Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch Hạ viện Éliane Tillieux đánh giá cao hợp tác giữa Quốc hội hai nước trong nhiều lĩnh vực trong thời gian qua. Bà Tillieux bày tỏ vui mừng khi nghị quyết hỗ trợ nạn nhân CĐDC Việt Nam nhận được 100% sự tán thành từ tất cả các đảng phái chính trị của Bỉ, thể hiện sự quan tâm thực sự đến nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam và trên toàn thế giới cũng như những rủi ro to lớn cho môi trường mà chất độc hóa học này gây ra.
Điều này là minh chứng cho sự đoàn kết của Quốc hội Bỉ đối với các nạn nhân cũng như các mục tiêu bền vững khi Quốc hội Bỉ là nghị viện đầu tiên yêu cầu coi việc sử dụng chất diệt khuẩn sinh thái là tội ác chống lại loài người. Chủ tịch Hạ viện nhấn mạnh quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Bỉ sẽ tiếp tục không chỉ thông qua ngoại giao, ngoại giao nghị viện mà còn thông qua các nghị quyết và quyết định được đưa ra tại Quốc hội và sẽ tác động mạnh mẽ đến tương lai của Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Nguyễn Văn Thảo đánh giá cao sự ủng hộ và những nỗ lực to lớn của Nghị viện Bỉ thông qua nghị quyết, một hành động rất có ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Bỉ. Đại sứ khẳng định Nghị quyết sẽ giúp tăng cường nhận thức về vấn đề CĐDC và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ các nạn nhân. Thay mặt người dân Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cảm ơn bà Chủ tịch Hạ viện, nghị sĩ André Flahaut, Nghị viện Bỉ và bạn bè Bỉ, quốc tế đã luôn luôn đồng hành, hỗ trợ Việt Nam. Đại sứ cam kết Đại sứ quán Việt Nam sẽ phối hợp với phía Bỉ để thúc đẩy hợp tác hỗ trợ nạn nhân CĐDC.
Nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo đã trao cho Chủ tịch Hạ viện Bỉ bức thư cảm ơn của Chủ tich Quốc hội Vương Đình Huệ đối với Hạ viện Bỉ, cũng như lời mời bà Chủ tịch Hạ viện sang thăm chính thức Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc gặp, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam, Karl Hendrik Margareta Van Den Bossche cho biết đã thông báo việc Nghị viện Bỉ thông qua nghị quyết tới lãnh đạo chính phủ Việt Nam và đón nhận được phản ứng tích cực cũng như sự ủng hộ to lớn. Nghị quyết này là bước đi đầu tiên hướng tới các nghị quyết tương lai để thúc đẩy hợp tác cụ thể với Việt Nam, thể hiện sự tham gia, cam kết chính trị của Bỉ.
Về phần mình, bà Trần Tố Nga bày tỏ xúc động khi nghị quyết hỗ trợ nạn nhân CĐDC được Quốc hội Bỉ thông qua. Bà cho biết nghị quyết này giúp bà có rất nhiều sức mạnh trong cuộc chiến đấu giành công lý cho nạn nhân da cam. Mặt khác, nghị quyết của Quốc hội Bỉ sẽ thúc đẩy cho các nước khác hành động tương tự, trong đó Thượng viện Pháp cũng đang chuẩn bị tiên hành một cuộc họp để bàn về vấn đề này. Bà Trần Tố Nga hy vọng nếu Quốc hội Pháp cũng làm giống Quốc hội Bỉ thì năm 2024 sẽ là một thắng lợi trong cuộc đấu tranh của nạn nhân da cam.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Brussels, nghị sĩ liên bang André Flahaut nhấn mạnh phải có hành động cụ thể để triển khai nghị quyết, trước mắt, phía Bỉ đóng góp công nghệ tẩy độc đất nhiễm dioxine ở Việt Nam. Nghị quyết cũng sẽ góp phần thúc đẩy các đảng phái chính trị trên thế giới cùng tham gia đấu tranh chống lại việc sử dụng chất hóa học trong chiến tranh.
Chủ tịch Hạ viện Éliane Tillieux cũng khẳng định cộng đồng quốc tế rõ ràng đã nhận thức được thiệt hại do chất độc da cam gây ra và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Nghị quyết thể hiện ý chí của Bỉ, nhưng cần phải có hành động cụ thể. Đó là các phương án hỗ trợ tài chính, triển khai các nghiên cứu học thuật giữa các trường đại học Bỉ và Việt Nam để đạt được các giải pháp lâu dài.
Tháng 12/2021, nghị sĩ André Flahaut đã đệ trình lên Nghị viện Liên bang Bỉ một nghị quyết hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam. Ngày 5/10, Hạ viện Bỉ đã thông qua nghị quyết với 100% số phiếu. Đây cũng là Quốc hội đầu tiên trên thế giới thông qua một nghị quyết hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam.