Thông cáo báo chí số 09, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Thứ Năm, ngày 28/5/2020, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ tám theo hình thức trực tuyến tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. 

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến trình bày Báo cáo thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và tiến hành thảo luận về dự thảo Luật này. 

Tại phiên thảo luận đã có 14 đại biểu phát biểu ý kiến, 07 đại biểu tranh luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Để góp phần hoàn thiện dự án Luật, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về những nội dung cụ thể sau: về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án; về cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư; về lĩnh vực đầu tư dự án; về quy mô đầu tư dự án; về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; về vai trò của Kiểm toán Nhà nước đối với các dự án PPP; về nguồn vốn thực hiện dự án; về các quy định đối với hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT); về giám sát đối với dự án PPP;…

Sau phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. 

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đây là một dự án luật mới, rất quan trọng, được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Các ý kiến tranh luận của đại biểu có nội dung phong phú, đa dạng, sâu sắc, toàn diện. Các đại biểu cơ bản thống nhất với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về những vấn đề cụ thể sau: về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; về quy mô, lĩnh vực đầu tư của dự án PPP; về vai trò của Kiểm toán Nhà nước và từng giai đoạn tham gia của Kiểm toán Nhà nước; về tỷ lệ tham gia góp vốn của Nhà nước; về hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT); về lựa chọn nhà đầu tư; về đấu thầu; về ưu đãi và bảo đảm đầu tư. Về cơ chế chia sẻ rủi ro, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với phương án chia sẻ rủi ro theo doanh thu. Một số ý kiến đại biểu đề nghị xem xét một số khái niệm và kỹ thuật lập pháp. Đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội thông qua hệ thống điện tử. 

Các ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật để Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục phiên họp trực tuyến dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. 

Sau đó, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này. 

Trong quá trình thảo luận đã có 11 đại biểu phát biểu và 10 đại biểu đã đăng ký nhưng không đủ thời gian phát biểu. Đa số ý kiến thống nhất với các nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số nội dung cụ thể của Báo cáo: Về bổ sung một số loại hình thiên tai; về nguồn nhân lực cho phòng chống thiên tai; về ngân sách nhà nước cho phòng chống thiên tai; về Quỹ phòng, chống thiên tai; về thẩm quyền vận động quyên góp, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; về Ban chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; về quy định cấp phép nạo vét luồng lạch đối với đê từ cấp III trở lên; về sử dụng bãi nổi, cù lao... 

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm và tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, các đại biểu thống nhất với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, tại phiên thảo luận các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung cụ thể như sau: Về bổ sung một số loại hình thiên tai, hoặc có ý kiến chưa đồng tình trong dự án Luật về một số loại hình thiên tai; về nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai; nguồn tài chính cho phòng, chống thiên tai và Quỹ phòng, chống thiên tai các cấp; thẩm quyền vận động quyên góp, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; về hợp tác quốc tế trong phòng chống thiên tai; về điều tra cơ bản trong phòng, chống thiên tai; kế hoạch phòng, chống thiên tai và đầu tư cho vùng thiếu nước ngọt ở những vùng đang khó khăn, nhất là vấn đề xây hồ, đập; về đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc vận hành, sử dụng công trình; về trách nhiệm của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; việc quy định bộ phận chuyên trách về phòng chống thiên tai cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị sửa toàn diện về Luật Đê điều vì sau 13 năm thực hiện đã có nhiều nội dung lạc hậu. Có ý kiến đề nghị cần làm rõ một số khái niệm trong dự án Luật cũng như quy định rõ về vấn đề bảo vệ đê, kè và chống sạt lở đê, kè; về cấp phép nạo vét luồng lạch; về sử dụng bãi nổi, bãi song; về các hành vi bị cấm; về trách nhiệm của các cấp, các ngành, các bộ; về kỹ thuật văn bản; về tính thống nhất, tính cụ thể của dự án Luật; về điều khoản thi hành và thời điểm thi hành Luật...

Các ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật để Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua.

Ngoài ra, phát biểu kết thúc chương trình đợt 1 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV qua hình thức họp trực tuyến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Quốc hội đã hoàn thành rất thành công chương trình đợt 1 của Kỳ họp thứ 9.

Hình thức Quốc hội họp trực tuyến thể hiện sự đổi mới, linh hoạt trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của Kỳ họp Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật. Các đại biểu Quốc hội ở 63 điểm cầu và các đại biểu dự họp tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội đã tham gia đầy đủ và thảo luận sôi nổi, chất lượng. Mặc dù đây là lần đầu tiên Quốc hội họp trực tuyến nhưng công tác phục vụ và bảo đảm điều kiện kỹ thuật cũng rất thành công. 

Chương trình đợt 2 từ 8/6-18/6/2020, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội để xem xét, thông qua nhiều vấn đề quan trọng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị chu đáo về nội dung, điều kiện bảo đảm để hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Thứ Hai, ngày 8/6/2020, Quốc hội họp đợt 2 tập trung tại Nhà Quốc hội. Buổi sáng, Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu một số vấn đề về kết quả Quốc hội họp trực tuyến; Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA), Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (các phiên họp biểu quyết thông qua nghị quyết của Quốc hội được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp).

Tiếp đó, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; nghe Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và tiến hành thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung sau: Báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

TTXVN/Báo Tin tức
Thông cáo báo chí số 08, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV
Thông cáo báo chí số 08, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Thứ Tư, ngày 27/5/2020, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ bảy theo hình thức trực tuyến tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Quốc hội tiến hành giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em” dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN