Tiếp tục lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo

Ngày 9/3, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) đã tổ chức hội thảo “Đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”.


Các đại biểu, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, cụ thể vào các mục: Lời nói đầu, chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương, các quy định về an ninh quốc phòng, về xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường, các quy định về sở hữu đất đai, dân tộc, tôn giáo trong Hiến pháp.


Qua thảo luận, hầu hết các đại biểu nhất trí việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là rất cần thiết để phù hợp với tình hình đất nước và xu thế phát triển trên thế giới. Các điều khoản trong bản Dự thảo đã giải quyết được một số vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, một số điều khoản cần được làm rõ hoặc cân nhắc kỹ hơn về cách viết, cách diễn giải để bản Hiến pháp được chặt chẽ và khoa học hơn.


Đóng góp vào chương I về chế độ chính trị, PGS.TS Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng với vai trò làm nền tảng cho các quy định ở các chương tiếp theo của Hiến pháp, có vị trí xuyên suốt, chi phối toàn bộ bản Hiến pháp, bởi vậy không nên lấy tên là “Chế độ chính trị” mà cần sửa thành “Những nguyên tắc chung” hoặc “Những quy định chung”. Ngoài ra, cần bổ sung một điều nói về mục đích, vai trò và giá trị của Hiến pháp, phương thức thực hiện, hiệu lực của Hiến pháp và trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước trong việc thực hiện Hiến pháp.


Đề cập đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong dự thảo Hiến pháp, các đại biểu đều nhất trí việc nội dung này được chuyển từ chương V lên chương II là hết sức hợp lý, thể hiện được kết cấu logic của một bản Hiến pháp dân chủ và tiến bộ, đồng thời thể hiện sự tôn trọng và đánh giá cao các giá trị của quyền con người.


Ths Nguyễn Linh Giang, Viện Nhà nước và Pháp luật nêu ý kiến: Chương II đã thể hiện được gần như toàn bộ các quyền cơ bản và phổ biến của con người đã được ghi nhận trong các bản Tuyên ngôn, Hiến pháp, Công ước quốc tế về quyền con người trên thế giới. Tuy nhiên, Dự thảo vẫn thiếu một số quyền dành cho một số đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người khuyết tật...


Đối với các quy định về an ninh, quốc phòng, TS Đặng Xuân Thanh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á cho rằng, nhìn chung, các quy định về quốc phòng, an ninh trong Dự thảo Hiến pháp về tổng thể đã được trình bày lại dưới dạng nguyên tắc, những định nghĩa súc tích, có tính khái quát và tính pháp lý cao. Vai trò, trách nhiệm pháp lý của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trong việc đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia được quy định rõ ràng hơn. Tuy vậy, vẫn còn một số nội dung cần được chỉnh sửa bổ sung như: Nên thay từ “sự nghiệp” ở câu đầu của điều 69 bằng từ “nghĩa vụ” vì từ “sự nghiệp” có nghĩa là “những công việc to lớn có lợi ích chung và lâu dài cho toàn xã hội” để hướng tới, có thể hoàn thành cũng có thể không hoàn thành, hạn chế tính pháp lý cao trong quy định Hiến pháp; còn thiếu nhất quán trong sử dụng khái niệm: Bảo vệ tổ quốc, quốc phòng và bảo vệ an ninh quốc gia...


* Sau gần 3 tháng lấy tham vấn tại 13 tỉnh, thành, ngày 9/3, tại Hà Nội, 7 nhóm xã hội (người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người có HIV, lao động di cư, thanh niên, phụ nữ, người đồng tính) đã tổ chức hội thảo “Chia sẻ kết quả lấy ý kiến 7 nhóm xã hội đóng góp cho dự thảo Hiến pháp sửa đổi 1992” .


Khởi động từ cuối tháng 12/2012, các nhóm xã hội đã tổ chức 42 cuộc tham vấn với gần 1.000 người tham gia. Chương trình tham vấn đã tạo ra một diễn đàn để người dân thuộc các nhóm xã hội khác nhau tiếp cận với dự thảo Hiến pháp sửa đổi và pháp luật, tìm hiểu các quyền con người và tham gia các cuộc thảo luận chung của xã hội. Đại diện của 7 nhóm xã hội kiến nghị điều chỉnh, bổ sung một vấn đề trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 như: Lời nói đầu ngắn gọn hơn và điều 2 (quyền lực nhà nước); các vấn đề liên quan đến quyền bình đẳng và không phân biệt đối xử; liên quan đến nghĩa vụ của Nhà nước và nghĩa vụ của công dân; về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa...


Tiếp nhận những đóng góp, nguyện vọng của 7 nhóm xã hội này, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho rằng: Việc tổ chức lấy ý kiến của các nhóm xã hội cho thấy dự thảo Hiến pháp sửa đổi 1992 được nhiều thành phần xã hội quan tâm, nhất là nhóm xã hội “yếu thế” như: HIV, di cư, đồng tính, người khuyết tật, dân tộc thiểu số. Những góp ý, bổ sung của 7 nhóm xã hội cho thấy sự tâm huyết của họ với việc sửa đổi Hiến pháp 1992.


Ngày 10/3, Hội Liên hiệp thanh niên các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều ý kiến quan trọng; trong đó đặc biệt góp ý nên giữ lại Điều 66 của Hiến pháp năm 1992 quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên và thế hệ trẻ nhằm phát huy sức mạnh của thanh niên, thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Tại hội nghị, Bí thư thường trực TƯ Đoàn - Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam Phan Văn Mãi ghi nhận những ý kiến của các đại biểu, đồng thời yêu cầu các cán bộ Hội cần phát huy vai trò sáng tạo, đổi mới cách tiếp cận với các đối tượng thanh niên. Trong đó, đặc biệt chú trọng tập hợp, đoàn kết những đối tượng thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tôn giáo… Tiếp đó, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam còn tổ chức gặp mặt, giao lưu, tọa đàm với hơn 60 đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của thanh niên nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp đến với cơ sở đoàn ở các thôn, buôn, trường học có đồng bào dân tộc thiểu số.


TTN - Xuân Minh - Quỳnh Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN