Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Xuân Thảo phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN |
Hiến pháp năm 2013, tại Điều 117 quy định: "Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Hội đồng bầu cử quốc gia gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia và số lượng thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do luật định".
Cụ thể hóa quy định này của Hiến pháp, Điều 12 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định rõ về cơ cấu, tổ chức của Hội đồng bầu cử quốc gia. Theo đó: Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập, có từ mười lăm đến hai mươi mốt thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là đại diện Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.
Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội bầu, miễn nhiệm theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Hội đồng bầu cử quốc gia thành lập các tiểu ban để giúp Hội đồng bầu cử quốc gia thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong từng lĩnh vực.
Trao đổi nội dung này trên, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho biết: Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, từ trước đến nay thực hiện theo một mô hình tổ chức. Trong đó, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm chính và Hội đồng bầu cử Trung ương là đơn vị giúp việc để thực hiện bầu cử từng nhiệm kỳ. Hết nhiệm kỳ, có kết quả, Hội đồng bầu cử Trung ương chấm dứt.
Nhưng công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân lần này đã được Hiến pháp năm 2013 quy định theo một thiết chế hiến định độc lập và thành một chương riêng là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước. Theo tinh thần của Hiến pháp, công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện thống nhất mỗi nhiệm kỳ tiến hành bầu trong một ngày trên toàn quốc.
Đồng thời, Hiến pháp quy định Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Hội đồng bầu cử quốc gia gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia và số lượng thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do Luật định. Vấn đề này, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cũng quy định rõ.
Theo đại biểu Thảo, Hiến pháp quy định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và Quốc hội bầu trực tiếp, vì đây là một tổ chức độc lập nhằm đảm bảo tính khách quan. Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ trực tiếp lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng như độc lập trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng giới thiệu ứng cử viên đảm bảo tiêu chuẩn theo Luật định. Hội đồng bầu cử quốc gia đại diện nhiều thành phần như thanh niên, phụ nữ, Mặt trận và các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Ngay cả khi nếu có đề bạt, khiếu nại, tố cáo của cử tri hay nhân dân về công tác bầu cử sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch.
Đại biểu Nguyễn Văn Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá đây là một hội đồng hoạt động độc lập; số lượng tham gia Hội đồng đã được Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định rõ có từ mười lăm đến hai mươi mốt thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.
Đại biểu thể hiện sự tin tưởng các đại biểu Quốc hội sẽ lựa chọn được nhiều đại biểu xứng đáng tham gia trong Hội đồng bầu cử quốc gia. Trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cũng đã quy định rất cụ thể về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu cho rằng đây là cơ sở pháp lý để Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định lựa chọn những người tham gia ứng cử. Tôi tin rằng với sự dân chủ, công khai, sáng suốt, sẽ bầu được những đại biểu xứng đáng - đại biểu cho biết.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, việc quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là thể hiện quy định ghi trong Hiến pháp. Theo đó, Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Thành phần và cơ cấu của Hội đồng này cũng đã được quy định trong Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội.
“Tôi nghĩ rằng có Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn nữa các quyền được ghi trong Hiến pháp như: quyền con người, quyền bầu cử, quyền được tự ứng cử, quyền tham gia các hoạt động chính trị của đất nước. Tất cả các vị đại biểu Quốc hội đều ủng hộ chủ trương này và nó đã được thể hiện trong Hiến pháp. Đồng thời, công tác chuẩn bị nhân sự đã được tiến hành và ngày mai sẽ được trình ra Quốc hội” – đại biểu Hải chia sẻ.