Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị.
Trình bày Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác trường chính trị, trường bộ, ngành năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện cho biết, công tác trường chính trị là nhiệm vụ quan trọng mà Trung ương Đảng giao cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện, góp phần đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở đủ phẩm chất và năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.
Kết quả nổi bật trong công tác trường chính trị năm 2022 là triển khai có hiệu quả nhiều hoạt động thúc đẩy xây dựng trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn.
Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/ĐU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy Học viện trong triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW. Nghị quyết được triển khai tới 63 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Triển khai Nghị quyết này, Giám đốc Học viện ban hành Kế hoạch số 1247-KH/HVCTQG và tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường chính trị chuẩn” giai đoạn 2022-2025 nhằm tạo sự lan tỏa và thúc đẩy các trường chính trị sớm đạt chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW.
Năm 2022, các trường chính trị, trường bộ, ngành đã nỗ lực, tiếp tục đổi mới đồng bộ các khâu, từ công tác tuyển sinh, mở lớp, quản lý học viên, thực hiện nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đến tổ chức giảng dạy, thực hiện tốt việc đa dạng hóa các loại hình bồi dưỡng. Các trường chính trị đã tổ chức tổng số 5.002 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 390.570 học viên (tăng 171,5% số lớp và tăng 182% số học viên so với năm 2021).
Công tác đào tạo, bồi dưỡng của các trường chính trị, trường bộ, ngành đã góp phần quan trọng củng cố lập trường, bản lĩnh chính trị, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn của từng địa phương, bộ, ngành.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của các trường chính trị cấp tỉnh có chuyển biển mạnh mẽ, bám sát nhiệm vụ chính trị, tập trung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đang đặt ra. Các trường chính trị cử hàng trăm lượt cán bộ, giảng viên đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị.
Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhiều trường đã tổ chức nghiên cứu, tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong công tác đào tạo; tích cực tham gia cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 2.
Tại Hội nghị, đại diện các trường chính trị, trường bộ, ngành đã nêu lên những kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở, nghiên cứu khoa học.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng biểu dương những kết quả đạt được trong năm 2022 của các trường chính trị, trường bộ, ngành.
Nhấn mạnh năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng các cấp, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các tỉnh, thành ủy, các trường chính trị, trường bộ, ngành nhận thức và triển khai đầy đủ Quy định số 11-QĐ/TW để góp phần đưa hoạt động của các trường chính trị đi vào nền nếp, chất lượng, qua đó xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có đủ phẩm chất chính trị, năng lực ngang tầm nhiệm vụ.
Lưu ý còn 22 địa phương chưa ban hành đề án trường chính trị chuẩn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị các tỉnh, thành ủy quan tâm thực hiện, cụ thể hóa Quy định số 11-QĐ/TW; rà soát các tiêu chí để khắc phục những tiêu chí chưa đạt được; đồng thời hoàn thiện các quy chế đảm bảo kỷ cương, kỷ luật, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập ở các trường chính trị.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu các trường chính trị quan tâm, chú ý đến việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các cán bộ cơ sở phù hợp với thực tiễn địa phương; nghiên cứu khoa học bám sát thực tiễn thông qua phối hợp với các địa phương, cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động sinh hoạt khoa học làm rõ lý luận, thực tiễn phục vụ cho công tác giảng dạy, tham mưu, tư vấn chính sách. Xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, chất lượng, có khả năng đảm nhận các nhiệm vụ được giao; tham gia tích cực hơn nữa và làm nòng cốt trong công tác đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.