Tiếp tục chương trình khảo sát các làng nghề và hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, ngày 19/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đi thăm và khảo sát các làng nghề đúc đồng, gỗ mỹ nghệ huyện Ý Yên, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện Vụ Bản và làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định về việc phát triển làng nghề, các hợp tác xã.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thăm gian trưng bày sản phẩm đúc từ đồng tại cơ sở đúc đồng Tân Tiến. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN |
Tỉnh Nam Định hiện có 128 làng nghề, trong đó có 34 làng nghề truyền thống xuất hiện trên 50 năm với 390 cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn có đăng ký hoạt động. Số làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận là 80 làng. Các làng nghề đã tạo việc làm cho trên 60 nghìn lao động nông thôn, giá trị sản xuất tại các làng nghề năm 2013 và 2014 ước đạt 4.000 tỷ đồng/năm. Nhiều làng nghề của Nam Định có chất lượng cao, có thương hiệu, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng; trong đó có những làng nghề đã tạo dựng được tên tuổi, uy tín như làng nghề đúc đồng Tống Xá, làng nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên…
Song, hiện phần lớn các làng nghề trên địa bàn tỉnh phát triển tự phát, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều sản phẩm làng nghề tuy có chất lượng nhưng còn đơn điệu về chủng loại, ít được cải tiến về mẫu mã. Hầu hết các sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu nên sức cạnh tranh còn thấp, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu còn thấp cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề ngày càng nghiêm trọng, nhất là các làng nghề kim khí, sơn mài, nứa ghép… ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các hộ, hợp tác xã và doanh nghiệp tư nhân liên kết sản xuất chưa tốt, thiếu vốn và gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng.
Từ khảo sát hai làng nghề đúc đồng và gỗ mỹ nghệ, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Nam Định là tỉnh có số lượng hộ làm nghề lớn nhưng còn thiếu sự liên kết giữa các hộ dẫn đến những hạn chế trong việc tiếp cận vốn vay ưu đãi, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đào tạo nghề, xử lý môi trường làng nghề… Việc xây dựng hàng nghìn thương hiệu cho các hộ trong làng nghề sẽ khó nhưng khi có một hợp tác xã sẽ xây dựng được thương hiệu chung cho cả làng nghề và các hộ có thể giám sát lẫn nhau. Hợp tác xã là nơi giúp quản lý giám sát nội bộ để bảo vệ thương hiệu và chất lượng hàng hóa. Qua hợp tác xã, việc thiết kế mẫu mã mới cũng thuận lợi hơn.
Về đất đai cho phát triển sản xuất của làng nghề, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Nam Định cần làm rõ quy hoạch làng nghề, đảm bảo an ninh lương thực bằng sản lượng lúa chứ không phải bằng diện tích. Do vậy, tỉnh cần tăng sản lượng lên, chuyển bớt một phần diện tích lúa sang là có thể làm được thêm một làng nghề. Về các hình thức liên kết, tỉnh có thể nghiên cứu thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp và hộ tức là liên kết vệ tinh ổn định. Hộ làm thuê cho doanh nghiệp, là vệ tinh giúp doanh nghiệp sản xuất các khâu đơn giản, doanh nghiệp tập trung vào nghiên cứu thiết kế hoặc có thể liên kết hợp đồng từng phần để kích thích sự chủ động của các hộ, liên kết thành hợp tác xã…
Nhấn mạnh đến cơ chế liên kết theo nhóm, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng hàng nghìn hộ vay vốn từ ngân hàng nông nghiệp sẽ khó và việc giải quyết vay theo nhóm sẽ dễ dàng hơn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ rà soát lại chính sách cho vay làng nghề hiện nay để kiến nghị Chính phủ có cơ chế phù hợp.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Nam Định có dự án xử lý từng loại chất thải của từng loại nghề, các hộ góp tiền trả chi phí vận hành hệ thống xử lý môi trường. Tỉnh có thể liên kết với các địa phương khác trong việc xử lý chất thải của làng nghề. Chẳng hạn làng nghề gỗ mỹ nghệ có chất thải là mùn cưa, lượng mùn này có thể bán cho các hộ nuôi lợn sinh học ở Hà Nam. Như vậy nông dân Hà Nam cũng không phải đi mua mùn cưa tận Tây Nguyên, vừa xa xôi, vừa phát sinh thêm chi phí.
Về tạo thương hiệu và quảng bá sản phẩm, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị mỗi làng nghề nên viết về truyền thống của mình để lưu giữ, tôn vinh nghề, chọn giải thưởng làng nghề lấy tên cụ tổ của làng. Hàng năm có hội chợ làng nghề để cùng giao lưu, học hỏi giữa các làng.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã thăm, khảo sát và làm việc với các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và UBND huyện Vụ Bản. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đồng tình với việc hợp tác xã làm dịch vụ đầu vào cho nông dân, song cũng nhấn mạnh việc hợp tác xã chưa làm được nhiệm vụ tiêu thụ sản phẩm là yếu kém quan trọng nhất trong tiêu chí hợp tác xã bởi đó là cái nông dân cần nhất.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị hợp tác xã nên chuyên canh để có thương hiệu sản phẩm. Để tiêu thụ được phải nghiên cứu thị trường, phải gắn với xây dựng thương hiệu, được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, công việc này phải do hợp tác xã thực hiện. Hợp tác xã vừa làm nhiệm vụ tiêu thụ sản phẩm cho xã viên vừa dự báo trở lại nhu cầu thị trường, đó mới là làm hết vai trò hợp tác xã. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ thước đo của hợp tác xã không bằng lợi nhuận mà là bằng thu nhập của xã viên. Mục đích quan trọng của hợp tác xã là làm dịch vụ đầu vào thấp nhất, bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá có lợi cho nông dân.
Các kết quả khảo sát làng nghề, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Nam Định sẽ góp phần tạo một bức tranh hoàn chỉnh về hiện trạng phát triển làng nghề; thực trạng, xu hướng của kinh tế hợp tác và hợp tác xã hiện nay để MTTQ tổng hợp, phản ánh với Chính phủ và đưa ra những kiến nghị bước đầu về một mô hình liên kết mới hiệu quả trong tương lai, để nông sản có năng suất cao, nông dân có thu nhập cao.
Chu Thanh Vân (TTXVN)