Đặc biệt, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, báo chí không chỉ phản ánh nhanh nhạy, khách quan, chân thực về tình hình dịch bệnh mà còn chung tay cùng Chính phủ, bộ, ngành, địa phương và nhân dân tham gia các đợt quyên góp để ủng hộ trang thiết bị y tế, thuốc men, khẩu trang... cho cơ sở y tế tuyến đầu nơi tâm dịch.
Đổi mới công tác thông tin đối ngoại
Chia sẻ những điểm mới được thể hiện trên một số mặt công tác thông tin đối ngoại, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) Vũ Việt Trang nhấn mạnh, những kết quả của thông tin đối ngoại, đặc biệt trong các tuyến thông tin tuyên truyền về các sự kiện trọng đại của đất nước thời gian qua, cho thấy rõ sự đổi mới về cách thức định hướng, phân công nhiệm vụ và tổ chức thực hiện theo hướng kịp thời, nhanh nhạy, linh động, sáng tạo đã mang lại hiệu quả cao, góp phần tích cực vào thành công chung của công tác đối ngoại của đất nước.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc… là những tuyến thông tin trọng điểm xuyên suốt trong năm 2021. Trên cơ sở hướng dẫn tuyên truyền chi tiết, cụ thể của Ban Tuyên giáo Trung ương, TTXVN đã chủ động, kịp thời xây dựng các kịch bản thông tin với nhiều điểm mới cả về hình thức lẫn nội dung. TTXVN mạnh dạn áp dụng mô hình mới, xây dựng các cơ sở dữ liệu cho các tuyến tin trọng điểm, mở các trang thông tin chuyên biệt về Đại hội Đảng XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026… Thông tin được thực hiện bằng các loại hình: Văn bản, ảnh, truyền hình, đồ hoạ và bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, đồng thời, người dùng có thể tiếp cận hệ thống dữ liệu, tư liệu quý của TTXVN.
Về tuyến tin phòng, chống dịch COVID-19, Tổng Giám đốc Vũ Việt Trang cho biết, cơ quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí chủ lực trong công tác tổ chức thông tin. Các sản phẩm thông tin của TTXVN được đăng phát trên nhiều nền tảng, mang đến cho bạn đọc là người nước ngoài bức tranh toàn cảnh về công tác chống dịch của Việt Nam.
Bên cạnh đó, TTXVN đã mở chuyên mục Việt Nam và Hội đồng Bảo an tại địa chỉ http://hdba.vnanet.vn, cập nhật thông tin bằng các loại hình về hoạt động của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, góp phần khẳng định Việt Nam là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Trong năm 2021, TTXVN đã thông tin đa dạng bằng nhiều hình thức những nét đặc sắc của thiên nhiên, con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam, những thành tựu của công cuộc đổi mới, tiềm năng và hiệu quả hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các đối tác.
Việc tổ chức thông tin chặt chẽ với những chỉ đạo và định hướng thống nhất, các kế hoạch thông tin được xây dựng cụ thể, chi tiết đã giúp các tuyến thông tin nói chung và thông tin đối ngoại nói riêng đạt mục đích, yêu cầu đề ra, tuyên truyền sâu sắc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; góp phần định hướng tư tưởng, tạo hiệu ứng tích cực, kịp thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm chống phá và gây bất ổn xã hội- Tổng Giám đốc Vũ Việt Trang cho biết.
Theo đó, sự gắn kết và phối hợp là một trong những nét mới điển hình trong công tác tổ chức thông tin đối ngoại thời gian qua. Phát huy thế mạnh và đặc thù thông tin của các cơ quan báo chí, nhiều tuyến thông tin lớn đã được triển khai đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền đối ngoại: Các bài viết, phát biểu chỉ đạo quan trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã được đăng tải, biên dịch thành nhiều ngữ, các cơ quan báo chí đã thực hiện có trách nhiệm, kịp thời tuyên truyền, phổ biến đến người dân trong và ngoài nước về các chủ trương, chính sách, quan điểm của Việt Nam trong các vấn đề về xây dựng và bảo vệ đất nước.
Bằng việc thiết lập các trang thông tin chuyên biệt, TTXVN đã phát huy vai trò của cơ quan thông tin đối ngoại chủ lực quốc gia, ứng dụng công nghệ truyền thông hiện đại để đổi mới phương thức thông tin, cung cấp thông tin chính thống nhanh chóng, chính xác và đa dạng tới công chúng trong và ngoài nước bằng nhiều ngôn ngữ. Với ba sản phẩm báo chí đối ngoại mang tầm vóc quốc gia là Báo Ảnh Việt Nam đa ngôn ngữ, nhật báo tiếng Anh Việt Nam News và báo điện tử đối ngoại chính thống Vietnam Plus, cùng đội ngũ phóng viên, biên tập viên làm thông tin đối ngoại tại các ban tin nguồn, các tòa soạn và các cơ quan thường trú ngoài nước, thông tin đối ngoại của TTXVN được thực hiện bằng 10 ngữ và được đăng phát trên các nền tảng khác nhau. Mạng lưới hơn 40 cơ quan truyền thông quốc tế đối tác là kênh hữu hiệu để truyền tải thông tin đối ngoại của TTXVN ra thế giới.
TTXVN đã chủ động triển khai hoạt động thông tin đối ngoại bằng nhiều phương thức khác nhau, trong đó, việc tổ chức trưng bày, triển lãm ảnh là một trong những hoạt động thông tin đối ngoại mang lại hiệu quả cao với những hình ảnh tiêu biểu nhất về những dấu mốc quan trọng của sự kiện.
Nhận định công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại của TTXVN càng cần có những đổi mới sâu sắc, Tổng Giám đốc TTXVN cho rằng cần tập trung nâng cao chất lượng cả hai chiều thông tin đối ngoại: Thông tin về tình hình trong nước ra nước ngoài và thông tin về tình hình thế giới, khu vực phục vụ công chúng ở trong nước. Nội dung thông tin bao trùm những nhiệm vụ chính trị lớn về tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế, phục vụ mục tiêu tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, thông tin đối ngoại sẽ cần tranh thủ các phương tiện truyền thông đại chúng, tiếp cận nhanh nhất và đến được với nhiều công chúng nhất để có thể chiếm lĩnh chủ quyền trên không gian mạng, kịp thời đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng trong và ngoài nước.
Với mạng lưới phóng viên thường trú rộng khắp tại các nước, am hiểu địa bàn, TTXVN đẩy mạnh khai thác dư luận quốc tế, phản ánh ý kiến khách quan của cộng đồng quốc tế đánh giá về các lĩnh vực hoạt động của Việt Nam, tranh thủ nguồn ngoại lực cho củng cố vị thế và phát triển đất nước; làm tốt công tác thông tin đối ngoại tại các địa bàn ngoài nước.
Đồng thời, Tổng Giám đốc TTXVN nhấn mạnh việc nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn và kỹ năng tác nghiệp đa năng của đội ngũ những người làm công tác thông tin đối ngoại; nhanh nhạy nắm bắt những xu hướng chuyển dịch của tình hình thế giới để triển khai thông tin đối ngoại phù hợp.
Cùng với đó, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa đến lực lượng làm thông tin đối ngoại để nâng cao tính chuyên nghiệp, bắt kịp với xu thế của báo chí thế giới cũng như dành nguồn lực đãi ngộ thỏa đáng cho lực lượng làm thông tin đối ngoại để đội ngũ này ngày càng trưởng thành và lớn mạnh, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lực lượng tiên phong trong cuộc chiến chống dịch
Năm 2021, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. Do đó, việc đưa tin về dịch bệnh cũng có nhiều thách thức. Nếu như năm trước, việc định hướng thông tin về dịch có thể theo từng tháng, từng tuần, nay phải theo từng ngày. Thực tế đó đòi hỏi tòa soạn cùng đội ngũ phóng viên, biên tập viên phải luôn luôn sẵn sàng cập nhật và linh hoạt trong công tác tuyên truyền. Ngoài việc đảm bảo cung cấp cho khán giả những thông tin chính thống một cách kịp thời nhất, phải thận trọng khi đưa ra bất kỳ nhận định nào về tình hình dịch, kể cả là nhận định của các chuyên gia.
Khi có yêu cầu tăng cường tuyên truyền, ngoài các bản tin hàng ngày, Đài Truyền hình Việt Nam còn được yêu cầu thực hiện gấp các chương trình đặc biệt về các chủ đề chuyên sâu để định hướng dư luận và nâng cao nhận thức trong phòng, chống dịch. Đài Đài Truyền hình Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều phương án tổ chức sản xuất phù hợp trên cơ sở phát huy tối đa năng lực hiện có và tổ chức các kíp sản xuất tăng cường, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương để đảm bảo thông tin cập nhật liên tục, kịp thời, đa dạng và đậm nét về công tác phòng, chống dịch trên hệ thống các kênh truyền hình từ VTV1 đến VTV9 và nền tảng số của VTV.
Đáng chú ý, đối với điểm nóng về dịch trong các tháng qua là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, bên cạnh lực lượng phóng viên của VTV tại chỗ, Đài Truyền hình Việt Nam đã cử các nhóm phóng viên, biên tập viên tác nghiệp dài ngày tại một số tỉnh phía Nam, tại tâm dịch, nơi điều trị các ca F0 nặng... để thực hiện những chương trình đặc biệt với cách tiếp cận chân thật, gần gũi mà có sức tác động và lan tỏa mạnh mẽ.
Công tác tuyên truyền được thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, sinh động, từ các bản tin thời sự, đến các chương trình, chuyên mục định kỳ, chuyên sâu, các clip/trailer cổ động và lồng ghép trong nhiều thể loại chương trình truyền hình khác. Bên cạnh việc tăng cường sản xuất và phát sóng các nội dung phù hợp với mọi đối tượng khán giả, có thể phát sóng liên kênh, Đài Truyền hình Việt Nam cũng triển khai các nội dung tuyên truyền được xác định theo trọng tâm và phù hợp đối tượng khán giả của từng kênh (VTV4, VTV5) để vừa đảm bảo độ rộng, vừa đảm bảo về chiều sâu trong công tác tuyên truyền.
Bám sát chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hàng trăm nghìn tin, bài của Đài Truyền hình Việt Nam đã tuyên truyền nổi bật các mảng nội dung về chủ trương, quan điểm, giải pháp, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết; tạo sự đồng thuận, tạo niềm tin và quyết tâm chiến thắng đại dịch. Đồng thời, Đài Truyền hình Việt Nam đẩy mạnh tuyển truyền phương châm: Lấy xã, phường, thị trấn làm “pháo đài”, người dân là chiến sỹ, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch; chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đài Truyền hình Việt Nam thông tin, tuyên truyền toàn diện, kịp thời, chính xác có chọn lọc, đúng mức, đúng thời điểm về diễn biến tình hình dịch bệnh, tăng cường các chương trình phố biến kiến thức về phòng, chống COVID-19, chú trọng thông điệp “5K + vaccine + xét nghiệm + ý thức người dân” và ứng dụng công nghệ trong phòng chống COVID-19; chiến lược vaccine của Việt Nam; sự chung tay, tham gia tích cực của các lực lượng, các tổ chức chính trị - xã hội, công an, quân đội, người dân cùng chính quyền trong cuộc chiến …
Tính chân thực trong hình ảnh là thế mạnh của truyền hình cũng được phát huy tối đa trong truyền thông về đại dịch. Những hình ảnh được phóng viên ghi lại ngay tại tâm dịch về sự nỗ lực và hy sinh của những lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng như về tác hại của đại dịch đã trở thành những lời cảnh báo mạnh mẽ nhất cho cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức phòng, chống dịch.
Không chỉ làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, các cơ quan báo chí còn chung tay cùng Chính phủ, bộ, ngành, địa phương và nhân dân chống dịch. Cùng với các chủ trương, chương trình phát động lớn của Đảng, Chính phủ, nhiều cơ quan báo chí phát động các đợt quyên góp để ủng hộ trang thiết bị y tế, thuốc men, khẩu trang... cho những cơ sở y tế tuyến đầu; ủng hộ cho các địa phương trong “điểm nóng” tâm dịch; ủng hộ lương thực, thuốc men cho công nhân, người lao động nghèo... Hàng triệu hình ảnh đẹp, ấm áp, nhân văn đã được chính các cơ quan báo chí đăng tải, làm nhân lên, lan tỏa những tấm lòng nhân ái. Trong đợt phòng, chống dịch COVID-19, ngoài tích cực tổ chức các bài viết kêu gọi cộng đồng chung tay phòng, chống dịch, Báo Lao động còn tổ chức quyên góp gạo, đồ dùng, kinh phí hỗ trợ bộ đội biên phòng canh gác đường mòn, lối mở; cùng với Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng kêu gọi ủng hộ các bệnh nhân và nhân viên y tế tại Đà Nẵng.
Đặc biệt, năm 2021, cán bộ, phóng viên, công nhân viên Báo Lao động và Quỹ Tấm lòng Vàng đã tổ chức nhiều chương trình lớn, huy động sự tham gia của cộng đồng, cùng chung tay với Chính phủ, đoàn kết chống dịch. Tổng kinh phí đã huy động được dành cho các hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch (từ 1/1/2021 đến 30/9/2021) là 363,5 tỷ đồng, đã chi 360,7 tỷ đồng. Một số chương trình nổi bật: Chương trình Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo, sau đó được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đổi tên thành “Vaccine cho công nhân” và huy động cả hệ thống Công đoàn tham gia. Tới nay, Quỹ Tấm lòng Vàng đã tiếp nhận hơn 208 tỷ đồng và đã chuyển vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Chính phủ.
Ngoài ra, chương trình “Vì những chiến binh áo trắng”, thu hút hơn 2,35 tỷ đồng. cán bộ, phóng viên Báo Lao Động đã tham gia cùng Quỹ Tấm lòng vàng, chuyển 800 triệu đồng tới Công đoàn Y tế Việt Nam, 500 triệu tới Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang, 700 triệu tới các y bác sỹ tại các bệnh viện Hà Nội chi viện cho miền Nam...
Từ tháng 7/2021, thực hiện chương trình “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, kêu gọi hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm do COVID-19. Chỉ trong 2 tuần kể từ khi phát động, chương trình đã kêu gọi được hơn 4 tỷ đồng (tiền và hàng hóa) hỗ trợ công nhân lao động khó khăn ở các Khu công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ (mỗi tỉnh 1 tỷ đồng); giúp người lao động tự do không có việc làm ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc (hàng hóa và tiền mặt) khoảng 1 tỷ đồng.
Tháng 9/2021, Báo Lao Động phối hợp với Công ty Mobifone, hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”, thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam hỗ trợ 200.500 sim và gói cước ưu đãi (trị giá 100,5 tiỷ đồng) đến học sinh, sinh viên và giáo viên tại các tỉnh bị ảnh hưởng dịch COVID-19 để các em có điều kiện học tập tốt hơn...