Thúc đẩy Phong trào thanh niên sáng tạo khởi nghiệp, chủ động hội nhập quốc tế

Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; triển khai chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; kết nối doanh nhân các khu vực; trang bị kiến thức, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh; tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật…

Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 - 2024, chiều 11/12, tại các Diễn đàn "Thanh niên Việt Nam yêu nước, bản lĩnh" và "Thanh niên Việt Nam khỏe thể chất, vững kỹ năng, chủ động hội nhập quốc tế, các đại biểu đã chia sẻ ý kiến về vai trò của thanh niên, đánh giá hiệu quả các chính sách liên quan đến sáng tạo khởi nghiệp; nâng cao thể chất, kỹ năng, hội nhập quốc tế, qua đó đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu quả các chính sách thanh niên trong thời gian tới. 

Chú thích ảnh
Các đại biểu dự Ðại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 - 2024 chụp ảnh chung. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Thúc đẩy phong trào sáng tạo khởi nghiệp

Trong Phong trào thanh niên thi đua lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; triển khai chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; kết nối doanh nhân các khu vực; trang bị kiến thức, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh; tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ thanh niên vay vốn làm kinh tế…

Với khẩu hiệu hành động “Thanh niên Việt Nam yêu nước, sáng tạo, tình nguyện, hội nhập, phát triển”, nhiệm kỳ 2019-2024, các cấp Hội dự kiến xác lập 10 chỉ tiêu trọng tâm, trong đó chú trọng và đặt ra mục tiêu 100% Hội cấp huyện trở lên hằng năm tổ chức ít nhất hai hoạt động tạo môi trường sáng tạo; 100% Hội cấp tỉnh hàng năm tổ chức ít nhất hai hoạt động trang bị kiến thức khởi nghiệp; hỗ trợ ít nhất 500 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; giới thiệu việc làm cho 1 triệu thanh niên, trong đó ít nhất 100 nghìn thanh niên có việc làm ổn định.

Tại Diễn đàn "Thanh niên Việt Nam yêu nước, bản lĩnh", đại biểu Phan Thanh Sang, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Lâm Đồng cho biết, Việt Nam có thế mạnh sản xuất và phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các mô hình thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ngày càng phát triển. Tuy nhiên, thanh niên còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn vốn và đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Đại biểu Phan Thanh Sang đề nghị, trong thời gian tới, các cấp Hội đẩy mạnh gắn kết, tạo cơ chế kết nối, tổ chức các phiên chợ trưng bày, triển lãm sản phẩm khởi nghiệp tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ… tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp của nước ngoài, đẩy mạnh vai trò tiên phong của thanh niên trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Lâm Đồng cho rằng, các cấp Hội nên chú trọng nâng cao tỷ lệ mô hình thanh niên khởi nghiệp sáng tạo thành công thay vì nâng cao số lượng; thành lập kênh thông tin liên kết nhóm trên mạng xã hội do chính các cấp Hội làm quản trị viên, định hướng, chia sẻ thông tin, kết nối cho thanh niên khởi nghiệp được giải thưởng của các cấp bộ Đoàn, Hội; đề xuất cơ chế bảo vệ ý tưởng khởi nghiệp của các thanh niên khi đăng ký thông tin vay vốn tại ngân hàng.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tiến Hoàng, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Hà Tĩnh đề xuất, trong nhiệm kỳ tới, các cấp Hội cần gỡ khó cho thanh niên khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp, có giải pháp nâng cao giá thành tương xứng chất lượng sản phẩm và tạo việc làm ổn định cho thanh niên. “Hiện nay, sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại các địa phương rất ít, không có sức thu hút việc làm với thanh niên. Lực lượng lao động vùng nông thôn chủ yếu đi làm việc tại các khu công nghiệp hoặc xuất khẩu lao động nước ngoài. Các cấp Hội cần đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nguồn vốn, kỹ thuật; nâng cao hiệu quả sản phẩm trên diện tích đất canh tác; mở rộng và kết nối mô hình khởi nghiệp; tập hợp thanh niên mạnh dạn lập thân, lập nghiệp, phát huy sức mạnh Hội các cấp; tạo động lực cho thanh niên làm giàu trên chính quê hương của mình”, đại biểu Nguyễn Tiến Hoàng nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề thiếu kỹ năng, kiến thức trước khi khởi nghiệp, đại biểu Dương Long Thành, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Long An cho biết: “Đây cũng là những nguyên nhân dẫn đến kết quả 90% phong trào khởi nghiệp sáng tạo bị thất bại hoặc chưa đạt hiệu quả”. Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Long An cho biết, các mô hình khởi nghiệp mong muốn được hưởng mức thuế ưu đãi hoặc giảm xuống thấp, từ đó thanh niên tranh thủ nguồn lợi nhuận tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, thị trường, nâng cao chất lượng nhân lực... Sau khi phát triển ổn định, các mô hình đóng thuế bình đẳng như các doanh nghiệp khác.

Cũng tại phiên làm việc, các đại biểu trao đổi, đề xuất các vấn đề liên quan đến sáng tạo khởi nghiệp như ưu tiên quỹ đất, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông tại các tỉnh miền núi; thành lập mô hình “văn phòng một cửa” hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; xây dựng bộ tài liệu chính thống giáo dục thanh niên khởi nghiệp; vận động các nguồn quỹ đầu tư nước ngoài và Việt Nam đầu tư khởi nghiệp…

Nâng cao kỹ năng và thể chất, chủ động hội nhập quốc tế

Việc rèn luyện thể chất, nâng cao kỹ năng, trang bị kiến thức cho thanh niên Việt Nam nhằm nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm góp ý kiến, tham luận trong các diễn đàn.

Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao thể chất, trí tuệ tại địa phương, đại biểu Lê Bá Hưng, Hội Liên hiệp Thanh niên Bình Thuận cho biết, một số trường Trung học Phổ thông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đánh giá học sinh không chỉ trên tiêu chí học lực và hạnh kiểm mà còn dựa trên sức khỏe thể chất. Theo đó, thông qua hệ thống đồng hồ hoặc điện thoại thông minh, học sinh thực hiện quy định về số bước chân đi bộ và số bậc thang thực hiện hàng ngày, tính điểm thi đua theo từng tuần, tháng và học kỳ. Để đảm bảo kỹ năng tốt, một số trường thành lập các Câu lạc bộ ở các lĩnh vực khoa học tự nhiên, văn hóa - xã hội, nghề nghiệp, kỹ năng, kiến thức xã hội… giúp học sinh tự tin, áp dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt khi trở thành sinh viên hoặc tốt nghiệp đi làm.

Tuy nhiên, mô hình thí điểm của tỉnh Bình Thuận còn gặp nhiều khó khăn do ý thức tự giác của học sinh chưa cao, việc làm còn chưa thực chất; chưa kết nối được chuyên môn với các chuyên gia… Đại biểu Lê Bá Hưng đề nghị các cấp Hội phối hợp với các cơ quan chức năng ban hành hướng dẫn cụ thể khỏe về thể chất, mạnh về tri thức, quy định chi tiết đến từng đối tượng học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên… qua từng giai đoạn.

Tiếp tục đóng góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương, Bí thư Đoàn Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh cho rằng, xu hướng xã hội đang chuyển dần từ giáo dục đại học sang giáo dục các kỹ năng cần thiết, bao gồm yếu tố sáng tạo và khả năng tư duy, phản biện. Trên thực tế, không ít thanh niên “ngại hỏi, ngại phản biện” đã cản trở khả năng tiếp cận các kiến thức mới; việc phát triển các kỹ năng mềm cho thanh niên tại các tỉnh chậm hơn so với các thành phố lớn... Do đó, các cấp Hội cần tạo môi trường sáng tạo cho thanh niên; tổ chức các sân chơi, cuộc thi sáng tạo trong nhiều lĩnh vực, nhằm kích thích khả năng sáng tạo của thanh niên, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên.

Theo đại biểu Nguyễn Thành Linh, Chủ tịch Hội Sinh viên tại Pháp, các Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài là “cánh tay nối dài” của thanh niên trong nước, do đó, các cấp Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến sinh viên, thanh niên Việt Nam ở nước ngoài; cùng nhau tổ chức các hoạt động kết nối, hỗ trợ, đặc biệt trong công tác giáo dục ngoại ngữ và tư vấn du học. Theo đó, nhu cầu tìm hiểu về du học của học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay rất lớn. Điển hình, mỗi chương trình tư vấn du học do Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp tổ chức tại các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… thu hút khoảng 2.000 người tham dự. Do đó, đại biểu Nguyễn Thành Linh đề xuất, hàng năm, các cấp Hội tổ chức diễn đàn du học trên cả nước, từ đó kết nối, tăng hiểu biết về văn hóa, xã hội, kỹ năng ngoại ngữ… cho học sinh, sinh viên nói riêng, thanh niên Việt Nam nói chung.

“Sinh viên du học rất năng động, hòa đồng và có nhu cầu tham gia các hoạt động tình nguyện trong nước. Trong nhiệm kỳ tới, các cấp Hội đẩy mạnh kết nối, tổ chức hoạt động dạy tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha… miễn phí cho thanh niên trên cả nước, đặc biệt thanh niên các tỉnh miền núi, dân tộc. Đồng thời, các cấp Hội cần phối hợp cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng các viện Việt Nam học, tổ chức dạy tiếng Việt, văn hóa Việt cho bạn bè quốc tế và thế hệ trẻ em Việt Nam sinh ra ở nước ngoài, qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam”, đại biểu Nguyễn Thành Linh đề xuất.

 

Diệp Trương (TTXVN)
Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam
Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam

Chiều 10/12, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, nhiệm kỳ 2019 - 2024 đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN