Thúc đẩy kết nối hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và tỉnh Hưng Yên 

Ngày 26/8, Đoàn công tác Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh buổi làm việc tại trụ sở HĐND - UBND tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nêu rõ, Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ 2, đối tác thương mại đứng thứ 4 của Việt Nam, là đối tác lớn thứ ba về du lịch của Việt Nam, với hàng trăm chuyến bay mỗi tuần. Thứ trưởng mong ngài Đại sứ và các cơ quan đại diện tăng cường trao đổi, tổ chức các hoạt động giữa Hưng Yên và các tổ chức Nhật Bản trên các lĩnh vực. Hiện đang có 70 cặp địa phương của hai nước ký văn bản hợp tác, bình quân mỗi năm có 10 đoàn lãnh đạo các tỉnh của Nhật Bản sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư. 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đánh giá cao những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Hưng Yên, nhất là hệ thống giao thông huyết mạch như Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Hưng Yên có vị trí tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Nội Bài, cảng Hải Phòng và Cái Lân, có nguồn nhân lực chất lượng cao, hội tụ đầy đủ điều kiện để sẵn sàng cho tất cả các hình thức đầu tư. Thứ trưởng mong muốn Đại sứ quán Nhật Bản giới thiệu để các nhà đầu tư biết nhiều hơn về tỉnh Hưng Yên, đặc biệt là thúc đẩy quan hệ giao lưu hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng khẳng định, trong số những doanh nghiệp đến từ nhiều nước đầu tư vào tỉnh Hưng Yên thời gian qua, các nhà đầu tư Nhật Bản luôn được đánh giá cao về quy mô đầu tư cũng như công nghệ sản xuất, thực hiện nghiêm các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường, nộp thuế cho nhà nước và quan tâm chăm lo mọi mặt đời sống của người công nhân.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác khảo sát tại công ty Panasonic. Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, hiện nay, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Hưng Yên với 166 dự án, tổng số vốn trên 3 tỉ USD, tạo sự tin tưởng cao trong hợp tác cùng phát triển không chỉ giữa tỉnh Hưng Yên với các doanh nghiệp, địa phương của Nhật Bản, mà còn góp phần nâng mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với Nhật Bản. Với nhiều nét đương đồng về văn hóa, thời gian qua đã có rất nhiều doanh nghiệp Hưng Yên có sự liên kết, hợp tác với các đối tác doanh nghiệp Nhật Bản và được các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý của Nhật Bản có đánh giá rất tốt về năng lực, kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Văn Phóng chia sẻ, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản có cách đây từ vài thế kỷ. Từ thời Phố Hiến cổ, tỉnh Hưng Yên đã có khu phố Nam Hòa của các doanh nhân Nhật Bản sang định cư, buôn bán làm ăn. Ngày nay, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước được nâng lên thành đối tác chiến lược, toàn diện. Với sự tin cậy cao về chính trị, cùng chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư của tỉnh Hưng Yên, sẽ là cơ sở để nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục sang Hưng Yên hợp tác đầu tư bình đẳng, hai bên cùng có lợi.

Ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, Hưng Yên là tỉnh có vị trí đắc địa để xây dựng các nhà máy. Trong đó, Khu Công nghiệp Thăng Long 2 đang có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư. Điểm mạnh của khu công nghiệp này là có Japan Desk, bộ phận xúc tiến và hỗ trợ đầu tư từ Nhật Bản. Không chỉ các doanh nghiệp lớn như Panasonic, Toto, Daikin... mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản cũng đã đầu tư vào Hưng Yên.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư vào Khu công nghiệp rất hài lòng vì được tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động hiệu quả, nhiều doanh nghiệp đang có chủ trương mở rộng sản xuất. Ban quản lý Khu công nghiệp Hưng Yên cũng luôn giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động. Việc mở rộng phát triển khu công nghiệp Thăng Long sẽ góp phần thu hút thêm đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN

Ông Yamada Takio cũng đưa ra một số khó khăn trong các vấn đề về thu mua nguyên vật liệu tại Việt Nam và nguồn lao động chất lượng cao. Qua đó, đề nghị tỉnh Hưng Yên quan tâm tháo gỡ bằng cách thúc đẩy kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp, xúc tiến ngành công nghiệp phụ trợ; tăng cường chất lượng giáo dục phổ thông và giảng dạy tiếng Nhật tại các trường học, tận dụng các thực tập sinh Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản quay trở lại quê hương làm việc cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Ông Yamada Takio cho biết, hướng tới cuộc sống mới sau COVID-19, Chính phủ Nhật Bản triển khai chương trình hỗ trợ thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại nước ngoài. Trong số 15 dự án mở rộng tại Việt Nam, có 3 Công ty đang đầu tư vào Khu công nghiệp Thăng Long 2 là: Công ty Shinetu sản xuất linh kiện xe ô tô điện, Công ty Hoya sản xuất đĩa thủy tinh được sử dụng ổ đĩa cứng HDD, Công ty Nikkor-so sản xuất linh kiện máy bay. Xu hướng mở rộng đầu tư các dự án tại Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng nên mong tỉnh Hưng Yên tiếp tục hợp tác để nắm bắt cơ hội. 

Chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Nhật Bản đã đi thăm Khu công nghiệp Thăng Long 2 và khảo sát tại Công ty Panasonic và Công ty Toto.

Mai Ngoan (TTXVN)
Việt Nam và Liên minh châu Âu thúc đẩy hợp tác, phát triển bền vững kinh tế biển
Việt Nam và Liên minh châu Âu thúc đẩy hợp tác, phát triển bền vững kinh tế biển

Sáng 19/8, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Hà Nội, Quỹ Konrad Adenauer Stiftung tổ chức Đối thoại biển với chủ đề “Phát triển biển bền vững: Chia sẻ quan điểm của Việt Nam và Liên minh châu Âu”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN