Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho biết, bão số 9 là cơn bão mạnh mang tính lịch sử trong 20 năm qua; gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản (khoảng 10 ngàn tỷ đồng). Hiện, các lực lượng vẫn đang khẩn trương tìm kiếm những người mất tích, tập trung công tác cứu hộ tại các điểm sạt lở, chia cắt, không để người dân bị thiếu lương thực thực phẩm; tập trung công tác phục hồi, ưu tiên khắc phục các cơ sở thiết yếu, nhất là điện, nước và trường học, nhà dân. Tuy nhiên khối lượng công việc rất lớn nên cần có kế hoạch cụ thể và huy động nhiều nguồn lực để triển khai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh yêu cầu phải khẩn trương xử lý khắc phục hậu quả mưa lũ và bão số 9 bằng mọi biện pháp, bởi hiện vẫn còn nhiều người mất tích chưa được tìm thấy; nguy cơ dịch bệnh, vấn đề môi trường vẫn đang đặt ra. Thủ tướng cũng chỉ đạo cần tính đến những biện pháp về lâu dài đảm bảo ứng phó với bão lũ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Điều quan trọng nhất là phải có biện pháp thiết thực để xử lý tình hình trong bối cảnh thiệt hại về người và tài sản rất lớn. Cho rằng nguy cơ “màn trời chiếu đất” của người dân vẫn đang đặt ra, vẫn có nơi còn bị cô lập, trẻ em chưa thể đến trường, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có biện pháp mạnh mẽ, kịp thời hơn nữa trong công tác khắc phục hậu quả bão số 9.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề, trước tình hình bão lũ ảnh hưởng trên diện rộng, địa chất công trình thay đổi, về lâu dài, phải xử lý vấn đề quy hoạch phù hợp để bảo đảm an toàn cho người dân trong tương lai, chứ không phải “nóng đâu, phủ đó”. Bên cạnh đó, Thủ tướng đánh giá, với sự hỗ trợ của Trung ương, các địa phương miền Trung đã khắc phục được 1 phần thiệt hại của bão số 9.
Thủ tướng biểu dương các lực lượng của trung ương, chính quyền và nhân dân các địa phương miền Trung đã “ngày đêm bám sát hiện trường”, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt trước, trong và sau bão để cứu người.
Nhấn mạnh thiệt hại về người và tài sản trong tháng 10 vừa qua trên địa bàn cả nước do thiên tai, bão lũ là rất lớn, đặc biệt là tại các địa phương miền Trung, Thủ tướng cũng bày tỏ tin tưởng, người dân miền Trung Anh hùng sẽ vượt lên mọi khó khăn, sớm khắc phục hậu quả bão lũ để ổn định cuộc sống bởi từ ngàn đời nay, người dân nơi đây đã quen với việc “sống chung với bão lũ”.
Về những biện pháp cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đầu tiên là cần đảm bảo các tuyến đường giao thông huyết mạch, không để ách tắc, nhất là các tuyến đường cứu trợ đồng bào. Cùng với đó là tìm mọi biện pháp tìm kiếm, cứu nạn những người còn đang mất tích do bão lũ; tích cực điều trị người bị thương.
Thủ tướng cũng lưu ý Quảng Nam chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam hỗ trợ, điều trị miễn phí cho các nạn nhân trong các vụ lở đất vừa qua. Cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tiếp tục chăm sóc các gia đình bị nạn kịp thời hơn nữa. Đặc biệt là không được để người dân sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất”; hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, thuốc men; đảm bảo cho học sinh sớm được trở lại học tập. Các địa phương tiếp nhận các nguồn viện trợ cần công khai, minh bạch, “có tiền đến đâu, hỗ trợ nhanh người dân đến đó”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các đơn vị Quân đội, Công an tăng cường công tác sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa, công trình dân sinh cho người dân đảm bảo sớm ổn định cuộc sống và phải có khả năng phòng, chống tác động mưa bão sau này.
Thủ tướng lưu ý cần làm tốt việc di dời người dân ra khỏi các vùng có nguy cơ sạt lở do bão lũ sao cho phù hợp với sinh kế, tập quán lao động và sinh hoạt từ nhiều đời nay của người dân; đồng thời làm tốt nhiệm vụ phòng, chống ứng phó với bão số 10 sắp tới.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình tích cực hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 9. Tuy nhiên, chính quyền và nhân dân các địa phương miền Trung phải chủ động hơn nữa trong công tác khắc phục hậu quả bão lũ, huy động sự vào cuộc của các đoàn thể nhân dân đoàn thanh niên, hội phụ nữ…
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, nhất là Quân khu 5 và Quân khu 4 triển khai các lực lượng, phương tiện kể cả trực thăng tham gia các hoạt động cứu trợ, tìm kiếm cứu nạn. Bộ Công thương có trách nhiệm đảm bảo đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm cung cấp cho người dân các địa phương miền Trung. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị tốt các nguồn lực cho nhiệm vụ này trong trung hạn, ngắn hạn…
Về các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương liên quan, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét, phân bổ nguồn vốn, bổ sung ngân sách hỗ trợ cho các địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão số 9, đặc biệt là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Công tác cứu trợ cần đảm bảo đúng người, đúng việc, đúng đối tượng.