Đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu
Trong báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mỗi kỳ họp Quốc hội là dịp để đánh giá lại kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cũng như hoạt động quản lý chỉ đạo, điều hành và rút ra bài học kinh nghiệm để phục vụ nhân dân tốt hơn; đồng thời cũng là dịp nhận rõ hơn những hạn chế, yếu kém; những khó khăn, thách thức cần tập trung giải quyết để tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn.
Ghi nhận ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước đã phản ánh tại kỳ họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cảm ơn sự quan tâm giám sát, đánh giá của các vị đại biểu Quốc hội đối với Chính phủ và các thành viên Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước không phải là rừng vàng biển bạc, mà chính là tiềm năng con người với gần 100 triệu dân và cả hệ thống chính trị.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng một lần nữa bày tỏ sự chia sẻ, thương tiếc về vụ việc những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và chia buồn với gia quyến các nạn nhân. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm “không được để thảm kịch đó tái diễn”.
Thủ tướng cho rằng, qua các phiên chất vấn vừa qua, các thành viên Chính phủ đã nghiêm túc lắng nghe tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương giải quyết, đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của đồng bào cử tri cả nước; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng và Quốc hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp dự báo chúng ta đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch và kết quả này sẽ cao hơn nữa.
Nỗ lực khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công
Báo cáo làm rõ hơn về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo, thúc đẩy công tác này, nhưng thực tế cho thấy vẫn cần tiếp tục đôn đốc giải quyết hơn nữa; đồng thời cần sự chủ động sáng tạo vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các cấp chính quyền của từng cơ quan, đơn vị; các Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. “Không được để tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công làm phát sinh thêm chi phí; giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực, hạn chế tiềm năng phát triển đất nước”, Thủ tướng nói.
Về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng cho biết, tỉnh Đồng Nai đã cam kết bàn giao mặt bằng vào đầu năm 2020 để khởi công vào đầu năm 2021 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.
Việc triển khai Nghị quyết về phát triển đồng bằng bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo quyết tâm sớm hoàn thành các tuyến đường bộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng.
Về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới năng lực quản trị của doanh nghiệp Nhà nước. Đối với các dự án và doanh nghiệp thua lỗ thất thoát lớn, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ; giảm thiểu thiệt hại Nhà nước và xử lý nghiêm các vi phạm.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp tục rà soát, bãi bỏ và giảm đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thông qua việc bổ sung, sửa đổi Luật Đầu tư; tiếp tục bãi bỏ đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, bảo đảm những thay đổi này có tác động thiết thực đối với người dân và doanh nghiệp.
Về công tác đối ngoại, Thủ tướng nhấn mạnh, trong năm 2020, Việt Nam đồng thời thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Để hoàn thành trọng trách quốc tế lớn này rất cần sự tham gia hợp tác cùng hành động của hệ thống chính trị và người dân, đặc biệt là các vị Đại biểu Quốc hội, Thủ tướng nói.
Doanh nghiệp, người dân phải “đứng trên đôi chân của mình”
Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Kiên Giang về vấn đề kinh tế hộ, nhất là hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thủ tướng cho biết, Hội nhập là điều rất cần thiết theo đường lối của Đảng, Nhà nước, nhưng đi đôi với hội nhập, cần có công cụ phòng vệ thương mại phù hợp.
Chính vì vậy, doanh nghiệp, người dân phải “đứng trên đôi chân của mình”. Nhà nước sẽ “tạo môi trường và thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như người dân”; đồng thời đào tạo nguồn nhân lực kể cả năng lực tài chính, kỹ thuật, quản trị của người dân và doanh nghiệp để hội nhập thành công.
Trả lời chất vấn của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng như đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Thủ tướng cho biết: Về vấn đề nước sạch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng pháp luật về Luật Quản lý tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội thông qua. Trong đó làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn cho người dân, tránh tình trạng như vừa qua.
Về vấn đề đại biểu Nguyễn Thị Yến, Bà Rịa - Vũng Tàu đề cập đến xung quanh điện khí hóa lỏng ở địa phương, Thủ tướng cho biết, sẽ có quy hoạch cụ thể để đảm bảo giữa cung và cầu, kể cả nguồn lưới điện Quy hoạch phát triển điện khí Việt Nam phải đảm bảo cạnh tranh, bảo đảm lợi ích quốc gia, của dân tộc.
Thủ tướng cho biết, đã yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Phó ban Thường trực phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ mà Thủ tướng đã quy định. "Đã giao nhiệm vụ, đôn đốc, nhắc nhở rất nhiều chứ không phải để nước đến chân mới nhảy”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một nền năng lượng độc lập, tự chủ và hội nhập.