Nhiều địa phương khẳng định đưa ngành phát triển dược liệu thành một trong những ưu tiên phát triển kinh tế để khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Khó khăn trong quản lý Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, một trong những khó khăn ảnh hưởng xấu đến phát triển dược liệu Việt Nam hiện nay là công tác quản lý chất lượng.
Trong năm 2016, hệ thống kiểm nghiệm đã lấy 2.724 mẫu dược liệu có nguy cơ cao bị nhầm lẫn, giả mạo hoặc không đạt yêu cầu để kiểm tra, trong đó đã phát hiện 374 mẫu dược liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng (chiếm tỷ lệ 13,73% số mẫu dược liệu lấy để kiểm tra), cao hơn nhiều so với tỷ lệ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nói chung (3%).
Việc phòng chống buôn lậu về dược liệu còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc và một số tỉnh, thành phố có sử dụng nhiều dược liệu. Chính vì vậy, việc quản lý dược liệu nhập khẩu có thể coi là bất cập lớn nhất hiện nay.
Ngoài ra, tài nguyên dược liệu của đất nước có nguy cơ cạn kiệt do nạn chặt phá rừng, khai thác dược liệu tự nhiên quá mức, chưa đi đôi với việc tái tạo, bảo tồn. Nhiều dược liệu quý hiếm bị các thương lái thu mua theo kiển tận thu và vận chuyển lậu sang nước ngoài qua đường biên giới, dẫn tới chảy máu trầm trọng nguồn tài nguyên dược liệu nước nhà.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Khuyến khích khởi nghiệp Theo đại diện tỉnh Quảng Nam, địa phương nổi tiếng với cây sâm ngọc linh - bảo vật quốc gia về cây dược liệu, để phát triển loài cây quý này, cần đầu tư hạ tầng giao thông để thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Còn tỉnh Quảng Ninh, địa phương sở hữu đến gần 1000 loại dược liệu mà nổi tiếng nhất là ba kích, chè ba vàng kiến nghị Chính phủ cần quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp và hộ gia đình phát triển dược liệu tại chỗ; tăng cường đào tạo dược sỹ chuyên ngành và xúc tiến thương mại dược liệu Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang thì khẳng định tại địa bàn tỉnh, phát triển cây dược liệu được coi là một lĩnh vực ưu tiên khởi nghiệp. Tỉnh cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình trong phát triển dược liêu; trong đó, đáng chú ý là việc mạnh dạn đặt hàng cơ sở nghiên cứu khoa học y học cổ truyền để hình thành nên những sản phẩm gắn với tiềm năng của địa phương.
Kho tàng dược liệu Việt Nam là vô giá Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh đến điều kiện tự nhiên ưu đãi ở Việt Nam – vùng đất có nhiều tiềm năng to lớn phát triển dược liệu, đặc biệt là dược liệu quý hiếm. Cho rằng, kho tàng dược liệu Việt Nam là vô giá và cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều có thể phát triển được lĩnh vực này, Thủ tướng nêu rõ, từ phát triển dược liệu, có thể tìm ra giá trị gia tăng để nâng cao mức sống của người dân.
Theo Thủ tướng, Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn của cả nước mặc dù không phải là nơi sản xuất nhiều nhưng lại chính là những trung tâm bào chế, sản xuất sản phẩm có giá trị của cây dược liệu ở khâu cuối cùng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Khẳng định tiềm năng từ một nguồn thị trường tiêu thụ to lớn, Thủ tướng cho biết, theo thống kê của WHO, trên 80% dân số thế giới sử dụng y học cổ truyền, đặc biệt là các sản phẩm từ dược liệu, kể cả các nước phát triển. Ở Việt Nam, thuốc từ cây dược liệu trong nước chiếm ít nhất 30%. Đây là cơ hội lớn để dược liệu Việt Nam phát triển.
Nhận định, qua hội nghị cho thấy, quy mô cách làm và phát triển cây dược liệu ở Việt Nam còn nhỏ bé, chưa hiệu quả cao, còn rất nhiều lãng phí, đặc biệt có 1 số loài dược liệu có nguy cơ biến mất, Thủ tướng chỉ rõ, cần có khuôn khổ chính sách pháp luật rõ hơn để dược liệu Việt Nam có điều kiện phát triển.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao một số địa phương đã quan tâm và thành công với một số sản phẩm dược liệu có tính chất hàng hóa lớn như: Nghệ, táo mèo, thảo quả, quế, hoa hòe, atiso, cây sâm ngọc linh…Thủ tướng cho rằng, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu. Một dấu hiệu đáng mừng khác, theo Thủ tướng là nguồn thuốc từ dược liệu tăng 10%/năm.
Cả nước đã có 59 tỉnh, thành có bệnh viện y học cổ truyền; các bệnh viện cấp huyện có khoa y học cổ truyền, nhiều trạm xá có vườn thuốc, nhiều hộ dân nuôi, trồng cây thuốc cổ truyền, qua đó thực hiện chủ trương y học hiện đại kết hợp với y học cổ truyền trong chữa trị bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ tồn tại như một số địa phương bộ, ngành chưa quan tâm chỉ đạo phát triển dược liệu, không coi trọng y học cổ truyền, chưa kết hợp tốt y học cổ truyền với y học hiện đại. Công tác quảng bá thương hiệu dược liệu Việt Nam còn rất nhiều yếu kém so với các nước trong khu vực.
Đưa ra những định hướng lớn trong việc phát triển cây dược liệu, Thủ tướng nhấn mạnh, Nhà nước quan tâm đến cây dược liệu không đồng nghĩa với việc bao cấp trong nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ cây dược liệu. Dẫn ra bài học của cây trinh nữ hoàng cung đã xuất khẩu ra được nhiều nước trên thế giới, Thủ tướng cũng chỉ rõ, nếu không đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ thì đầu ra của ngành dược liệu sẽ bế tắc.
Ngoài ra, nếu không sản xuất dược liệu theo chuỗi giá trị với công nghệ tốt mà chỉ bào chế thô dược liệu thì sẽ không hiệu quả và thất bại. Để phát triển công nghiệp dược liệu ở Việt Nam thì còn phải hết sức chú trọng đến khâu quảng bá xúc tiến thương mại.
Đề nghị các ngành, địa phương nhất là Bộ Y tế cần xem xét lại vai trò cây dược liệu trên phạm vi quốc gia để tập trung phát triển gắn với nhu cầu thị trường, trước hết là đáp ứng nhu cầu trong nước, hạn chế nhập khẩu và hướng tới xuất khẩu, Thủ tướng đề nghị tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu để phát triển dược liệu trở thành một chiến lược của ngành y tế nước ta.
Đề cập đến những nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến yếu tố quan trọng hàng đầu là sửa đổi, bổ sung để có một cơ chế chính sách đặc thù, phù hợp cho phát triển dược liệu. Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu hình thành 3 trung tâm trên các vùng miền của cả nước để tập trung nghiên cứu, quảng bá rộng rãi lĩnh vực dược liệu, y học cổ truyền.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về dược liệu, trong đó chú trọng bảo tồn nguồn gen và phát triển dược liệu quý hiếm, đặc hữu. Có chính sách công nhận, thương mại hóa bài thuốc y học cổ truyền. Các dự án, chương trình nuôi trồng, chế biến dược liệu được xem xét, áp dụng cơ chế khuyến khích hỗ trợ đối với nông nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ các ngành nghiên cứu đề xuất tăng cường liên kết theo mô hình năm nhà và thực hiện chính sách liên kết vùng trong sản xuất dược liệu. Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế chọn 100 cây dược liệu quý trong số 5000 loại cây và sản phẩm dược liệu của cả nước để mở rộng thị trường cây dược liệu Việt Nam. Đi liền với đó là thúc đẩy vườn chuyên canh quy mô lớn để gieo trồng, khai thác, quản lý theo chất lượng tiên tiến.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phổ cập sử dụng cây dược liệu như thuốc bồi dưỡng sức khỏe cho người dân, cả trong ăn uống. Đặc biệt, Thủ tướng gợi ý ngành y tế mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế đối với việc sử dụng cây dược liệu và thuốc cổ truyền; có cơ chế đặc thù để thanh toán thuốc nam trong điều trị tiêu dùng, khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.
Thủ tướng đề nghị tăng cường khâu đào tạo cán bộ y học cổ truyền; tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn dược liệu làm công cụ quản lý. Thủ tướng cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường giám sát chặt chẽ việc xuất nhập khẩu, phân phối, lưu thông dược liệu, ngăn chặn việc buôn bán dược trái phép, gian lận thương mại... để bảo vệ ngành sản xuất dược liệu trong nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng mong muốn các bộ, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa nhận thức người dân về tầm quan trọng của y học cổ truyền, của cây dược liệu; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh tế tiềm năng này. Các địa phương, tỉnh trọng điểm cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch trong phát triển dược liệu, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển nuôi trồng dược liệu trên địa bàn cả nước.