Theo ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình, tình hình triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến thời gian qua, được TANDTC triển khai quyết liệt.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021, TANDTC đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, đồng thời đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện việc xét xử trực tuyến. Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Hướng dẫn về trang bị, lắp đặt thiết bị phục vụ tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến cho phòng xử án của Tòa án các cấp kèm theo; Công văn số 53/TANDTC-TH ngày 17/3/2022 để đôn đốc triển khai, tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến; Công văn số 83/TANDTC-TH ngày 22/4/2022 về việc bảo đảm điều kiện kỹ thuật phục vụ tổ chức phiên tòa trực tuyến tại các cơ sở giam giữ.
Tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Nghị quyết với sự tham gia của toàn thể Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên TAND các cấp. Để bảo đảm các điều kiện kỹ thuật và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho các Tòa án tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến, TANDTC đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án trang bị cơ sở vật chất tổ chức triển khai phiên tòa xét xử trực tuyến bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. TANDTC đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn. Lãnh đạo TANDTC đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 497A/QĐ-TANDTC ngày 28/11/2022, hoàn thành thủ tục đầu tư, nhập thông tin dự án trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công. Đến nay, Chính phủ đã tổng hợp để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung danh mục dự án vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Tính đến hết tháng 2/2023, cả nước đã có 647 Tòa án (3 TAND cấp cao; 63 TAND cấp tỉnh và 581 TAND cấp huyện) đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 5.404 vụ án (hình sự 4.379 vụ, dân sự 220 vụ, hành chính 342 vụ, hôn nhân và gia đình 97 vụ, lao động, kinh doanh thương mại 13 vụ, các loại vụ việc khác 353 vụ).
Cũng theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, hiện nay các TAND chưa được đầu tư, lắp đặt trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến đồng bộ. Các thiết bị đang sử dụng phục vụ cho xét xử trực tuyến chủ yếu tận dụng các trang thiết bị họp trực tuyến để phục vụ xét xử nên chất lượng hình ảnh, âm thanh và phần hiển thị hình ảnh chưa đạt yêu cầu theo quy định. Một số Tòa án thuê thiết bị để phục vụ xét xử rất tốn kém, trong khi đó kinh phí cho nội dung này không được bố trí nguồn.
Mặc dù các đơn vị liên quan đã tích cực phối hợp với các Tòa án trong việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến, tuy nhiên, phần lớn các cơ sở giam giữ chưa được cơ quan chủ quản trang bị, lắp đặt thiết bị xét xử trực tuyến nên khi tổ chức xét xử trực tuyến các vụ án hình sự Tòa án cũng phải chủ động phối hợp với cơ sở giam giữ mượn hoặc thuê thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến.
Để giải quyết từng bước vấn đề này, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, trong thời gian chờ Chính phủ cấp kinh phí thực hiện dự án trang bị cơ sở vật chất tổ chức triển khai phiên toà trực tuyến, TANDTC tiếp tục chỉ đạo Tòa án các cấp khắc phục khó khăn để bảo đảm việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33 của Quốc hội thực sự hiệu quả.
“Về lâu dài, để bảo đảm hoạt động xét xử trực tuyến chuyên nghiệp, thực sự mang lại lợi ích cho tòa án và xã hội, đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội sớm có ý kiến để Chính phủ cấp kinh phí cho Tòa án nhân dân tối cao thực hiện dự án trang bị cơ sở vật chất tổ chức triển khai phiên toà trực tuyến”, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu ý kiến đề xuất.
Tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan như Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp…, đặc biệt là đề nghị Bộ Công an sớm bảo đảm nguồn lực triển khai lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho xét xử trực tuyến tại các cơ sở giam giữ.
Tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng xét xử trực tuyến cho các Thẩm phán, Thư ký và Hội thẩm nhân dân; bổ sung và nâng cao trình độ chuyên môn cho nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại các TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh để đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành hệ thống xét xử trực tuyến. Tăng cường công tác hợp tác tác quốc tế, nhất là về trao đổi, học tập kinh nghiệm và tận dụng các nguồn lực quốc tế về tố tụng điện tử và xét xử trực tuyến.