Sự kiện này đã thu hút khoảng 130 khách mời, bao gồm đại diện của Chính quyền Liên bang Bỉ, Quốc hội, các trường đại học, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội với mục đích kết nối, thảo luận và đề ra các biện pháp thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Bỉ trong thời gian tới.
Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Nguyễn Văn Thảo bày tỏ mong muốn quan hệ giữa Việt Nam và Bỉ trong năm 2024 sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu rực rỡ. Đại sứ nhấn mạnh đến những kết quả mà hai nước đã đạt được trong thời gian qua. Đại sứ đã nêu bật sự đa dạng và tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia trong 6 lĩnh vực quan trọng: cảng biển - logistics, nông nghiệp hiện đại, năng lượng xanh, y tế - dược phẩm, đào tạo nguồn nhân lực và giao lưu nhân dân. Đại sứ cho rằng hợp tác không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức, nhưng nếu được thực hiện một cách hiệu quả, hợp tác sẽ tạo ra những bước phát triển to lớn cho cả hai bên.
Với vị trí địa lý chiến lược và sự phát triển của ngành cảng biển - logistics, Việt Nam và Bỉ có thể hợp tác trong việc tối ưu hóa hệ thống logistics, tăng cường năng lực vận chuyển hàng hóa và tăng cường giao thương quốc tế. Việt Nam có tiềm năng to lớn cả về vị trí địa lý cũng như kinh tế để phát triển cảng biển và logistics, có thể trở thành trung tâm kết nối của khu vực. Về địa lý, Việt Nam nằm ở cửa ngõ khu vực Đông Nam Á, một trong những khu vực phát triển năng động nhất và là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.200 km với nhiều cảng nước sâu, vừa nằm trên tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất kết nối châu Á - châu Âu, vừa kết nối với hành lang Đông Tây đi sâu vào nội địa toàn bộ khu vực.
Là một nền kinh tế mở và phát triển năng động bậc nhất khu vực nên Việt Nam có nhu cầu rất cao về phát triển cảng biển và logistics hiện đại. Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu biến Việt Nam thành một trung tâm logistics cảng biển tầm khu vực và toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội lớn cho các đối tác quốc tế hợp tác.
Đây cũng là lĩnh vực Bỉ có thế mạnh vượt trội, Bỉ là một trong những trung tâm logistics quan trọng nhất khu vực với cảng Antwerp - Bruges hàng đầu châu Âu. Do vậy, Việt Nam rất mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác, các nhà đầu tư của Bỉ trong lĩnh vực này.
Những thành tựu nổi bật của Bỉ trong phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ sinh học, chuyển đổi nông nghiệp xanh, bền vững, song song với giảm phát thải và bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học chính là cơ sở cho việc hợp tác chia sẻ công nghệ, kỹ thuật và kiến thức, nhằm tăng cường sản xuất nông sản và nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm. Đặc biệt, Việt Nam và Bỉ đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2018. Do đó, Việt Nam mong muốn mở rộng hơn nữa hợp tác với Bỉ để phát triển nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh, không chỉ đáp ứng nhu cầu của hai nước, mà còn góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng bền vững, giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực toàn cầu, đồng thời kết nối với các thị trường lớn, như Mỹ, Trung Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)...
Với cam kết về phát triển bền vững và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam và Bỉ có thể hợp tác trong việc phát triển các dự án năng lượng Mặt Trời, điện gió và năng lượng thủy điện, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ mới. Đây là lĩnh vực Chính phủ Việt Nam rất coi trọng và ưu tiên cao, cũng là lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu lớn trong quá trình phát triển kinh tế bền vững. Với vị trí và đặc điểm địa lý thuận lợi, Việt Nam có tiềm năng và thế mạnh vượt trội để sản xuất năng lượng xanh không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn có thể mở rộng xuất khẩu sang các nước trong khu vực.
Đại dịch COVID-19 vừa qua là bài học cho thấy sự cần thiết của tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế. Đây là lĩnh vực Bỉ có thế mạnh, nhiều công ty dược phẩm, y tế, hóa chất lớn đặt trụ sở tại Bỉ. Năm 2022 kim ngạch thương mại hai chiều tăng gần 60%, một phần là nhờ vào việc xuất khẩu vaccine và sản phẩm y tế của Bỉ sang Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng hợp tác rất lớn, không chỉ giữa hai nước, mà thông qua vị thế địa kinh tế là cửa ngõ khu vực và quy mô thị trường của Việt Nam có thể mở rộng thành hợp tác giữa Bỉ với toàn ASEAN, nhất là trong bối cảnh các nguy cơ, thách thức về dịch bệnh ngày càng lớn trong khi nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ y tế chất lượng cao đang ngày một tăng ở Việt Nam và khu vực.
Việt Nam và Bỉ có thể hợp tác trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là trong các lĩnh vực có nhu cầu cao như kỹ thuật, công nghệ thông tin và quản lý khi Việt Nam đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ và có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều trường đại học Việt Nam và Bỉ đã xúc tiến hợp tác, trao đổi chương trình đào tạo các khóa ngắn và dài hạn. Do vậy, đây cũng sẽ là lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng để khai thác thời gian tới.
Tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai quốc gia thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch và trao đổi học thuật sẽ tạo ra cơ hội để tăng cường hiểu biết và tạo ra mối quan hệ gần gũi cũng như tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia.
Phát biểu tại sự kiện, ông Andries Gryffroy, Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Bỉ, Chủ tịch Liên minh Bỉ - Việt nhấn mạnh mối quan hệ giữa Việt Nam và Bỉ không chỉ là một mối quan hệ hai chiều thông thường mà còn là một mối quan hệ đặc biệt, được xây dựng trên cơ sở của tôn trọng, tin tưởng và lợi ích chung. Ông Gryffroy đã đề cập đến những thành tựu đáng kể trong việc mở rộng và củng cố quan hệ hai bên, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Những chuyến thăm cấp cao của các phái đoàn hai nước trong năm qua là minh chứng rõ ràng cho mối quan hệ hợp tác Bỉ-Việt không ngừng phát triển.
Theo ông Gryffroy, Việt Nam và Bỉ có nhiều điểm tương đồng và tiềm năng phát triển chung và việc hợp tác trong các lĩnh vực như cảng biển, nông nghiệp, năng lượng xanh, y tế, đào tạo nguồn nhân lực và giao lưu nhân dân sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho cả hai quốc gia.
Ông Gryffroy cũng nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức và doanh nghiệp hai nước, đồng thời khuyến khích việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm và công nghệ để tăng cường hiệu quả của hợp tác. Ông Andries Gryffroy khẳng định tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ, nhằm mục tiêu xây dựng một tương lai tươi sáng và phát triển bền vững cho cả hai quốc gia.
Về phần mình, ông Delhaye François, Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á, châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Bỉ cũng đưa ra nhận định quan trọng về mối quan hệ hợp tác với Việt Nam. Bỉ coi Việt Nam là đối tác ưu tiên và đặc quyền tại ASEAN. Ông nhấn mạnh rằng tại cuộc gặp ở Diễn đàn Kinh tế thế giới 2024 tại Davos (Thụy Sĩ) mới đây, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đều thể hiện mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương. Ông cho rằng việc Việt Nam mong muốn mở Văn phòng tùy viên Quốc phòng tại Brussels sẽ mang lại cơ hội hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông François bày tỏ ấn tượng trước sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Ông nói: "Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam rất năng động và các công ty Bỉ quan tâm lớn đến Việt Nam. Nhiều công ty Bỉ đang chuyển hướng sang Việt Nam".
Còn ông Lucas Vanhaelewyn, Giám đốc điều hành công ty Deroose Plants - một công ty toàn cầu chuyên nghiên cứu về nhân giống cây trồng - chia sẻ sự lạc quan về cơ hội hợp tác với Việt Nam. Ông đã đến thăm Đà Lạt và rất ấn tượng về sự phát triển kinh tế ở thành phố này với điều kiện khí hậu thuận lợi để phát triển các loại hoa. Ông Lucas Vanhaelewyn hy vọng công ty sẽ triển khai hoạt động kinh doanh ở Đà Lạt tương tự như tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
"Meet Vietnam" cũng là dịp để giới thiệu và quảng bá hình ảnh, nông sản của Việt Nam tại thị trường Bỉ. Sự kiện này không chỉ là cơ hội để mở rộng hợp tác, đầu tư và kinh doanh mà còn là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu giữa Việt Nam và Bỉ, hướng tới một tương lai phát triển và thịnh vượng chung.