Ngân hàng Nhà nước đã có những quyết sách điều hành, định hướng cho năm 2017. Vậy hướng đi này có phù hợp cho năm 2017 hay không khi kinh tế thế giới đã có nhiều biến động ngay trong quý 1/2017.
Xoay quanh chủ đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính - Đại học Kinh tế quốc dân.
Ông có thể chỉ ra những điểm sáng trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2016 và nó có những tác động thế nào đến năm 2017?Trước hết cần khẳng định rằng việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2016 là rất thành công. Những thành công này đã được thừa nhận tập trung vào những điểm mấu chốt cơ bản bao gồm: sự ổn định của mặt bằng lãi suất, sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối, bao gồm cả thị trường vàng.
Tăng trưởng tín dụng theo cơ cấu lành mạnh, đúng định hướng và hiệu quả cùng với đó hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng được giám sát chặt chẽ hơn, an toàn và hiệu quả hơn theo hướng tiếp tục được tái cơ cấu và từng bước tự xử lý nợ xấu; lạm phát được kiểm soát ở mức cho phép; tăng trưởng kinh tế tốt, thặng dư về thương mại quốc tế và dự trữ ngoại hối tăng cao.
Từ thực tế của 2016 đã cho thấy những quyết sách trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước là rất thành công.
Tác động đầu tiên rất quan trọng là củng cố niềm tin cho công tác điều hành năm 2017. Việc vượt qua khó khăn năm 2016 đã tạo lòng tin vững chắc hơn trong việc thực thi các nhiệm vụ hướng tới mục tiêu năm 2017.
Bên cạnh đó, sự ổn định của lãi suất, tỷ giá, lạm phát và tăng trưởng kinh tế của năm 2016 chính là cơ sở để duy trì sự ổn định cho năm 2017.
Ngân hàng Nhà nước đã có những quyết sách điều hành, định hướng tiền tệ cho năm 2017. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN |
Việc Ngân hàng Nhà nước không phải áp dụng các biện pháp can thiệp tốn kém để thiết lập sự ổn định cùng với đó tăng trưởng và cơ cấu tín dụng năm 2016 tạo đà vững chắc cho sự phục hồi và tăng trưởng của khu vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như một số chương trình ưu tiên của Chính phủ.
Những tác động tích cực này đã được thể hiện ngay trong 2 tháng đầu năm vừa qua, khi mà ngay tháng 2 tín dụng đã tăng trưởng 1,7% so với tháng 12/2016, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay vẫn được duy trì, thậm chí có Ngân hàng thương mại đang xem xét giảm lãi suất cho vay.
Năm 2017, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế được đặt ra là 6,7%. Đồng thời Quốc hội cũng đặt mục tiêu lạm phát bình quân năm nay ở mức 4% . Những con số này sẽ tạo áp lực cũng như những thử thách gì cho việc điều hành Ngân hàng Nhà nước, thưa ông? Năm 2017 cũng được cho là rất khó khăn với những diễn biến khó lường của tình hình thế giới, trên cả giác độ an ninh, chính trị, kinh tế và tài chính.
Đối với tình hình trong nước, các “dư địa” đều gần như hết, khó có thể giảm lãi suất sâu hơn, khó có thể mở rộng cung tiền hơn để đáp ứng tăng trưởng kinh tế khi mà ràng buộc lạm phát chỉ 4%, đồng thời khó duy trì thặng dư thương mại, trong khi nhu cầu nhập khẩu tăng (do thuế giảm) hay thúc đẩy xuất khẩu, đồng thời chúng ta phải đảm bảo sự ổn định của tỷ giá.
Tuy nhiên, xu hướng được dự báo nhiều hơn là nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, do vậy cần tập trung phát huy và củng cố động lực của sự tăng trưởng. Điều hành chính sách tiền tệ cần tiếp tục phát huy sự thận trọng, linh hoạt và sáng tạo đã mang lại những thành công trong 2 năm qua.
Theo đó, tiếp tục hướng tín dụng vào khu vực sản xuất kinh doanh, kiên quyết hạn chế luồng vốn vào đầu cơ bất động sản, vàng và những lĩnh vực phi sản xuất.
Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để xây dựng trật tự ưu tiên cho luồng vốn đến với các lĩnh vực trọng điểm của tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm sạch và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó cần tiếp tục duy trì sự ổn định của thị trường ngoại hối và ổn định tỷ giá trên cơ sở cơ chế tỷ giá trung tâm. Kiên quyết loại bỏ việc sùng bái đô-la, quyết tâm hơn nữa trong việc loại bỏ tín dụng ngoại tệ.
Phối hợp chặt chẽ với điều hành chính sách tài khóa để phát huy hiệu quả áp dụng các công cụ chính sách, đảm bảo mục tiêu duy trì lạm phát...
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Bình Định. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Theo đánh giá của ông, trước những áp lực trên thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2017 có đạt được không, thưa ông?
Năm 2016 là một ví dụ về việc đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng và cả mục tiêu về cơ cấu tín dụng. Trên cơ sở này, năm 2017 vẫn có khả năng đạt được mục tiêu.
Tuy nhiên còn căn cứ vào xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế tạo ra khả năng hấp thụ vốn tốt, đặc biệt là xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu nông sản thực phẩm, nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.… Cùng với đó là những điều kiện thuận lợi từ hội nhập và hợp tác quốc tế, từ khả năng thu hút FDI.
Vậy ông đánh giá thế nào về việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua và câu chuyện bình ổn tỷ giá sẽ được thực hiện thế nào khi tỷ giá đang chịu khá nhiều áp lực từ yếu tố bên ngoài liên quan đến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và biến động của kinh tế thế giới?
Điều hành tỷ giá là một trong những thành công rất quan trọng của năm 2016 và cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm đã và đang phát huy tác dụng tốt.
Nếu so sánh thì năm 2016 cũng bị sức ép tăng lãi suất của FED và thực tế FED cũng đã tăng lãi suất. Tình hình tài chính quốc tế cũng biến động phức tạp…, tuy nhiên bằng cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm, bám sát thị trường và dựa trên cơ sở duy trì xuất khẩu và thặng dư thương mại, các biện pháp hạn chế đô-la hóa, năm 2016 tỷ giá chỉ thay đổi từ 1,1-1,2%, dự trữ ngoại hỗi ở mức 40 tỷ USD. Đây cũng là những điều kiện thuận lợi cho việc duy trì sự ổn định tỷ giá trong năm 2017.
Tuy nhiên, để có thể đảm bảo sự ổn định vững chắc của năm 2017 vẫn cần theo dõi chặt chẽ và thường xuyên đánh giá về tình hình tài chính quốc tế để có những điều chỉnh phù hợp.
Kiên quyết thắt chặt tín dụng ngoại tệ hơn nữa bằng việc không chỉ không nhận mà dừng cho vay bằng ngoại tệ để tránh những hiện tượng tiêu cực, huy động dưới các hình thức khác nhau, gây sự bất ổn trên thị trường ngoại hối.
Thưa ông, có thể nhận thấy tồn tại và khó khăn lớn nhất hiện nay là nợ xấu. Vậy ông đánh giá thế nào về những giải pháp cũng như hướng đi về xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước đến thời điểm này? Nợ xấu là vấn đề chưa có giải pháp hay đúng hơn là chưa dám áp dụng các giải pháp triệt để. Việc giải quyết nợ xấu của Vietcombank là rất đáng hoan nghênh, rất được ngưỡng mộ bởi đã mang lại nhiều lợi ích cho Vietcombank và khách hàng, kể cả khả năng hạ lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Tuy nhiên, các giải pháp cụ thể thì chưa được công bố nhưng tôi cho rằng vẫn chỉ là giải pháp truyền thống và mang tính chất đặc thù, chưa thể áp dụng chung cho các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Hướng đi để xử lý nợ xấu theo tôi vẫn phải là thông qua thị trường mua bán nợ xấu và số nợ xấu cần phải được chứng khoán hóa thành một loại công cụ tài chính, đủ thanh khoản và hấp dẫn để có thể được giao dịch rộng rãi trên thị trường chứng khoán bởi các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.
Xin cảm ơn ông!