Thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 20/2020/NĐ-CP thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Nghị định quy định việc thực hiện thí điểm về quản lý lao động, xây dựng thang lương, bảng lương; tiền lương, tiền thưởng của người lao động và Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng; tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên năm 2020 tại 3 Tập đoàn, Tổng công ty gồm: Công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines); Công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) (gọi chung là Công ty).

Tiền lương của người lao động và Ban điều hành

Nghị định quy định, tiền lương của người lao động và Ban điều hành được khoán theo đơn giá tiền lương. Đối với Công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, đơn giá khoán theo tỷ lệ % trên tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương, được xác định trên cơ sở đơn giá bình quân của giai đoạn 2018 - 2019 và có tính bù chênh lệch tiền lương của lao động trực tiếp thực hiện sản phẩm công nghệ cao theo Danh mục sản phẩm công nghệ cao do Thủ tướng Chính phủ hoặc các Bộ chuyên ngành ban hành mà Công ty trả lương thấp hơn so với mặt bằng tiền lương cùng ngành nghề trên thị trường.

Đối với Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam, đơn giá khoán theo chỉ tiêu tấn - km thực hiện có doanh thu, được xác định trên cơ sở đơn giá bình quân của giai đoạn 2018 - 2019 và có tính bù chênh lệch tiền lương của người lái máy bay là người Việt Nam mà Công ty trả thấp hơn so với người lái máy bay là người nước ngoài.

Đối với Công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, đơn giá khoán theo chỉ tiêu km điều hành bay quy đổi, được xác định trên cơ sở đơn giá bình quân của giai đoạn 2018 - 2019 và tiền lương, tiền thưởng an toàn (nếu có) tính cho số lao động dự kiến phải bổ sung năm 2020 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền vì mục tiêu an ninh, an toàn hàng không.

Đơn giá bình quân của giai đoạn 2018 - 2019 được tính trên cơ sở tổng quỹ tiền lương, tiền thưởng an toàn (nếu có) thực tế hằng năm của người lao động và Ban điều hành chia cho chỉ tiêu tính đơn giá khoán theo khoản 1 Điều này trong giai đoạn 2018 - 2019.

Khi xác định đơn giá khoán, Công ty phải bảo đảm lợi nhuận (trước thuế) kế hoạch năm 2020 không thấp hơn lợi nhuận thực hiện bình quân của giai đoạn 2018 - 2019. Công ty quyết định tạm ứng tiền lương không quá 85% đơn giá khoán để chi trả hàng tháng cho người lao động và Ban điều hành.

Quỹ tiền lương thực hiện được xác định trên cơ sở đơn giá khoán nhân với chỉ tiêu tính đơn giá khoán, bảo đảm mức tăng tiền lương bình quân thấp hơn mức tăng năng suất lao động bình quân và lợi nhuận thực hiện không thấp hơn lợi nhuận thực hiện bình quân của giai đoạn 2018 - 2019. Đối với Công ty có lợi nhuận thực hiện vượt lợi nhuận bình quân của giai đoạn 2018 - 2019 thì được tính thêm vào quỹ tiền lương (hạch toán vào chi phí) theo nguyên tắc vượt 1% lợi nhuận, được tính thêm tối đa 2% quỹ tiền lương, nhưng không quá 20% phần lợi nhuận vượt và không quá 2 tháng tiền lương thực hiện.

Trường hợp lợi nhuận thực hiện thấp hơn bình quân của giai đoạn 2018 - 2019 thì phải giảm trừ quỹ tiền lương theo một trong hai cách do Công ty lựa chọn: giảm trừ tỷ lệ (%) hoặc theo mức chênh lệch giá trị lợi nhuận thực hiện thấp hơn lợi nhuận bình quân của giai đoạn 2018 - 2019. Mức giảm trừ tối đa không quá 2 tháng tiền lương và bảo đảm quỹ tiền lương thực hiện không thấp hơn quỹ tiền lương tính theo mức tiền lương bình quân trong hợp đồng lao động.

Căn cứ quỹ tiền lương thực hiện và tiền lương đã tạm ứng cho người lao động, Công ty xác định quỹ tiền lương còn lại được hưởng. Trường hợp đã tạm ứng và chi vượt quá quỹ tiền lương thực hiện thì phải hoàn trả từ quỹ tiền lương của năm sau liền kề.

Mức lương cơ bản của Chủ tịch Hội đồng thành viên 60 - 70 triệu đồng/tháng

Về tiền lương của Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát và Kiểm soát viên, Nghị định quy định mức lương cơ bản được hưởng theo chức danh và loại Công ty.

Theo đó, đối với Công ty có chỉ tiêu kế hoạch: vốn chủ sở hữu từ 10.000 tỷ đồng trở lên; doanh thu từ 30.000 tỷ đồng trở lên và có 10 đầu mối quản lý (Công ty con hạch toán độc lập hoặc phụ thuộc) hoặc tổng số lao động sử dụng từ 5.000 người trở lên: Mức lương cơ bản đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị là 70 triệu đồng/tháng; đối với Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát là 60 triệu đồng/tháng và đối với kiểm soát viên là 50 triệu đồng/tháng.

Đối với Công ty có chỉ tiêu kế hoạch: Vốn chủ sở hữu dưới 10.000 tỷ đồng; doanh thu dưới 30.000 tỷ đồng và có dưới 10 đầu mối quản lý hoặc tổng số lao động sử dụng dưới 5.000 người thì các mức lương trên lần lượt là 60; 50 và 40 triệu đồng/tháng.

Công ty căn cứ vào các chỉ tiêu kế hoạch để xác định loại công ty và mức lương cơ bản của Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát và Kiểm soát viên chuyên trách.

Mức tiền lương kế hoạch của Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát và Kiểm soát viên chuyên trách được xác định theo mức lương cơ bản gắn với lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (gọi tắt là tỷ suất lợi nhuận) kế hoạch so với lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận thực hiện năm trước liền kề như sau: Lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận kế hoạch bằng hoặc cao hơn lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận năm trước liền kề thì mức tiền lương kế hoạch tối đa bằng 2 lần mức lương cơ bản; Lợi nhuận hoặc tỷ suất lợi nhuận kế hoạch thấp hơn lợi nhuận hoặc tỷ suất lợi nhuận năm trước liền kề thì mức tiền lương kế hoạch tối đa được tính bằng 2 lần mức lương cơ bản nhân tỷ lệ (%) lợi nhuận hoặc (%) tỷ suất lợi nhuận kế hoạch thấp hơn so với lợi nhuận hoặc tỷ suất lợi nhuận năm trước liền kề.

Trường hợp lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận kế hoạch đều thấp hơn lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận năm trước liền kề thì mức tiền lương kế hoạch tối đa được tính bằng 2 lần mức lương cơ bản nhân tỷ lệ (%) lợi nhuận kế hoạch so với lợi nhuận năm trước liền kề và nhân với tỷ suất lợi nhuận kế hoạch so với tỷ suất lợi nhuận năm trước liền kề. Mức tiền lương kế hoạch sau khi tính theo lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận không thấp hơn 50% mức lương cơ bản; không có lợi nhuận thì mức tiền lương kế hoạch tối đa bằng 50% mức lương cơ bản; lỗ thì mức tiền lương kế hoạch tối đa bằng 30% mức lương cơ bản.

Mức tiền lương thực hiện được căn cứ vào mức tiền lương kế hoạch và lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận thực hiện so với kế hoạch theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 điều này. Trường hợp lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận thực hiện vượt lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận kế hoạch thì được tính thêm vào tiền lương (hạch toán vào chi phí) theo nguyên tắc vượt 1% lợi nhuận so với kế hoạch, được tính thêm 2% tiền lương nhưng tối đa bằng 2 tháng tiền lương kế hoạch.

Mức tiền thưởng căn cứ theo lợi nhuận và xếp loại công ty

Về mức tiền thưởng, Nghị định quy định, căn cứ lợi nhuận thực hiện sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước và trích lập các quỹ theo quy định của Nhà nước về phân phối lợi nhuận, Công ty trích tiền thưởng của Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên như sau: Đối với Công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được trích tiền thưởng theo mức độ hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận và xếp loại công ty: không quá 2 tháng tiền lương và thù lao, nếu lợi nhuận thực hiện bằng hoặc vượt kế hoạch và công ty xếp loại A; không quá 2 tháng tiền lương và thù lao nhân với tỷ lệ (%) lợi nhuận thực hiện so với lợi nhuận kế hoạch, nếu lợi nhuận thực hiện thấp hơn kế hoạch và công ty xếp loại A hoặc loại B; không được trích tiền thưởng nếu công ty xếp loại C hoặc công ty không thực hiện xếp loại.

Việc xếp loại Công ty được thực hiện theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2020. Các quy định về tiền lương, tiền thưởng của người lao động và Ban điều hành; tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát và Kiểm soát viên tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 1/1 đến hết 31/12/2020.

TTXVN/Báo Tin tức
Sớm hoàn thiện dự thảo các nghị định, làm cơ sở cho cải cách chính sách tiền lương
Sớm hoàn thiện dự thảo các nghị định, làm cơ sở cho cải cách chính sách tiền lương

Chiều 30/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, đã xông đất, làm việc với Bộ Nội vụ và đưa ra thông điệp đầu năm 2020 về cải cách chính sách tiền lương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN