải phấn đấu để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; có chính sách hấp dẫn nhằm thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế biển; xây dựng các trung tâm kinh tế lớn vùng duyên hải gắn với các hoạt động kinh tế biển làm động lực quan trọng đối với sự phát triển của cả nước. Vừa qua, tôi đã viết loạt bài mới "Miền Trung khai thác tiềm năng biển, đảo để phát triển bền vững". Đây là loạt bài tôi rất tâm đắc, và biết đâu sang năm tôi lại đoạt giải với chính loạt bài này (cười).
Xin trân trọng cảm ơn anh và chúc anh tiếp tục thành công với đề tài biển đảo.
P.V (thực hiện)