Chiến thắng đó là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh, tính sáng tạo và độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chủ động, sáng tạo của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, trực tiếp là Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch, thể hiện tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm của quân và dân ta. 70 năm đã trôi qua song “tinh thần Điện Biên Phủ” vẫn ngời sáng, làm thức dậy trong mỗi con người Việt Nam lòng tự hào, niềm tin và trách nhiệm với vận mệnh Tổ quốc.
Nhân dịp chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã trả lời phỏng vấn TTXVN về các nội dung xoay quanh sự kiện này.
Thưa Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, ông đánh giá như thế nào về tầm vóc, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay?
Cách đây 70 năm, quân và dân ta đã tiến hành Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”, là ngọn cờ cổ vũ các dân tộc thuộc địa trên thế giới đấu tranh giành độc lập, tự do. Đó là thắng lợi của sức mạnh “toàn dân đánh giặc” dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Dù thời gian đã lùi xa bảy thập niên, nhưng tầm vóc, ý nghĩa và những bài học đúc rút từ sự kiện lịch sử trọng đại này vẫn còn nguyên giá trị, là nguồn cổ vũ to lớn cho toàn thể nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là những bài học về đường lối kháng chiến; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế; về xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang; về khoa học nghệ thuật quân sự; công tác chính trị - tư tưởng, công tác tham mưu, hậu cần, thông tin liên lạc; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, giữa hậu phương và tiền tuyến, giữa vùng tự do và vùng địch tạm chiếm....
Xin Thượng tướng cho biết Bộ Quốc phòng đã có sự chuẩn bị như thế nào cho sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ?
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn 3 năm 2023 - 2025, với tinh thần, trách nhiệm chính trị cao nhất, Bộ Quốc phòng đã chủ động phối hợp với tỉnh Điện Biên và các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ được giao với chất lượng cao nhất. Trong đó, nổi bật là chủ trì phối hợp với Bộ Công an và tỉnh Điện Biên tích cực chức lực lượng luyện tập phục vụ lễ diễu binh diễu hành kỷ niệm; lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thi đua, văn hóa, thể thao với nhiều hình thức phong phú, sâu rộng trong toàn quân và trên địa bàn đóng quân. Đồng thời, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức sâu rộng các hoạt động sinh hoạt chính trị, giao lưu, tọa đàm, hội thảo khoa học.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên Giáo Trung ương, Bộ Công an, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Điện Biên tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề: “Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” vào ngày 11/4/2024 tại thành phố Điện Biên Phủ.
Bên cạnh đó, với tinh thần hướng về Điện Biên, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức sâu rộng các hoạt động dân vận, chính sách, đền ơn đáp nghĩa. Trong đó, Bộ Quốc phòng đã hỗ trợ xây dựng Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Điện Biên tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên; hỗ trợ xây dựng 200 căn “Nhà đại đoàn kết”, gần 100 “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”, “Nhà sinh hoạt cộng đồng”, với tổng giá trị hơn 100 tỉ đồng; phối hợp với Trung ương hội Cựu chiến binh Việt Nam chuẩn bị chu đáo tổ chức buổi gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại diện cựu chiến binh, thanh niên xung phong tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Hà Nội; phối hợp với Bộ Công an triển khai công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho các hoạt động kỷ niệm.
Tin tưởng rằng, với trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chúng ta sẽ tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm.
Những thông điệp lớn mà Bộ Quốc phòng muốn truyền tải nhân sự kiện vô cùng ý nghĩa này là gì, thưa Thượng tướng?
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong đấu tranh cách mạng chống xâm lược, giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Điều gì đưa chúng ta đến thắng lợi trong chiến tranh cách mạng cũng nhất định đưa chúng ta đến thành công trong hòa bình, xây dựng và phát triển. Do đó, thông điệp đầu tiên và cũng là thông điệp lớn nhất Bộ Quốc phòng muốn truyền tải nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đó là sự tin tưởng vững chắc vào đường lối cách mạng, đường lối xây dựng và phát triển đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
Hai là, luôn nêu cao tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”.
Ba là, luôn có tinh thần, ý chí quyết tâm cao, khát vọng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có niềm tin vào nhân dân, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam và nghệ thuật quân sự Việt Nam để cống hiến vì một Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
Bốn là, luôn nêu cao tinh thần quốc tế cao cả, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trân trọng cảm ơn Thượng tướng!