Phó Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn, đại diện các đơn vị làm công tác phối hợp biên dịch, Công ty Phát hành báo chí Trung ương, Trưởng đại diện các cơ quan thường trú TTXVN tại 16 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc từ Nghệ An trở ra tham dự Hội nghị.
Với chủ đề “Nâng cao hiệu quả thông tin, biên dịch Báo ảnh Dân tộc và Miền núi song ngữ Việt-Mông và Việt-Tày”, hội nghị là cơ hội để đánh giá lại công tác thông tin, tuyên truyền dành cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Tày nói riêng ở khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng thời xác định những việc cần làm trong thời gian tới.
Truyền tải chủ trương, chính sách pháp luật tới đồng bào các dân tộc thiểu số
Khai mạc Hội nghị, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, đánh giá cao vai trò của TTXVN nói chung, Cơ quan thường trú TTXVN tại tỉnh Bắc Kạn nói riêng đã thông tin kịp thời, chính xác, chuẩn mực về mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Nhấn mạnh hai ấn phẩm song ngữ Báo ảnh Dân tộc và Miền núi Việt-Tày và Việt-Mông của TTXVN rất hữu ích với cán bộ và đồng bào dân tộc, đặc biệt là đồng bào các dân tộc Tày, Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Duy Hưng khẳng định, những ấn phẩm này đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nâng cao dân trí, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu; giữ gìn chữ viết, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc Tày, Mông trên địa bàn.
Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo ảnh Dân tộc và Miền núi Trần Thị Khánh Vân cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác thông tin đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm ấn phẩm song ngữ đầu tiên là: Việt-Khmer, Việt-Chăm, Việt-Bahnar, Việt-Jrai, Việt-Ê đê, đến nay Báo ảnh Dân tộc và Miền núi đã lần lượt xuất bản thêm sáu song ngữ, nâng tổng số ấn phẩm song ngữ lên 11 bao gồm: Việt-Khmer, Việt-Bahnar, Việt-Jrai, Việt-Ê đê, Việt-Chăm, Việt-Mông, Việt-K’ho, Việt-M’nông, Việt-Tày, Việt-Xê đăng, Việt-Cơ tu. Tổng số lượng phát hành của 11 ấn phẩm này là 68.000 cuốn mỗi tháng. Từ tháng 10 năm 2019, tòa soạn sẽ xuất bản thêm song ngữ Việt-Hoa, nâng tổng số ấn phẩm lên 12 ấn phẩm song ngữ.
Tại khu vực phía Bắc, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi đang phát hành hai song ngữ Việt-Mông (xuất bản từ tháng 4/2013) và Việt-Tày (xuất bản từ tháng 1/2015) với số lượng 25.000 cuốn/tháng.
Phó Tổng Biên tập phụ trách Trần Thị Khánh Vân cho biết, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi là ấn phẩm chuyên biệt duy nhất trong cả nước thông tin về vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dưới dạng báo ảnh và bằng chính ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số được Nhà nước công nhận. Với lợi thế xuất bản song ngữ, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi đã nhanh chóng có sức lan tỏa, phục vụ hiệu quả nhu cầu thông tin không chỉ cho cộng đồng các dân tộc thiểu số mà còn cho cả các địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...
Cùng với việc xuất bản báo in hàng tháng, từ tháng 3/2015 đến nay, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi ra mắt Trang thông tin điện tử tổng hợp đa ngữ bằng tiếng Việt, tiếng Khmer, tiếng Hoa, thu hút một lượng lớn độc giả trong và ngoài nước truy cập.
Triển khai hiệu quả nhiệm vụ thông tin về miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhấn mạnh TTXVN với vai trò là cơ quan thông tin chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước đã và đang thực hiện chức năng thông tấn Nhà nước, triển khai có hiệu quả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số dưới nhiều loại hình thông tin, Phó Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang nêu rõ: TTXVN tự hào là cơ quan báo chí đi đầu trong tuyên truyền bằng chính tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang cho biết: Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, mạng xã hội cùng những thông tin không được kiểm chứng đang lan tràn, với vai trò là cơ quan báo chí chính thống của Nhà nước, thông qua các ấn phẩm của mình, TTXVN đang nỗ lực tuyên truyền chính sách đại đoàn kết dân tộc, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số nhận thức đúng quan điểm, đường lối chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề dân tộc, tôn giáo, qua đó tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việc phát hành các ấn phẩm song ngữ đã được TTXVN chỉ đạo và nghiên cứu sát với từng nhóm đối tượng. Nội dung và hình thức các ấn phẩm được xây dựng, thiết kế phù hợp với đồng bào các dân tộc thiểu số, có tính đến các yếu tố vùng miền, địa bàn cư trú và trình độ phát triển. Với đặc thù như trên, phương thức chuyển tải phải ấn tượng, hình ảnh phải sinh động, nội dung phải ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu và dễ làm theo; thiết kế nội dung và hình thức của mỗi ấn phẩm song ngữ có tính đến bản sắc riêng, phù hợp với từng nhóm đối tượng độc giả.
Phó Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang nêu rõ, bên cạnh việc tăng cường thông tin mang tính định hướng, ấn phẩm Báo ảnh Dân tộc và Miền núi đang đóng vai trò là kênh thông tin quan trọng, cung cấp nhiều thông tin về kinh tế, xã hội, quảng bá cho các nét đặc sắc về sinh hoạt, văn hóa, phong tục của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Việc xuất bản Báo ảnh Dân tộc và Miền núi còn được đánh giá cao trong việc hỗ trợ công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của cộng đồng các dân tộc thiểu số theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Phó Tổng Giám đốc TTXVN nhấn mạnh: Để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ này, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tòa soạn Báo ảnh Dân tộc và Miền núi, sự hỗ trợ từ hệ thống các Ban Biên tập, các Cơ quan Thường trú của TTXVN tại các địa phương thì còn có sự chỉ đạo sát sao, sự hợp tác và hỗ trợ rất hiệu quả của các ban, ngành địa phương đối với việc xuất bản và phát hành các ấn phẩm của TTXVN nói chung và ấn phẩm Báo ảnh Dân tộc và Miền núi song ngữ Việt-Mông và Việt-Tày nói riêng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi về cơ chế phối hợp thông tin; việc tăng cường thông tin bằng hình ảnh, sự phối hợp giữa các Cơ quan Thường trú TTXVN, giữa địa phương với Tòa soạn Báo ảnh Dân tộc và Miền núi để có những chủ đề thông tin riêng, theo đặt hàng của tòa soạn; nâng cao hơn nữa công tác biên dịch hai song ngữ Việt – Mông và Việt - Tày; về công tác phát hành...
Tại hội nghị, nhiều ý kiến hay về việc xây dựng, nâng cao chất lượng của Báo ảnh Dân tộc và Miền núi trong thời gian tới đã được các đại biểu đề xuất. Ông Liêu Văn Bẩy, Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Kạn, cho rằng ngôn ngữ Tày, Mông không đồng nhất ở các vùng miền, mỗi nơi lại có những ngữ mang nghĩa khác nhau vì thế tòa soạn cần chú trọng, quan tâm hơn nữa về công tác biên tập để đảm bảo chất lượng biên dịch ngôn ngữ dân tộc.
Ông Đặng Thái Thuần, Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Lạng Sơn, cho biết: Các ấn phẩm của Báo ảnh Dân tộc và Miền núi rất được đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương thích và tìm đọc. Người dân tộc rất thích xem ảnh, vì thế trong thời gian tới tòa soạn cần tập trung làm các chuyên đề ảnh, đầu tư để có chất lượng, nội dung phong phú hơn.
Ông Sùng A Hồng, cán bộ biên dịch ngôn ngữ Mông của Báo ảnh Dân tộc và Miền núi, cho rằng các sản phẩm báo ảnh nên hạn chế sử dụng thuật ngữ chuyên ngành, nếu có cần phải giải thích rõ ràng để đồng bào dễ hiểu.