10 nhân viên y tế Bệnh viện Thanh Nhàn phản ứng nhẹ sau tiêm vaccine COVID-19
Trong số 36 nhân viên y tế của Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) được tiêm vaccine COVID-19, có 10 trường hợp gặp phản ứng phụ sau tiêm.
Ngày 10/3, cập nhật tình hình sức khỏe các nhân viên y tế được tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca, BS. Trần Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: Trong số 36 cán bộ y tế của bệnh viện được tiêm vaccine phòng COVID-19 vào ngày 9/3, có 10 nhân viên y tế gặp phản ứng sốt nhẹ, đau mỏi cơ sau tiêm.
Cụ thể, các trường hợp này được ghi nhận có các phản ứng như: Sốt nhẹ 37,5 độ, đau mỏi cơ, đau tại vị trí tiêm. Những trường hợp bị sốt sau khi tiêm được theo dõi sức khỏe tại nhà; các trường hợp còn lại đã quay trở lại với công việc như bình thường.
Trước đó, trong ngày 9/3, đã có 36 cán bộ y tế của Bệnh viện Thanh Nhàn tham gia công tác phòng chống dịch được tiêm vaccine phòng COVID-19. Các y bác sĩ được tiêm đều phấn khởi, yên tâm, tin tưởng tác dụng bảo vệ của vaccine này.
Trước khi tiêm, các nhân viên y tế đều được khám sàng lọc, đánh giá sức khỏe đảm bảo và được triển khai tiêm theo quy trình chặt chẽ.
Phố đi bộ Hồ Gươm hoạt động trở lại từ ngày 12/3
Ngày 10/3, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) thông báo, các không gian đi bộ trên địa bàn quận bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày 12/3/2021.
Cụ thể, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận duy trì hoạt động từ 19 giờ thứ Sáu đến 24 giờ Chủ Nhật. Tuyến phố Hàng Đào – Hàng Giấy – chợ đêm Đồng Xuân, 6 tuyến phố đi bộ mở rộng trong khu vực bảo tồn cấp I – khu Phố cổ Hà Nội, các tuyến phố đi bộ mở rộng kết nối phía Nam khu phố cổ với khu vực hồ Hoàn Kiếm duy trì hoạt động vào 3 tối cuối tuần thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ Nhật.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong, các không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được hoạt động trở lại đảm bảo yêu cầu về an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị. Các lực lượng chức năng của thành phố, quận Hoàn Kiếm và các phường trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng các quy định của Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Đồng thời, quận tiếp tục tuyên truyền để người dân nắm rõ các biện pháp phòng, chống dịch và phối hợp thực hiện, tránh tâm lý lơ là, chủ quan; yêu cầu người dân thực hiện nghiêm túc Thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Công an mời bà Nguyễn Phương Hằng lên làm việc về đơn tố cáo 'thần y' Võ Hoàng Yên
Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh vừa có thư mời bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Huỳnh Uy Dũng, hay được gọi bằng tên Dũng “lò vôi” ) lên làm việc xung quanh nội dung tố cáo ông Võ Hoàng Yên lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 10/3, bà Nguyễn Phương Hằng cho biết phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh vừa có thư mời bà lên làm việc liên quan đến nội dung tố cáo ông Võ Hoàng Yên. Theo lịch, bà Hằng sẽ làm việc với điều tra viên của phòng Cảnh sát hình sự vào chiều nay (10/3). Tuy nhiên, bà Hằng đã ủy quyền cho luật sư làm việc với cơ quan công an.
Trước đó, vào ngày 3/3, bà Nguyễn Phương Hằng đã nộp đơn đến Công an TP Hồ Chí Minh để tố cáo ông Võ Hoàng Yên (sinh năm 1975) về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nguyên nhân tố cáo là do ông Yên đã có hành vi lừa đảo vợ chồng bà để “ăn chặn” tiền từ thiện cứu trợ bà con miền Trung trong đợt bão lũ vừa qua và tiền xây một cơ sở thờ tự tại Bình Thuận...
Ngay sau khi bà Hằng công khai chuyện tố cáo việc 'lừa đảo" của ông Yên ra công chúng, ông Yên cũng đã gửi thư cho vợ chồng bà Hằng để xin trả lại tiền. Tuy nhiên, bà Hằng vẫn tuyên bố: 'cuộc chiến' chỉ mới bắt đầu và sẽ đi đến cùng vụ việc để công chúng không còn bị lừa đảo bởi mác "thần y" của ông Võ Hoàng Yên.
Xét xử vụ Ethanol Phú Thọ: Bị cáo Đinh La Thăng bị đề nghị mức án từ 12 đến 13 năm tù
Sáng 10/3, phiên tòa xét xử vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ chuyển sang phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo trong vụ án.
Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt: Bị cáo Đinh La Thăng (sinh năm 1960, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN) từ 12 năm tù đến 13 năm tù, tổng hợp với bản án trước đó, hình phạt chung áp dụng đối với bị cáo Đinh La Thăng là 30 năm tù.
Các bị cáo: Vũ Thanh Hà (sinh năm 1962, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB) từ 7-8 năm tù; Trần Thị Bình (sinh năm 1958, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) 2-3 năm tù; Phạm Xuân Diệu (sinh năm 1960, nguyên Tổng Giám đốc PVC) 5-6 năm tù; Nguyễn Ngọc Dũng (sinh năm 1958, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) 4-5 năm tù; Đỗ Văn Quang (sinh năm 1972, nguyên Trưởng ban Ban Kinh tế kế hoạch - sau là Ban Kinh tế đấu thầu PVC) và Nguyễn Xuân Thủy (sinh năm 1961, nguyên Phó Trưởng phòng Phòng đầu tư dự án - PVB) cùng bị đề nghị từ 3-4 năm tù; Khương Anh Tuấn (sinh năm 1975, nguyên Phó Trưởng phòng Thương mại - PVB), Lê Thanh Thái (sinh năm 1960, nguyên Trưởng phòng Phòng Kinh doanh - PVB), Hoàng Đình Tâm (sinh năm 1981, nguyên Kế toán trưởng PVB) cùng bị đề nghị từ 30-36 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” (theo quy định tại Điều 224, khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 2015).
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (sinh năm 1966, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC) từ 11-12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” (theo quy định tại Điều 224, khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 2015) và từ 10-11 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (theo quy định tại Điều 356, khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 2015); tổng hợp hình phạt đối với 2 tội danh này là 21-23 năm tù. Tổng hợp với các bản án trước đó, hình phạt chung đối với bị cáo Trình Xuân Thanh là tù chung thân.
Bị cáo Đỗ Văn Hồng (sinh năm 1967, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc – PVC Kinh Bắc) bị đề nghị từ 6-7 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (theo quy định tại Điều 356, khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 2015). Tổng hợp với bản án 13 năm tù trước đó, bị cáo Đỗ Văn Hồng bị đề nghị từ 19-20 năm tù.
Một học sinh lớp 8 ở Biên Hòa bị đánh hội đồng, chấn thương nặng
Chiều 10/3, ông Võ Văn Minh, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Biên Hòa, Đồng Nai cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin vụ việc một nam sinh lớp 8 trên địa bàn thành phố bị đánh hội đồng, chấn thương nặng, phải nhập viện cấp cứu.
Đó là em N.T.H, học sinh lớp 8/6, Trường Trung học Cơ sở Võ Trường Toản, phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa.
Trước đó, ngày 5/3, khi vừa tan học ra khỏi cổng trường, em N.T.H bất ngờ bị ba thanh thiếu niên chặn lại bên hông trường. Sau khi nói chuyện giữa hai bên, ba người kia lao vào đấm đá, đạp lên người, đầu, khiến em H. gục tại chỗ. Lúc sự việc xảy ra, nhiều học sinh khác đứng gần đó nhưng không ai dám can ngăn. Sau khi phát hiện sự việc, giáo viên trong trường đã nhanh chóng đưa H. vào bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ Phạm Đông Đoài, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, em H. được thầy, cô đưa vào nhập viện điều trị trong tình trạng chấn thương phần mềm. Sau 2 ngày nằm viện, sức khỏe bệnh nhân ổn định, đã được xuất viện về nhà.
Theo ông Võ Văn Minh, bước đầu lực lượng chức năng xác định ba đối tượng đánh em H. không phải là học sinh trong Trường Trung học Cơ sở Võ Trường Toản. Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã cử giáo viên đến thăm hỏi, động viên H.. Đồng thời, Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Biên Hòa đã báo cáo vụ việc lên Sở Giáo dục - Đào tạo Đồng Nai và UBND thành phố Biên Hòa, báo lực lượng công an phối hợp xác minh, xử lý các thanh niên đã đánh em H.
Cùng ngày, Công an phường Tân Hòa đã làm việc với Ban Giám hiệu Trường Trung học Cơ sở Võ Trường Toản, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai và lấy lời khai của bị hại. Hiện, lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra, xác định nguyên nhân để có hướng xử lý vụ việc.