Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết, Bộ Nội vụ đã có công văn đề nghị các bộ, cơ quan hoàn thiện báo cáo chính thức về xây dựng bảng lương và phụ cấp theo nghề căn cứ dự thảo thiết kế bảng lương mới.
Đến nay đã có 14 bộ, cơ quan có báo cáo, gồm: Bộ Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Ủy ban Dân tộc, Tòa án nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đã có công văn gửi các bộ, cơ quan Trung ương và UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị báo cáo tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 107/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Tới thời điểm này, 28/36 bộ, cơ quan Trung ương và 41/63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã gửi báo cáo.
Ban Tổ chức Trung ương đã dự thảo và lấy ý kiến các nội dung: Báo cáo rà soát các chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và dự kiến xây dựng Bảng phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị. Đồng thời xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết 107 về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 27. Hiện đang cân nhắc thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào ngày 1/1/2021 hay 1/7/2021, tùy theo sự chuẩn bị của các cơ quan liên quan.
Phó Thủ tướng cho rằng, cải cách chính sách tiền lương phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó hai giải pháp mang tính đột phá, căn cơ nhất là phải sắp xếp, tinh giản bộ máy, giảm biên chế, số lượng người hưởng lương từ ngân sách theo tinh thần Nghị quyết 27 và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị theo chỉ tiêu đến năm 2021 phải giảm được ít nhất 10%; đồng thời phải tạo được nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Trên cơ sở tình hình đó, Bộ Chính trị đã ban hành chương trình công tác năm 2020 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó việc đầu tiên là xây dựng hệ thống các chức danh, chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị và vị trí việc làm, do Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan chủ trì, phối hợp với Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị.
Liên quan đến xây dựng các nội dung quy định cụ thể về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Phó Thủ tướng cho biết đây là một đề án lớn, phải trình Bộ Chính trị xem xét và quyết định trong năm 2020 để có căn cứ xây dựng các bước tiếp theo. Phó Thủ tướng đánh giá cao các cơ quan có liên quan, đặc biệt là Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ đã tham mưu xây dựng các Nghị quyết 18,19, 39 - một trong những giải pháp căn cơ, cùng với giải pháp về tài chính để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Điểm ra một số việc Bộ Nội vụ phải thực hiện trong quý I/2021 như dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 55/ về việc thành lập, giải thể và cơ cấu tổ chức bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập, nghị định sửa đổi Nghị định 41 liên quan đến biên chế, vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ sớm trình để ban hành.
Từ kết quả tinh giản biên chế, Phó Thủ tướng nhận định đến năm 2021 có thể đạt được chỉ tiêu tinh giản 10%. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo rà soát lại tinh thần kết luận của Bộ Chính trị là “có bệnh nhân thì phải có bác sĩ, có học sinh thì phải có giáo viên”, nhưng không phải làm việc này một cách biệt lập mà phải đặt trong tổng thể sắp xếp, đổi mới lại các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực này, tránh tình trạng có đơn vị gia tăng dân số cơ hữu rất lớn nhưng không xin bổ sung thêm giáo viên như Thành phố Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường sắp xếp lại các điểm trường, nhằm tiết kiệm tài sản, chi phí để nuôi bộ máy, tiết kiệm được giáo viên, từ đó bổ sung cho giáo viên ở những nơi còn thiếu.
“Toàn quốc riêng đội ngũ y tế và kế toán học đường là hơn 80.000 người, thậm chí có những trường học ngay cạnh trạm y tế xã vẫn cứ phải có một y tế học đường, chỗ này chúng ta phải kiểm tra, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi đề nghị Bộ Nội vụ rà soát, kiểm tra thật kỹ. Chỗ nào chưa áp dụng tất cả những biện pháp đó, chúng ta chưa cho tăng biên chế”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng cho rằng trong năm 2020 phải tăng cường kiểm tra, rà soát kỹ và Bộ Nội vụ có thể phải thành lập các đoàn liên ngành đi kiểm tra việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập để đạt được mục tiêu giảm được số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong khối đơn vị sự nghiệp, kể cả y tế và giáo dục. Đồng thời phải đánh giá việc sắp xếp lại các huyện, xã, sắp xếp lại các tổ dân phố, số lượng cán bộ không chuyên trách ở cơ sở giảm được bao nhiêu, phải tính toán kỹ để có cân đối nhu cầu.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, đặc biệt là Nghị quyết 18, 19 và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế để tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sắp xếp lại, tinh gọn đầu mối, đổi mới và nâng cao chất lượng của hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt quan tâm trong lĩnh vực giáo dục.
Bộ Nội vụ cần có cơ quan chuyên trách giúp cho Bộ trưởng theo dõi vấn đề này, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Các Bộ Tài chính, Nội vụ sớm hoàn thiện dự thảo các nghị định, làm cơ sở cho vấn đề cải cách chính sách tiền lương.
“Có hàng trăm đơn vị sự nghiệp đủ điều kiện chuyển thành công ty cổ phần, chỉ chờ nghị định là chuyển đổi được ngay nhưng giờ vướng mắc là chưa có nghị định”, Phó Thủ tướng nói và cho biết đây là một trong hai giải pháp căn cơ và đột phá nhất để thực hiện cải cách tiền lương.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm và rà soát các chức danh, chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở để hoàn thiện Bảng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị. Trong đó cần lưu ý đến các khối cơ quan tư pháp (Tòa án, Viện kiểm sát).