Tiếp tục thảo luận về dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, sáng 9/11, Quốc hội đã làm Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo tổng kết việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam.


Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

* Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức

Theo báo cáo, thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (gọi là Nghị quyết số 36/2012/QH13), đến nay 13 địa phương thực hiện thí điểm đã có 53 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập, đảm bảo các tiêu chí theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mặc dù còn hạn chế về số lượng và chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, nhưng đội ngũ Thừa phát lại bước đầu đã đáp ứng yêu cầu hoạt động trong thời gian thí điểm. Tính đến hết ngày 30/9/2015, Các Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt 939.544 văn bản; lập và đăng ký được 42.911 vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án 885 vụ việc; tiếp tổ chức thi hành án 378 vụ việc.

Kết quả triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại khẳng định Nghị quyết số 36/2012/QH13 đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Chủ trương của Đảng về thí điểm Thừa phát lại được thể chế hóa và kiểm nghiệm trên thực tế, đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, được người dân, xã hội đón nhận.

Kết quả hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại đã bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, góp phần ổn định các quan hệ xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Quá trình thực hiện thí điểm Thừa phát lại đã cung cấp nhiều dữ kiện, căn cứ mang tính khoa học và thực tiễn có giá trị để làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong việc xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, nhất là trong lĩnh vực thi hành án dân sự, đồng thời góp phần giảm tải công việc cho các cơ quan nhà nước, tinh giản biên chế.

Tuy nhiên, kết quả hoạt động của một số Văn phòng Thừa phát lại còn chưa cao, chưa đồng đều ở các địa phương thí điểm và ở các mảng công việc. Việc chuyển giao văn bản tống đạt giữa Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự với các Văn phòng Thừa phát lại không đều, không thường xuyên; việc thực hiện tống đạt văn bản còn sai sót, vi phạm.

Một số trường hợp lập vi bằng không đúng thẩm quyền; chất lượng vi bằng chưa cao, còn có tâm lý chạy theo lợi nhuận. Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các nguồn thông tin để thực hiện việc xác minh; thiếu sự hợp tác của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan; thực hiện xác minh điều kiện thi hành án chưa chính xác. Số vụ việc trực tiếp tổ chức thi hành án còn ít, cá biệt có Văn phòng chưa tiếp nhận, tổ chức thi hành vụ việc nào. Chuyên môn, nghiệp vụ tổ chức thi hành án dân sự của các Văn phòng Thừa phát lại còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm…

Thẩm tra nội dung trên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện thí điểm và cho rằng: Hoạt động Thừa phát lại đã xác định được vị trí của mình trong đời sống xã hội, tạo lập một loại hình dịch vụ pháp lý mới để người dân lựa chọn. Sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại khẳng định chủ trương và nội dung thí điểm đã thành công bước đầu, nhất là trong điều kiện các loại hình dịch vụ Thừa phát lại cung cấp có tính chất khá mới so với hệ thống pháp luật hiện hành…

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng nêu rõ một số vấn đề hạn chế, bất cập như: Về xây dựng thể chế, qua hai giai đoạn thực hiện thí điểm, công tác tham mưu cho Chính phủ của Bộ Tư pháp cũng như phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội chậm, thiếu đồng bộ.

Một số quy định được ban hành không phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, đây cũng là nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả và khó tạo ra sự đồng thuận của các cơ quan đối với hoạt động Thừa phát lại. Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động Thừa phát lại, một số văn phòng Thừa phát lại còn những sai sót, ảnh hưởng tới niềm tin và sự lựa chọn dịch vụ của người dân cũng như các cơ quan Nhà nước…

* Đề nghị lấy tên là Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam, các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tạm giữ, tạm giam của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, các đại biểu đã góp ý vào những nội dung cụ thể của dự thảo Luật như: Tên gọi của dự án Luật; quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam; hệ thống tổ chức cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; phân loại quản lý tạm giữ, tạm giam; việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, tạm giam...

Về tên gọi của dự án luật, nhiều đại biểu đề nghị lấy tên là Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự án luật, tránh việc hiểu luật này điều chỉnh cả các nội dung về thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp tạm giữ, tạm giam đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị giữ tên gọi như dự án là Luật Tạm giữ, tạm giam.

Nhất trí với tên gọi là Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, các đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa), Phạm Văn Tấn (Nghệ An) cho rằng: Tên gọi như vậy là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật. Dự án luật chỉ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục tạm giữ, tạm giam; quyền, nghĩa vụ, chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam; quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan thực hiện việc tạm giữ, tạm giam…

Nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự án luật này chỉ quy định về trình tự, thủ tục thi hành và các điều kiện bảo đảm thi hành quyết định tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giữ, lệnh tạm giam, quyết định tạm giam, quyết định gia hạn tạm giam, quyền, nghĩa vụ, chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam; tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam; không quy định về thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục ra quyết định tạm giữ, tạm giam.

Vì vậy, nếu lấy tên gọi là Luật tạm giữ, tạm giam sẽ không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật và dễ dẫn đến hiểu luật này điều chỉnh cả thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự.

Hơn nữa, Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành án dân sự đều có quy định về mô hình, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ sở vật chất của các cơ quan thi hành án. Do đó, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lấy tên gọi là Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

* Cần đảm bảo quyền con người và nghĩa vụ công dân

Góp ý về quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, một số đại biểu đề nghị, dự thảo luật chỉ nên quy định các quyền cơ bản của người bị tạm giữ, tạm giam, còn những quyền đang được điều chỉnh bởi các luật khác không quy định vào dự thảo luật để bảo đảm tính linh hoạt và tránh trùng lặp.

Có ý kiến đề nghị, chỉ quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân bị hạn chế vào dự án luật, các quyền khác không bị hạn chế thì họ được hưởng theo quy định của pháp luật có liên quan. Có ý kiến đề nghị quy định rõ người bị tạm giữ, tạm giam được hưởng những quyền gì và bị hạn chế quyền gì...

Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng: Người bị tạm giữ, tạm giam chia làm hai đối tượng là người chưa có tội và người có tội. Người chưa có tội là công dân bình thường, có đầy đủ về quyền con người và quyền công dân như Hiến pháp quy định và không ai có quyền xâm phạm hoặc hạn chế quyền của họ.

Do vậy, đề nghị cần xem lại quy định theo hướng cụ thể về quyền và nghĩa vụ của hai nhóm đối tượng là người chưa có tội và người có tội. Như vậy mới đảm bảo quyền con người, quyền công dân không bị xâm hại và phù hợp với bố cục của các chương, điều khác trong dự thảo luật.

Thống nhất với điểm d khoản 1 Điều 9 quy định người bị tạm giữ, tạm giam có quyền được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự, đại biểu Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) đề nghị bổ sung thêm cụm từ tiếp xúc với các tổ chức nhân đạo hoặc vì lý do đối ngoại để tương thích với quy định tại điểm d khoản 1 Điều 20 của dự thảo luật; đồng thời làm cho điều luật chặt chẽ hơn.

Vấn đề trên, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam hiện nay được quy định ở nhiều văn bản luật khác nhau và cũng đang có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013.

Do đó, việc liệt kê tất cả các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam được hưởng hoặc bị hạn chế đã được quy định trong các luật, bộ luật hiện hành vào dự thảo luật này là không khả thi, dẫn đến trùng lắp, chồng chéo và cũng không bảo đảm tính linh hoạt khi phải sửa đổi, bổ sung. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự án luật được chỉnh lý theo hướng quy định một số quyền, nghĩa vụ cơ bản nhất trực tiếp liên quan đến người bị tạm giữ, tạm giam, còn các quyền khác được thực hiện như thế nào sẽ do các đạo luật chuyên ngành đang quy định điều chỉnh.

* Còn ý kiến khác nhau về các trại tạm giam thuộc Bộ Công an

Liên quan đến hệ thống tổ chức cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, nhiều ý kiến đề nghị cần tổ chức lại Nhà tạm giữ, trại tạm giam theo hệ thống dọc do Bộ Công an quản lý từ trung ương tới địa phương để bảo đảm tính độc lập, thống nhất về tổ chức, tránh việc Cơ quan điều tra có thể lạm dụng việc quản lý để bức cung, dùng nhục hình. Một số đại biểu đề nghị cần giao 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an về cho Cơ quan Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an quản lý.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính nhất trí với việc thực hiện chế độ Nhà tạm giữ, trại tạm giam tổ chức theo hệ thống dọc để thuận tiện cho việc chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, tổ chức thực hiện, độc lập với sự chỉ đạo của Cơ quan Công an, Quân đội nơi đặt nhà tạm giữ, trại tạm giam và cho rằng: Quy định như vậy để tránh tình trạng cơ quan điều tra, cơ quan phụ trách nhà tạm giữ, trại tạm giam cùng một đầu mối làm chỉ huy, dễ dẫn tới việc sai sót, lạm quyền trong tiếp xúc hỏi cung, đồng thời hạn chế được oan sai do bức cung nhục hình gây ra.

Tuy nhiên, cần nghiên cứu vấn đề trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý ở trại tạm giam, nhà tạm giữ trong Quân đội để phù hợp với thực tiễn. “Loại hình đào tạo trong Quân đội nhân dân khác cơ bản với Công an nhân dân. Hơn nữa số lượng tội phạm được giam giữ trong trại tạm gia, nhà tạm giữ trong Quân đội không nhiều, quy mô và tính chất phức tạp không lớn. Do đó, trình độ quản lý cấp này chỉ cần tốt nghiệp đại học luật là phù hợp. Đồng thời, nội dung này giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định quy định theo tiêu chuẩn do Chính phủ quy định” – đại biểu Tính đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cơ bản nhất trí với Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Trại tạm giam, Nhà tạm giữ ở các tỉnh, huyện do các cơ quan Công an thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp cùng cấp quản lý và cho rằng: Quy định này cơ bản đã tách khỏi hệ thống điều tra các cấp, đảm bảo tính minh bạch trong điều tra và giam giữ.

Tuy nhiên, riêng đối với 4 Trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện do Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra quản lý, đại biểu Khá đề nghị giao 4 Trại tạm giam này cho Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an trực tiếp quản lý để thống nhất đầu mối trong hệ thống giam giữ các cấp trong cả nước và thuận lợi cho việc kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Tuyết Liên cũng đề nghị giao 4 Trại giam này cho Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an trực tiếp quản lý mà không giao cho Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục An ninh quản lý, để đảm bảo tính độc lập giữa cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam với cơ quan điều tra, đồng thời nhằm phòng chống bức cung, nhục hình.

Khác với các quan điểm trên, đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng, 4 Trại tạm giam này nên giao cho Tổng cục Cảnh sát và Tổng cục An ninh quản lý để tiện phục vụ tốt cho hoạt động điều tra. Theo đại biểu, các Trại tạm giam này đều do một đồng chí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh phụ trách, do đó hoàn toàn độc lập với cơ quan điều tra.

Chiều 9/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; dự án Luật Đấu giá tài sản.

Nguyễn Cường (TTXVN)
Việt Nam tích cực hoàn thiện các dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Luật về Hội
Việt Nam tích cực hoàn thiện các dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Luật về Hội

Ngày 4/11, tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình bày tỏ vui mừng, phấn khởi về mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN