Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ ở Quảng Ninh

Chiều 5/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nghe lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) báo cáo về các biện pháp ứng phó, tình hình thiệt hại và các nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ nghiêm trọng vừa qua tại Quảng Ninh.


Dọn dẹp bùn đất, khơi thông cống rãnh thoát nước tại thành phố Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hoàng-TTXVN


Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn TKV báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ với với những mất mát, thiệt hại của người dân Quảng Ninh cũng như những thiệt hại lớn của tỉnh và Tập đoàn TKV do mưa lũ gây ra. Thủ tướng gửi lời thăm hỏi nhân dân vùng bị thiệt hại, gửi lời chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người bị thiệt mạng.

Đánh giá cao nhân dân và Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, các cấp, các ngành đã đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, quyết liệt ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn TKV qua đợt thiên tai này cần nghiêm túc đánh giá, rút ra bài học ứng phó và chung sống với thiên tai trong điều kiện khí hậu biến đổi ngày càng cực đoan, với tần suất và cường độ ngày càng lớn; đồng thời có các giải pháp ứng phó căn cơ, cả trước mắt, lâu dài, bảo đảm tính mạng cũng như sản xuất và đời sống của nhân dân. Thủ tướng ghi nhận các đề xuất bước đầu của tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn TKV về chính sách và nguồn lực nhằm ứng phó hiệu quả với thiên tai, đặc biệt là các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và cơ sở vật chất kỹ thuật.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn TKV tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong các Công điện; trong đó tập trung ổn định đời sống và sinh hoạt bình thường của người dân; hỗ trợ các gia đình bị nạn vượt qua khó khăn, không để xảy ra đói, khát, dịch bệnh; lên phương án khôi phục hạ tầng, cơ sở sản xuất để sớm trở lại hoạt động bình thường.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Trung ương sẽ xem xét việc hỗ trợ ở mức cao nhất, cùng các nỗ lực của địa phương và Tập đoàn TKV để sớm vượt qua khó khăn. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành trên cơ sở báo cáo tổng hợp thiệt hại và kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh đề xuất các biện pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Bộ Công Thương tổng hợp các kiến nghị của Tập đoàn TKV về các cơ chế, chính sách để khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất và phát triển, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

* Cao Bằng: Nhiều tuyến đường sạt lở nghiêm trọng Tuyến đường liên huyện từ xã Chu Trinh (thành phố Cao Bằng) đến xã Hồng Nam (huyện Hòa An) đi Thị Ngân huyện Thạch An có nhiều vị trí đã bị nứt lún sạt lở tại nhiều đoạn.

Qua khảo sát cho thấy, các điểm sạt lở nghiêm trọng nhất trên tuyến đường này là tại km10+733, km18+ 500 đã bị sạt lở ta luy âm do nước sông dâng cao gây sói lở chân. Trong khi đó, ở km15+500, do đá dời dạc, ngấm nước gây sạt lở ta luy dương.

Được biết, đây là tuyến đường thuộc dự án giao thông 3, vốn vay WB/DFID, mới được đưa vào sử dụng vào tháng 5/2014.

Chủ tịch xã Hồng Nam Đàm Thu Thủy cho biết: năm 2015, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ dài ngày, các vết sụt lún càng mở rộng và gây nguy hiểm với xe cộ và người dân.

Năm 2014, dù huyện Hòa An đã tiến hành thẩm tra, đánh giá mức độ sụt lún nhưng thiếu kinh phí tu sửa nên làm tờ trình xin kinh phí từ Sở Giao thông, song đến nay chưa được đáp ứng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa An Nguyễn Hữu Thao, huyện sẽ tiếp tục đệ trình xin kinh phí từ tỉnh để nhanh chóng khắc phục.

Quỹ dự phòng của huyện Hòa An mỗi năm dành cho công tác phòng chống lụt bão thiên tai khoảng 3 tỷ đồng. Nhưng sau nhiều năm thiếu kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, hiện huyện đang nợ các doanh nghiệp từng tạm ứng tiền tu sửa gần 10 tỷ đồng.

Trên tuyến quốc lộ 34(km73- km266), và tuyến đường tỉnh lộ 201(km0- km65) từ huyện Thông Nông đi huyện Bảo Lạc có nhiều điểm bị sạt lở ta luy dương và ta luy âm. Đặc biệt nghiêm trọng là đường tỉnh 201 từ km31+ 400- km30+ 700 xuất hiện lũ ống hôm 2/ 8 gây tắc đường hoàn toàn do hàng vạn khối đất đá sạt lở xuống lòng đường vùi lấp 1 nhà dân, gây thương vong 10 người. Cũng trên tuyến đường này nhiều điểm sạt lở ta luy dương ăn sâu vào lòng đường, gây nguy hiểm cho xe cộ khi lưu thông.

Tại Quốc lộ 34, km194+ 800- km194 +840 (thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình) xuất hiện vết nứt khoảng 1 cm dọc theo mép đường nhựa phía ta luy dương sát vỉa hè đường , hai đầu vết nứt vòng vào tim đường có dấu hình thành vòng cung lớn nguy cơ tụt nền, mất an toàn cho 3 nhà dân phía ta luy âm.

Ngoài ra, tại nhiều tuyến đường liên xã cũng bị ngập úng cục bộ do mưa lũ kéo dài. Như tuyến xã Thanh Long đi xã Bình Lãng huyệnThông Nông bị ngập gần 1 km, sâu hơn 2m. Còn tại tuyến đường vào xóm Cốc Gằng(xã Thanh Long) đã bị nước lũ nhấn chìm hoàn toàn làm cô lập 4 hộ dân đang sinh sống nơi đây. Đến nay, nước lũ vẫn chưa rút người dân nơi đây phải di chuyển bằng bè mảng qua đường ngập lụt với mỗi lượt từ 20 đến 50 nghìn đồng.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, trước mắt, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, Sở Giao thông tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các đơn vị quản lý theo dõi, cảnh giới và cắm biển báo báo hiệu cho người tham gia giao thông, khẩn trương khắc phục hậu quả.

TTXVN/Tin tức
Chủ tịch nước kiểm tra khắc phục hậu quả lũ lụt tại Quảng Ninh
Chủ tịch nước kiểm tra khắc phục hậu quả lũ lụt tại Quảng Ninh

Quảng Ninh, Chủ tịch nước hoan nghênh các hoạt động ứng phó kịp thời của địa phương, sự chung tay góp sức của các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh lân cận giúp giảm nhẹ hậu quả thiên tai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN