Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2017, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số tiêu dùng tháng 7 tăng 0,31% so với tháng 12/2016 và tăng 0,11% so với tháng trước. Đặc biệt tín dụng tăng trưởng cao nhất cùng kỳ của 6 năm gần đây, tăng 8,92% so với tháng 12/2016 trong khi cùng kỳ của năm 2016 tăng 8,02%. Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đều giảm.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt; công nghiệp chuyển biến tích cực, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp tăng 6,5% mặc dù khai khoáng tăng trưởng âm 7,5% so với cùng kỳ; chế biến, chế tạo tăng 10,6%. Tổng mức hàng hoá bán lẻ, dịch vụ tăng 10%.
Đến thời điểm này đã có 7,24 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 28,8% so với cùng kỳ của năm 2016. Đây là dấu hiệu tích cực cho ngành du lịch sau khi thực hiện một số giải pháp như miễn visa, cấp visa điện tử cho khách quốc tế đến Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo phiên họp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 7 tháng đầu năm tăng mạnh. Tổng vốn cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần 7 tháng đầu năm ước đạt 21,9 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ. Ước giải ngân 7 tháng đạt 9 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ.
Phát biểu kết luận Phiên họp, đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, Thủ tướng nhìn nhận, còn nhiều tồn tại và nhiệm vụ những tháng còn lại rất nặng nề. Các bộ, ngành, địa phương cần phải tập trung giải quyết công việc quyết liệt, đồng bộ.
Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu đã được phân công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm người đứng đầu; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quyết tâm xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ.
Lưu ý đến việc nâng cao chất lượng chính sách, phản ứng chính sách kịp thời và nhất quán, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tiếp tục thực hiện kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng đạt kế hoạch. Tại phiên họp, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư rà lại, cập nhật kịch bản tăng trưởng, báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/8 để có đối sách rõ ràng hơn trong từng ngành, từng lĩnh vực. Khẩn trương hoàn thành giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công, hoàn thiện và trình ban hành Nghị quyết đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Phấn đấu đưa tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 34 -35% GDP; rà soát, đẩy mạnh tháo gỡ các rào cản, các điều kiện kinh doanh không phù hợp.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ tín dụng theo hướng giảm lãi suất cho vay, đưa dư nợ tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20% trên cơ sở chất lượng tín dụng và ổn định vĩ mô.
Bộ Công Thương chỉ đạo phát triển mạnh thị trường trong nước, không để nước ngoài chiếm lĩnh, thâu tóm thị trường trong nước. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khuyến khích tiêu dùng nội địa.
Bộ Giao thông vận tải có giải pháp nâng cao công suất sử dụng cảng Cái Mép - Thị Vải, một trong 19 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu siêu trọng; Xây dựng cụm hậu cần phục vụ cụm cảng Sài Gòn; Nghiên cứu giảm chi phí xuất nhập khẩu qua cảng Hải Phòng.
Bộ Tài chính chỉ đạo giảm tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành giai đoạn thông quan từ 30-35% xuống còn 15%.
Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát thủ tục cấp phép xây dựng, chứng chỉ hành nghề xây dựng.
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ khuyến khích xây dựng hệ thống dữ liệu mở quốc gia ở các địa phương trên tinh thần công khai, minh bạch, sát dân, sát cơ sở, thúc đẩy khởi nghiệp, đầu tư kinh doanh.
Với ngành nông nghiệp, Thủ tướng đặt nhiệm vụ GDP nông nghiệp tăng 3% trong năm nay. Xuất khẩu nông sản, lương thực lớn hơn hoặc bằng 33 tỷ USD.
Về phát triển công nghiệp xây dựng, loại bỏ các điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt không hợp lý, bảo đảm cho các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng. Các tập đoàn, tổng công ty thuộc các Bộ Công Thương, Xây dựng và các bộ, ngành liên quan bảo đảm các điều kiện cho phát triển như điện lực, có phương thức cung cấp vật liệu thay thế cát… Ngành Du lịch phấn đấu đạt 13 - 15 triệu khách quốc tế.
Cho rằng tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, Thủ tướng chỉ đạo rà soát vướng mắc, tổ chức thực hiện để triển khai sớm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Trước hết, thực hiện thoái vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Kết luận của Tổng bí thư, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng để góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo, chủ trương chính sách. Triển khai tốt các kênh đối thoại, xử lý thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp qua các cổng thông tin của bộ, của Chính phủ.
Thủ tướng quán triệt trong chỉ đạo cần chú ý phòng chống thiên tai, hiện đang vào mùa mưa bão và diễn ra khốc liệt, với tinh thần sẵn sàng.
Thủ tướng nhất trí với các biện pháp giảm chi phí chính thức và không chính thức như giảm tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành giai đoạn thông quan từ 30-35% xuống còn 15%, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cải cách thủ tục hành chính, giảm phí kiểm định, thẩm tra ở một số ngành…
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đầu quý IV/2017 có báo cáo sơ kết tình hình giảm chi phí doanh nghiệp, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ theo tinh thần năm 2017 là năm giảm chi phí doanh nghiệp.