Theo báo cáo, năm 2019, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng và tăng cường kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm. Bộ ban hành 7 chương trình, kế hoạch; 3 chỉ thị và 5 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các quy định của Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Đảng ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cơ quan kiểm tra 4 tổ chức đảng và giám sát 3 tổ chức đảng.
Qua thanh tra nội bộ đã yêu cầu xuất toán, thu hồi và giảm trừ khi thanh, quyết toán với tổng số tiền gần 300 triệu đồng... Ban hành các văn bản chỉ đạo chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác xây dựng, ban hành, tham mưu ban hành nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng; thường xuyên rà soát để kịp thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, nhất là cơ chế, chính sách để “lấp” các “lỗ hổng” về pháp lý có nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực về quản lý đầu tư công, quản lý đấu thầu, quản lý đầu tư và doanh nghiệp…
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, tập trung vào những vấn đề bức xúc, dư luận xã hội quan tâm, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm, tiêu cực, đồng thời xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có sai phạm, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng.
Bộ đã thực hiện 350 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, qua đó đã chỉ ra một số sai sót, hạn chế trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án sử dụng vốn đầu tư công; bố trí và giải ngân vốn đầu tư công; việc triển khai thực hiện dự án đầu tư; việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu…, yêu cầu xuất toán, thu hồi, giảm trừ khi thanh, quyết toán và xử lý về kinh tế với tổng số tiền gần 179 tỷ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới công nghệ quản lý. Cụ thể, Bộ đã công bố các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết nhằm công khai, minh bạch trong hoạt động; ban hành Chương trình hành động nâng cao chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của Bộ; triển khai vận hành hệ thống cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài trực tuyến; thực hiện chỉ đạo, điều hành công việc thông qua Hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc, sử dụng chữ ký điện tử...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn một số hạn chế, như: Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp; quy định pháp luật trên một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn bất cập, thiếu đồng bộ, khả thi; công tác tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng trong nội bộ còn chưa thường xuyên, kịp thời...
Kết luận cuộc làm việc, đồng chí Phan Đình Trạc nêu rõ thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Đoàn công tác đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tiến hành việc kiểm tra, đôn đốc theo chương trình thường kỳ.
Đồng chí Phan Đình Trạc đánh giá cao Ban cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng cả trong nội bộ và trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Lãnh đạo Bộ đã quan tâm chỉ đạo xây dựng nhiều văn bản để triển khai các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt xây dựng, ban hành và tham mưu Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều văn bản thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng... Theo đồng chí Phan Đình Trạc, đây là nội dung trọng tâm nhất, hao tiền tốn của nhất, vất vả nhất, đụng chạm nhất, khó nhất...
Đồng chí Phan Đình Trạc đề nghị Ban cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng nhất là Kết luận 10-KL/TW của Bộ Chính trị, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật Tố cáo...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ để phòng, chống tham nhũng, hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Lãnh đạo Bộ đẩy mạnh và quan tâm hơn nữa chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; tập trung thanh tra vào các lĩnh vực, nội dung có nhiều thông tin dư luận và nguy cơ tham nhũng cao như đấu thầu, quản lý đầu tư công...
Bộ tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp (“tham nhũng vặt”) trong giải quyết công việc thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc Bộ; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, đẩy nhanh tiến độ giám định, phục vụ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là đối với các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.