Tín dụng tăng 9,91%, đã có thông báo điều chỉnh room tín dụng

Thông tin của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sáng 7/9, tăng trưởng tín dụng đến ngày 26/8 đạt 9,91% so với cuối năm 2021, tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.

Chú thích ảnh
Nhiều ngân hàng "hồi hộp" chờ cấp thêm hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng. 

Đặc biệt, NHNN vừa có thông báo gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) về việc chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) năm 2022, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Cơ cấu tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, trong khi tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với chỉ đạo tại Chỉ thị 01.

Việc thông báo và điều chỉnh tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động của các TCTD theo quy định của NHNN tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN và đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ đồng thời khuyến khích các TCTD nâng cao khả năng quản trị kinh doanh, an toàn hoạt động, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.

Phía NHNN đưa ra 5 tiêu chí xét room cho các NHTM. Cụ thể, phải dựa trên kết quả xếp hạng năm 2021, trong đó NHNN ưu tiên cho các ngân hàng tham gia xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng Đông Á, xử lý quỹ tín dụng nhân dân yếu kém. Ngoài ra, NHNN sẽ tăng thêm room tín dụng để khuyến khích đối với các ngân hàng trong danh sách NHNN sẽ đề nghị giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Với các ngân hàng có tỷ lệ cho vay trên huy động vốn cao tại thị trường 1, NHNN sẽ giảm trừ hạn mức. 

Đề cập về lãi suất cho vay hiện nay đối với các doanh nghiệp, khách hàng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Lãi suất cho vay bình quân hiện từ 9 - 9,3%, lãi suất huy động bình quân từ 6,3 - 6,8% đối với kì hạn trung bình. Việt Nam đang giảm giá, giảm lãi suất so với các nước đang tăng nhanh.

“Việt Nam đang tích cực ngăn chặn lạm phát, chống lạm phát. Theo nguyên lý như các nước đã và đang triển khai, rõ ràng việc chống lạm phát là tăng lãi suất để hạn chế đầu tư. Đấy là nguyên lý của các nước phát triển nhất trên thế giới”, ông Đào Minh Tú cho biết.

Trong vài tháng gần đây, đặc biệt tháng 7, tháng 8/2022, giá xăng cũng giảm, nên chỉ số lạm phát có dương nhưng không nhiều. Chính vì thế, Việt Nam tiếp tục duy trì được mức lạm phát 2,88%. Việc điều hành lãi suất của Ngân hàng Trung ương lúc này cũng là vấn đề cần được tính toán rất chặt chẽ. Từ năm 2021, kể cả năm 2022 này, trong khi các nước tăng lãi suất rất cao, thì Việt Nam vẫn duy trì lãi suất điều hành, không thay đổi.

Đối với ngân hàng thương mại (NHTM), thời gian qua cũng có biến động tăng nhẹ, kể cả lãi suất huy động cho vay, nhưng có thể nói ở mức rất nhẹ, huy động 0,25%, cho vay là 0, 24%. Có thể là thấp nhất trong tất cả các nước trong khu vực châu Á.

Phó Thống đốc khẳng định: Ngân hàng cũng sẽ chủ trì Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục chỉ đạo các NHTM tìm các biện pháp bằng nội lực, nguồn lực của mình để hỗ trợ doanh nghiệp. NHNN tiếp tục kêu gọi các NHTM bằng việc cắt giảm chi phí; cắt giảm một phần lợi nhuận để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn trong thời gian tới.

Từ đầu năm 2022, lạm phát thế giới tăng nhanh do giá nhiều hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới leo thang bắt nguồn từ xung đột Nga - Ukraine và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Áp lực lạm phát tăng cao trên toàn cầu tác động đến cuộc sống người dân và nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô tại nhiều quốc gia, khiến hầu hết các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Tại Việt Nam, với thực tiễn nhu cầu đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thuộc lớn vào tín dụng của hệ thống ngân hàng, nên để điều hành chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, trong những năm qua, NHNN đã nghiên cứu đưa ra chỉ tiêu tín dụng định hướng hàng năm và điều chỉnh theo tình hình thực tiễn, qua đó đã góp phần đắc lực vào kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. 

Theo đánh giá của World Bank, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới (đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%) là mức cảnh báo Việt Nam về rủi ro bất ổn vĩ mô tiềm ẩn.

 

Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Doanh nghiệp ‘ngóng’ nới room tín dụng hơn ngân hàng
Doanh nghiệp ‘ngóng’ nới room tín dụng hơn ngân hàng

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ nới room tín dụng cho một số ngân hàng, thế nhưng đến nay vẫn chưa có động thái nào về việc mở room. Điều này đã khiến không chỉ các ngân hàng mà nhiều doanh nghiệp "sốt ruột" khi xếp hàng để chờ được giải ngân. Trong khi đó, lãi suất huy động đang tăng cao cũng đang là áp lực cho doanh nghiệp vì lãi suất vay cũng sẽ bị “đội” lên theo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN