“Thắt lưng buộc bụng”

Có thể khẳng định, đấy chính là phương cách tốt nhất cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng khi giá điện tăng, một sự tăng không thể đừng và phải thực hiện theo lộ trình hàng năm để đảm bảo cho sự phát triển của ngành điện.

Mức tăng giá điện lần này là 15,28% đã được Chính phủ căn cứ trên cơ sở chi phí đầu vào, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hạn chế tối đa tác động đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận một thực tế, do điện là yếu tố đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất nên những tác động của việc tăng giá điện là điều không thể tránh khỏi.

Vì thế chúng ta chỉ có thể chủ động hành động để tránh khỏi những tác động hay những biến động lớn đối với nền kinh tế nói chung và đối với từng doanh nghiệp (DN), từng người tiêu dùng (NTD) nói riêng.

Trước hết, giá điện tăng sẽ khiến chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất tăng, nhất là các ngành hàng thiết yếu như sắt, thép, xi măng, các ngành sản xuất công nghiệp dùng nhiều điện… Tuy nhiên, vì chính sự sống còn và uy tín của DN, không thể điều chỉnh tăng giá bán hàng ngay hoặc tăng tương ứng với việc tăng giá điện. Bởi vậy, DN chỉ còn cách phải chủ động vừa ứng phó với giá điện tăng, vừa không để “Thượng đế” quay lưng ngoảnh mặt. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, chỉ có thể là “thắt lưng buộc bụng”. Ấy là việc cắt giảm tối đa các chi phí đầu vào khác, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, tiết kiệm trong lưu thông, phân phối hàng hóa… Tóm lại là tiết kiệm trong mọi chi phí, nhằm đạt được giá thành ít tăng nhất khi giá điện tăng. Từ đó, mới ổn định được giá bán hàng nhằm giữ chân NTD và bảo đảm doanh thu, lợi nhuận. Về lâu dài, DN phải chủ động đầu tư máy móc, công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng hơn.

Tăng giá điện lần này, Chính phủ đồng thời sẽ thực hiện chính sách hỗ trợ giá điện cho người nghèo, người có thu nhập thấp. Tuy vậy, cũng vẫn không thể tránh khỏi tất cả những tác động từ việc tăng giá ngành hàng thiết yếu này đối với đời sống người dân. Đó là tác động trực tiếp đến hóa đơn thanh toán tiền điện hàng tháng của từng hộ dân cùng tác động gián tiếp từ việc tăng giá hàng hóa… Bởi vậy, việc “thắt lưng buộc bụng” trong sử dụng điện, trong chi tiêu cũng là phương cách hữu hiệu để mỗi người có thể chủ động thích ứng với những diễn biến mới của giá cả.

Vì mục tiêu chung của lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp, lợi ích của từng người tiêu dùng, chúng ta cùng nhau ứng biến với việc tăng giá điện của năm nay và hàng năm theo lộ trình. Điều giản dị nhất có thể làm, đó chính là cùng nhau “thắt lưng buộc bụng”, rồi sau đó mới đến việc đồng hành, đồng lòng để làm những việc lớn lao hơn như cùng chống lại tình trạng “té nước theo mưa” hay thực hiện các chính sách hỗ trợ, chính sách tiền tệ, chính sách an sinh xã hội… nhằm hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của việc tăng giá không tránh khỏi của điện và một số ngành hàng then chốt.

Hồng Nga

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN