Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị. Đại diện một số bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội dự Hội nghị.
Đề nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách
Báo cáo kết quả phối hợp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, trên cơ sở hỗ trợ, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thành phố đã ban hành các kế hoạch thực hiện nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Chỉ số PCI của Hà Nội tăng bậc liên tiếp, năm 2019 nằm trong top 10 tỉnh, thành phố cao nhất nước, xếp thứ 9/63, tăng 15 bậc so với năm 2015.
Thực hiện Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Từ năm 2018, có 100% doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng, số doanh nghiệp được thành lập mới năm sau cao hơn năm trước từ 5-10%. Trong 8 tháng năm 2020, có 17.791 doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký 241,7 nghìn tỷ đồng.
Tại Hội nghị, đại diện các sở, ngành đã báo cáo về việc quy hoạch phân khu nội đô, xây dựng các tuyến đường vành đai kết nối vùng, liên vùng, công trình kết nối tuyến đường trên cao từ Mai Dịch lên cầu Thăng Long, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ… Thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành quan tâm tham mưu, báo cáo Chính phủ, Quốc hội tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách lên trên mức 35% để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, đáp ứng trách nhiệm, yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế Thủ đô.
Định hướng công tác phối hợp trong thời gian tới, Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, hỗ trợ thành lập Mạng lưới sáng kiến Thủ đô; triển khai hiệu quả các hoạt động nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực, ươm tạo công nghệ, tạo hệ sinh thái cho các start-up; hỗ trợ về kinh nghiệm và chuyên môn để thành phố hình thành Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội.
Nêu vướng mắc của thành phố, Bí thư Vương Đình Huệ cho hay, phía Đông, Bắc, Tây của thành phố đều phát triển mạnh, riêng phía Nam vẫn là vùng trũng về cơ sở hạ tầng kết nối và suất đầu tư kém. Huyện Thường Tín - cửa ngõ phía Nam nhưng tỷ lệ đô thị hóa chỉ 36%, khu công nghiệp ở Thanh Trì, Thường Tín không cạnh tranh được với khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam).
Theo ông, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được đầu tư rất đẹp nhưng mới chỉ là một tuyến đường giao thông, chưa phải là trục phát triển. Muốn trở thành trục phát triển, phải có đường gom mới có quỹ đất để phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng. Để giải quyết yêu cầu phát triển, Hà Nội muốn làm đường gom dọc cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, hoặc đường 1A phần chạy qua thành phố. Ông mong các bộ cho ý kiến về quy hoạch và quản lý quy hoạch của tuyến đường.
Thúc đẩy phát triển liên kết vùng
Đại diện các bộ, ngành đã giải đáp một số đề xuất, kiến nghị của thành phố. Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông, Hà Nội cần xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Việc bố trí nguồn lực cho thành phố sẽ được thực hiện theo Luật Thủ đô.
Về tỷ lệ điều tiết ngân sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, năm 2021, Chính phủ báo cáo Quốc hội vẫn duy trì ổn định tỷ lệ điều tiết như thời kỳ trước, nhưng sau năm 2021 (giai đoạn 2022 - 2025), phải xác định lại tỷ lệ điều tiết. Ông đề nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo các cơ quan tài chính trên địa bàn đôn đốc thu ngân sách cao nhất có thể, trên cơ sở đó có quy mô thu ngân sách lớn hơn, từ đó xác định phần thu ngân sách địa phương được hưởng và tỷ lệ điều tiết phù hợp.
Đánh giá cao sáng kiến của Thành ủy tổ chức Hội nghị để kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc, triển khai ngay, nhanh, hiệu quả và đúng các quy định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, 40 năm nay, đây là lần đầu tiên có cuộc làm việc như vậy.
“Hà Nội đối với các cơ quan Trung ương từ xưa đến nay rất xa cách, anh em chúng tôi ít có tinh thần ủng hộ Hà Nội, Hà Nội cũng có tinh thần ít cần Trung ương, nên có khoảng cách. Nhưng thời gian gần đây, tôi thấy có sự gắn bó rất tốt. Cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư rất chủ động phối hợp với các đơn vị của chúng tôi để tham mưu cho Thành ủy, UBND, HĐND xử lý các vướng mắc liên quan”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ; nhận định cách làm này cần phát huy trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá cao những kết quả nổi bật của thành phố trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời chỉ ra một số tồn tại như chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế, cơ hội, chưa tạo ra cú hích để mang đến bước đột phá. Thành phố chưa có nhiều sản phẩm chủ lực, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chưa cao; chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, có tính chất dẫn dắt…
Theo ông, thành phố cần lập ban chỉ đạo, thuê các chuyên gia tư vấn nước ngoài để xây dựng quy hoạch, chủ động, đổi mới tư duy, có tầm nhìn chiến lược, có giải pháp tận dụng và phát huy hết các tiềm năng. Trong quy hoạch, cần lưu ý xác định Hà Nội là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, là thị trường tiêu thụ cung cấp các dịch vụ hậu cần, làm bệ đỡ cho vùng trung du miền núi phía Bắc. Như vậy, cần tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng sớm, hiện đại.
Tâm đắc với ý kiến của Bí thư Thành ủy Hà Nội về việc xây dựng các tuyến giao thông mới không chỉ là tuyến giao thông thông thường từ vùng này đến vùng khác, mà phải là hành lang kinh tế, trục động lực tăng trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sắp tới sẽ thực hiện theo hướng này.
Khẳng định, Hà Nội đủ điều kiện để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo tại khu công nghệ cao Hòa Lạc. Trung tâm này thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhưng nằm trên địa bàn Hà Nội, nên phải xác định là của Hà Nội, cho Hà Nội, phục vụ Hà Nội, ông đề nghị thành phố tạo điều kiện để sớm thực hiện dự án này.
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, Hội nghị là dịp để lãnh đạo thành phố, các sở, ngành tổng hợp, rà soát lại các việc lớn để tiếp tục thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Nêu rõ, quy hoạch thành phố giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 là việc đại sự, trách nhiệm thành phố phải làm, song đến nay, Hà Nội là 1 trong 10 địa phương chưa được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, Bí thư Vương Đình Huệ đề nghị lãnh đạo thành phố tổ chức nghiên cứu, lập ban chỉ đạo mời tư vấn trong, ngoài nước, hội nghề nghiệp tham gia, đồng thời mong muốn các bộ, ngành hỗ trợ để sớm triển khai nhiệm vụ quy hoạch này.
Ông mong các bộ tháo gỡ các thể chế, chính sách, cơ chế điều phối vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, đầu tư một số công trình hạ tầng kết nối giao thông liên vùng. Hà Nội sẽ phối hợp với Trung ương để xây dựng các tuyến đường, trong đó có dự án Quốc lộ 6 kết nối tuyến giao thông giữa Hà Nội với Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc, thúc đẩy phát triển liên kết vùng; xây dựng một số cầu kết nối qua sông Hồng (Thượng Cát, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo…).
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu thành phố nghiên cứu tình hình, thành lập ban chỉ đạo thu hút FDI trong tình hình mới, rà soát lại cơ sở hạ tầng sản xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, bám sát tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng để thu hút các dự án FDI. Cùng với đó, thành phố sớm hoàn thành tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, đưa vào khai thác trước đoạn trên cao...
Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND thành phố Hà Nội đã ký kết biên bản ghi nhớ công tác phối hợp trong thời gian tới, tập trung vào các lĩnh vực: công tác quy hoạch; liên kết, phát triển vùng; phối hợp trong thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…