Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định, việc hợp tác giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong thời gian qua, đặc biệt là hoạt động bảo vệ quyền lợi cho người lao động đang làm việc tại nước ngoài thông qua sự hỗ trợ của các Đại sứ quán.
Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, mục tiêu tổng quát giai đoạn 2021-2025 là phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, hiệu quả với chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng phát triển nhanh, bền vững và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, đáp ứng nhu cầu về cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân; góp phần đảm bảo công bằng xã hội và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Một trong những mục tiêu của năm 2021 là tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động; tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Hiện nay, Bộ đang hợp tác thông qua gần 200 Thỏa thuận và Biên bản ghi nhớ với hơn 40 nước và vùng lãnh thổ, gần 20 tổ chức quốc tế và khu vực, hơn 40 tổ chức phi chính phủ nước ngoài; thực hiện Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội; tăng cường hợp tác với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các cơ quan thuộc Liên hợp quốc và các diễn đàn khu vực; tăng cường thực hiện các cam kết quốc tế về lao động, xã hội; triển khai các hoạt động hợp tác trong ASEAN, các hoạt động với vai trò chủ trì Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tại Việt Nam...
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh cho biết, bên cạnh những hoạt động đảm bảo những vấn đề về an sinh xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội còn có vai trò rất lớn trong việc đàm phán về hợp tác lao động cũng như giải quyết các vấn đề bình đẳng giới. Sự hỗ trợ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã giúp ích rất nhiều trong việc huy động tài trợ của các nước của Việt Nam, đồng thời góp phần quan trọng giúp các Trưởng đại diện hoàn thành nhiệm vụ.
Sau khi được lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp một bức tranh tổng thể về thị trường lao động ngoài nước, các Trưởng đại diện chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ cũng đã đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến chế độ, chính sách cho người dân đi làm việc tại mỗi quốc gia; mong muốn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan tiếp tục tuyên truyền, phổ biến thông tin về thị trường cho người lao động...
Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định, những năm qua, lao động của Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ, đào tạo rất bài bản nên đã đáp ứng tốt yêu cầu về việc làm. Những lao động đó sau khi về nước, đa phần đều phát triển tiếp chuyên môn, năng lực của mình, tiếp tục tham gia vào thị trường trong nước.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, Bộ Ngoại giao, nhất là Trưởng các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giúp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đảm bảo bền vững vấn đề lao động, việc làm, đảm bảo quyền lợi cho người lao động ở nước ngoài. Thời gian tới, tình hình dịch COVID-19 sẽ còn diễn biến phức tạp và có những khó khăn nhất định, Thứ trưởng Lê Văn Thanh tin tưởng các cơ quan chuyên môn của hai Bộ cũng như cá nhân các Trưởng đại diện cố gắng nhiều hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ với kết quả cao nhất.