Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, Đảng cộng sản cầm quyền và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Trong thời kỳ đổi mới, chủ trương về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt trong các nghị quyết của Đảng và các chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về công tác cán bộ nữ. Nhà nước đã ban hành nhiều luật và chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới.
“Trong những năm qua, công tác cán bộ nữ của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, được quốc tế đánh giá cao. Nhận thức xã hội về bình đẳng giới được nâng lên. Phụ nữ được tôn trọng và bình đẳng hơn, địa vị của người phụ nữ trong xã hội và gia đình ngày càng được cải thiện. Bình đẳng giới của Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà cho biết.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà cũng thẳng thắn nhìn nhận, các chỉ tiêu về cán bộ lãnh đạo nữ mà Đảng và Nhà nước đặt ra vẫn chưa đạt kế hoạch. Điều này đặt ra nhiệm vụ cho các cơ quan trong hệ thống chính trị ở Việt Nam, trong đó có Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong việc nghiên cứu, chỉ ra những nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, từ đó đưa ra các giải pháp chiến lược và thiết thực nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Đánh giá cao sự hợp tác trong thực hiện Dự án nghiên cứu “Cách tiếp cận thể chế nữ quyền cho lãnh đạo nữ ở Việt Nam: Quy trình hỗ trợ phụ nữ Việt Nam trong chính trị và hành chính công”, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Robyn Mudie cho biết, với sự hỗ trợ của Chính phủ Australia, từ tháng 3/2019 đến nay, dự án đã thu được nhiều kết quả từ những nghiên cứu kết hợp dữ liệu của các tài liệu sơ cấp và thứ cấp, tham vấn các nhóm phụ nữ và phỏng vấn phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị Việt Nam tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại sứ Robyn Mudie khẳng định, để đẩy mạnh sự tham gia của nữ giới trong đội ngũ lãnh đạo rất cần những sáng kiến và sự vào cuộc của cả hai giới.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh những thuận lợi sẵn có như sự ủng hộ bình đẳng giới trong lãnh đạo chính trị của Chính phủ Việt Nam thì còn khá nhiều khó khăn, thách thức trong việc thúc đẩy phụ nữ lãnh đạo chính trị.
Giáo sư Louise Chappell (Đại học New South Wales Sydney) cho biết, nghiên cứu này đã phát hiện được một số yếu tố khi kết hợp cùng nhau sẽ làm hạn chế sự tiến triển trong sự nghiệp chính trị của phụ nữ. Các yếu tố này bao gồm các quy tắc chính thức, chẳng hạn như tuổi nghỉ hưu sớm đối với phụ nữ, làm rút ngắn sự nghiệp của phụ nữ cũng như cơ hội được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo.
Theo Tiến sỹ Lương Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới và Lãnh đạo nữ (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), các quy tắc chính thức này giao thoa với các quy tắc không chính thức ở Việt Nam, ví dụ như định kiến giới về phân công lao động trong các gia đình. Đó là áp lực xã hội đặt lên vai người phụ nữ khi cùng một lúc phải thực hiện chu đáo vai trò chăm sóc trẻ em và người cao tuổi trong gia đình nhưng vẫn phải đáp ứng được áp lực công việc tại cơ quan.
Kết quả nghiên cứu “Cách tiếp cận thể chế nữ quyền cho lãnh đạo nữ ở Việt Nam: Quy trình hỗ trợ phụ nữ Việt Nam trong chính trị và hành chính công” cũng đưa ra một số khuyến nghị để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và hỗ trợ quá trình hiện thực hóa đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện các chỉ tiêu bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý. Đó là việc cụ thể hóa hệ thống chỉ tiêu liên thông và khoa học về bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý trong khu vực công với các cơ chế thực thi và trách nhiệm mạnh mẽ hơn đối với các cơ quan hữu quan, cấp ủy Đảng và người đứng đầu tổ chức; tăng cường các biện pháp giám sát thực hiện bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị Việt Nam từ cấp trung ương đến địa phương; đầu tư nghiên cứu, rà soát, đánh giá và hoàn thiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới trong lãnh đạo và quản lý trên nguyên tắc bình đẳng giới thực chất; thực hiện biện pháp hỗ trợ thiết thực để giải quyết các rào cản không chính thức…