Thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, sáng 25/5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Chú thích ảnh
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trình Quốc hội xem xét, biểu quyết quy định phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về phạm vi hoạt động của hòa giải viên đã được mở rộng nhằm tạo điều kiện tốt hơn để đương sự lựa chọn được hòa giải viên mà họ tín nhiệm, bảo đảm sự tự nguyện lựa chọn hòa giải viên của người tham gia hòa giải, đối thoại.

Về chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, do đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới, nhằm khuyến khích người dân lựa chọn, đa số các trường hợp Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Cuối phiên thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Thời gian còn lại trong phiên làm việc, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết này.

Đầu thời gian làm việc chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Cuối phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội nêu trong quá trình thảo luận.

Phần lớn thời gian làm việc chiều, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, biểu quyết gồm 07 chương, 44 điều. Dự thảo Luật không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật, chỉ dành 01 điều quy định chung về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên; đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, dự thảo Luật bổ sung 01 chương quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình và xã hội, đặc biệt là trách nhiệm đối với bản thân thanh niên.

Bên cạnh đó, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên thực hiện trách nhiệm của mình, dự thảo Luật quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình đối với thanh niên.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên. 

Cuối phiên thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

TTXVN/Báo Tin tức
Từ 25 - 28/5: Quốc hội tập trung cho công tác xây dựng pháp luật
Từ 25 - 28/5: Quốc hội tập trung cho công tác xây dựng pháp luật

Tập trung cho công tác xây dựng pháp luật là nội dung chính trong tuần làm việc trực tuyến thứ 2 (từ 25/5-28/5) của Kỳ họp thứ 9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN