Buổi sáng:
1. Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi); sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi). Kết quả như sau: có 473 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,75% tổng số đại biểu Quốc hội); có 468 đại biểu tán thành (bằng 94,74% tổng số đại biểu Quốc hội); có 2 đại biểu không tán thành (bằng 0,40% tổng số đại biểu Quốc hội); có 3 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,61% tổng số đại biểu Quốc hội).
2. Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đường bộ. Phiên thảo luận đã có 24 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận; trong đó ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật Đường bộ, bố cục và nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; giải thích từ ngữ; quy hoạch hệ thống đường bộ; quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ; phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ; hành lang an toàn đường bộ; đầu tư xây dựng công trình đường bộ; hoạt động vận tải đường bộ; chính sách phát triển đối với đường bộ; hệ thống giao thông thông minh; cơ sở dữ liệu đường bộ; phân loại đường bộ theo cấp quản lý, chức năng phục vụ; đường giao thông nông thôn, đường đô thị và đường địa phương; đặt tên, số hiệu đường bộ; xây dựng, khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; đầu tư xây dựng, phát triển đường cao tốc; trung tâm quản lý, điều hành đường cao tốc quốc gia; thi công công trình trên đường bộ đang khai thác; thi công công trình thủy lợi, thủy điện trong phạm vi bảo vệ công trình đường bộ đang khai thác; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ; việc sửa đổi, bổ sung Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13; quy định chuyển tiếp… Các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát cụ thể nhằm tránh chồng chéo giữa Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm tính thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều:
1. Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Kết quả như sau: có 471 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,34% tổng số đại biểu Quốc hội); có 470 đại biểu tán thành (bằng 95,14% tổng số đại biểu Quốc hội); có 1 đại biểu không tán thành (bằng 0,20% tổng số đại biểu Quốc hội).
2. Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Phiên thảo luận đã có 22 đại biểu phát biểu, 6 đại biểu tranh luận; trong đó, ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: tên gọi, bố cục, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; các hành vi bị nghiêm cấm; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; phương tiện được ưu tiên tham gia giao thông; điều kiện của phương tiện tham gia giao thông đường bộ; sử dụng đèn khi tham gia giao thông; niên hạn sử dụng của xe cơ giới; chấp hành báo hiệu đường bộ; trách nhiệm của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận chuyển hành khách; trách nhiệm của người lái xe vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô đưa đón học sinh; thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ; giải quyết tình huống đột xuất gây mất an toàn giao thông trên đường bộ; nhường đường tại nơi đường giao nhau; giấy phép lái xe; vấn đề hiện đại hóa hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông; thời điểm có hiệu lực của Luật... Có ý kiến đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, loại bỏ các quy định về thủ tục hành chính không cần thiết nhằm tăng tính khả thi của Luật.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thứ hai, ngày 27/11/2023: Sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Căn cước và Luật Nhà ở (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); các báo cáo của Chính phủ sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).