Nhận định về chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Australia, Giáo sư Carl Thayer - làm việc tại Học viện Quốc phòng Australia thuộc Đại học New South Wales và là chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam - cho biết đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Australia kể từ khi hai nước mở cửa trở lại sau đại dịch. Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Vương Đình Huệ tới Australia trên cương vị Chủ tịch Quốc hội và có cuộc gặp trực tiếp với tân Chủ tịch Hạ viện Australia.
Trả lời phỏng vấn của TTXVN tại Sydney, Giáo sư Thayer cho biết tháng 5/1990, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo là nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam thăm Australia. Sau hơn 32 năm, giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Australia đã thiết lập quan hệ hữu nghị tốt đẹp, có nhiều cuộc trao đổi phái đoàn và thăm hỏi lẫn nhau. Năm 2018, khi Việt Nam và Australia nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược, một trong những mục tiêu đầu tiên của hai nước là thắt chặt quan hệ chính trị giữa hai nghị viện và các nhà lập pháp hai nước.
Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các cuộc gặp trực tiếp giữa nghị viện và quốc hội hai nước cho đến tận tháng 6/2021. Đến nay, khi các hạn chế phòng dịch đã được dỡ bỏ ở cả hai nước, Giáo sư Thayer cho rằng hai nước đang bước vào một giai đoạn mới của mối quan hệ song phương.
Nhận định về tầm quan trọng của chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Australia, Giáo sư Carl Thayer cho rằng hai bên có thể thảo luận để đưa ra các quyết định hợp tác trong khuôn khổ mối quan hệ Đối tác chiến lược. Hơn nữa, chuyến thăm cũng diễn ra vào thời điểm trước dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước (tháng 2/2023), do đó càng có ý nghĩa quan trọng. Thủ tướng Australia, ông Anthony Albanese đã bày tỏ mong muốn nâng cấp mối quan hệ song phương lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Giáo sư Carl Thayer cho rằng điều này có thể trở thành hiện thực trong dịp kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ vào năm 2023.
Bình luận về các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước, Giáo sư Carl Thayer cho rằng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước được thực thi theo một kế hoạch hành động dự kiến sẽ kết thúc vào năm tới. Do đó, hiện là lúc bắt đầu lên kế hoạch cho năm 2024 và xa hơn nữa. Theo Giáo sư, hai bên có thể đề ra một giai đoạn hợp tác kéo dài 2 hoặc 3 năm, với một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng là làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nghị viện và đẩy mạnh các chuyến thăm lẫn nhau giữa các nhà lập pháp hai nước.
Giáo sư Thayer cho rằng chương trình nghị sự giữa hai nước là cân nhắc xem làm thế nào để thực thi hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được. Hai nước đã có một chiến lược đẩy mạnh can dự kinh tế. Cả 2 đều là thành viên của khuôn khổ Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vì vậy, có rất nhiều vấn đề thương mại then chốt mà hai nước có thể hợp tác như hàng hóa nông sản, giảm bớt thủ tục thuế quan… Hiện giờ, cả hai nước cũng đang tham gia thảo luận về Khuôn khổ Hợp tác Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ khởi xướng. Các nhà lập pháp hai nước cũng sẽ thảo luận và trao đổi ý kiến cũng như thông tin với nhau về việc chống tham nhũng, luật pháp. Những vấn đề hai bên đã xác định là nền kinh tế số, chuyển đổi năng lượng, phi carbon hóa, giáo dục-đào tạo, đặc biệt là tập trung vào y tế công, và biến đổi khí hậu. Hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nữa, nhưng những lĩnh vực nói trên được coi là hàng đầu trong mối quan hệ song phương.
Theo Giáo sư Carl Thayer, trong thời gian tới, các nhà lập pháp của hai nước cần nỗ lực để đưa các thỏa thuận thành luật, đồng thời tìm các biện pháp để giải quyết những vấn đề gai góc, chẳng hạn như nền kinh tế số.