Trong hai ngày 13-14/8, sẽ có thêm 224 lao động Việt Nam tại Libya được sơ tán về nước trên 8 chuyến bay thương mại của các hãng hàng không quốc gia Ai Cập (Egypt Air) và Qatar (Qatar Airways) xuất phát từ sân bay quốc tế Cairo (Ai Cập).Ngày 13/8, trao đổi với phóng viên TTXVN tại Ai Cập, ông Đỗ Xuân Chiến, Phó Giám đốc Công ty Vinamex, cho biết 155 người trong số 224 lao động này đã được sơ tán từ sân bay Labrag của Libya sang Cairo trên hai chuyến bay thuê riêng của Libyan Airlines vào lúc 14 giờ và 22 giờ ngày 12/8 cùng một số lao động Thái Lan.
Lao động Việt Nam trên xe của Công ty Vinamex chờ đón tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN |
Số còn lại sẽ tiếp tục di dời đến Cairo trong ngày 13/8. Năm lao động đã lên đường về nước trên chuyến bay MS 910 của Egypt Air cất cánh vào lúc 23 giờ 20 phút ngày 12/8, trong khi 219 người còn lại sẽ tiếp tục được hồi hương trên 7 chuyến bay khác của Egypt Air và Qatar Airways xuất phát trong khoảng thời gian từ 9 giờ 50 phut tới 23 giờ 25 phút ngày 13/8.
Trong đó, chuyến cuối cùng mang số hiệu MS 690 của Egypt Air chuyên chở tổng cộng 140 lao động. Các lao động sẽ quá cảnh tại Doha, Dubai, Kuala Lumpur, Bangkok, Istanbul trước khi nối chuyến về Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 13-14/8.
Số lao động nói trên xuất cảnh sang Libya làm việc tại dự án "2000 Housing Projet" ở thị trấn Al-Qubbah thuộc thành phố Al-Beida (miền Đông Libya), theo hợp đồng cung ứng giữa Công ty Vinamex và nhà thầu Hàn Quốc Huyndai E&C.
Trước đó, từ ngày 9-11/8, 458 lao động Việt Nam làm việc tại dự án này đã được sơ tán khỏi Libya qua ngả Cairo trên các chuyến bay thuê riêng của Hãng hàng không quốc gia Libya (Libyan Airlines) và đã về đến sân bay Nội Bài trên 3 chuyến chuyên cơ của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).
Theo ông Đỗ Xuân Chiến, đây là đợt sơ tán cuối cùng của Vinamex và Huyndai E&C với tổng cộng 682 lao động được chuyển về nước. Kế hoạch ban đầu của hai công ty dự kiến chỉ kéo dài ba ngày từ 9-11/8, được triển khai bằng các chuyến bay thuê riêng từ Libya tới Ai Cập và các chuyên cơ của Vietnam Airlines từ Ai Cập về Việt Nam.
Tuy nhiên, do các khó khăn về mặt kỹ thuật, Vinamex và Huyndai E&C đã buộc phải kéo dài thời gian sơ tán lao động thêm ba ngày và bỏ tiền mua vé cho các lao động còn lại về nước trên các chuyến bay thương mại.
Trước đó, Đại sứ Việt Nam tại Libya Đào Duy Tiến cho biết tính đến hết ngày 12/8, đã có tổng cộng 1.024 lao động Việt Nam rời khỏi Libya về nước. Trong khi đó, hơn 500 lao động còn lại tại quốc gia Bắc Phi này sẽ được rút hết về nước trong những ngày tới theo chỉ đạo của Chính phủ.
Hiện Sứ quán đang cố vận động, thuyết phục một số chủ sử dụng lao động địa phương và nước ngoài lên kế hoạch sơ tán cho số lao động này.
TTXVN/Tin tức