Theo đó, thành phố Pleiku có 23 xã, phường trực thuộc với diện tích hơn 26.000 ha, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật của tỉnh Gia Lai, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước.
Những năm qua, thành phố Pleiku đã có những bước phát triển vượt bậc, tốc độ đô thị hóa của thành phố hiện nay khoảng 79,75%. Nhiều công trình, không gian công cộng được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, tiêu biểu là Quảng trường Đại Đoàn Kết với khuôn viên 12 ha và công viên Diên Hồng với diện tích gần 11 ha trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách tham quan.
Cùng với sự phát triển chung của tỉnh Gia Lai, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thành phố Pleiku năm 2018 đạt 60,3 triệu đồng/người. Mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 là 10,19%, vượt yêu cầu của đô thị loại I là từ 7,0 - 9,0%. Toàn thành phố Pleiku có 1 trung tâm thương mại, 18 chợ và 9 siêu thị với tổng mức bán lẻ hơn 12 nghìn tỷ đồng/năm.
Với đặc trưng là thành phố Tây Nguyên có số lượng người dân tộc thiểu số đông nên các công trình y tế, giáo dục, văn hóa cộng đồng được quan tâm đầu tư phát triển. Do đó, chính quyền thành phố Pleiku xác định công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị theo hướng vừa hiện đại, vừa lưu giữ đặc trưng bản sắc văn hóa Tây Nguyên là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
Ông Nguyễn Hữu Quế, Chủ tịch UBND cho biết: Việc thành phố Pleiku được công nhận là đô thị loại I đánh dấu, ghi nhận sự phấn đấu của toàn thể đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Pleiku. Thời gian qua, thành phố Pleiku đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp đời sống nhân dân để đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I. Thời gian tới, nhân dân thành phố Pleiku sẽ hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí đô thị loại 1, xứng tầm là đô thị trung tâm khu vực phía Bắc Tây Nguyên, phát triển Pleiku tầm nhìn đến năm 2030 là đô thị cao nguyên xanh về sức khỏe.